Di sản của cố Thủ tướng Đức Helmut Schmidt

Print Friendly, PDF & Email

0,,17317772_303,00

Nguồn: Frank- Walter Steinmeier, “Helmut Schmidt’s World”, Project Syndicate , 13/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nước Đức mất đi một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn của mình tuần này khi nguyên Thủ tướng Helmut Schmidt qua đời ở tuổi 96. Schmidt từng là Bộ trưởng Quốc phòng từ 1969 đến 1972, Bộ trưởng Tài chính từ 1972 đến 1974 và Thủ tướng liên bang từ 1974 đến 1982. Kỷ nguyên của chúng ta hiện giờ có vẻ như đặc biệt hỗn loạn; nhưng những năm thời Schmidt lãnh đạo nước Đức cũng không hề bình yên chút nào.

Thời của ông là kỷ nguyên của Ostpolitik (chính sách hướng đông của Tây Đức) và détente (chính sách hòa dịu đông – tây – ND), của cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu đầu tiên, của suy thoái kinh tế, lạm phát đi kèm đình trệ và tình trạng thất nghiệp hàng loạt quay trở lại châu Âu. Thế hệ của ông phải đối mặt với vấn nạn khủng bố trong nước và chứng kiến cách mạng ở Iran, Liên Xô xâm chiếm Afghanistan, và sự trỗi dậy của Phong trào Đoàn kết ở Ba Lan.

Schmidt được nhớ đến như là một người thực tế với phong cách cầm tay chỉ việc, nhưng hơn hết là một nhà quản lý khủng hoảng đại tài. Ông đã chứng tỏ được khả năng nhận định và lãnh đạo của mình từ sớm khi, với tư cách là nghị viên thành phố Hamburg, ông phải đối mặt với một trận lũ lớn năm 1962 làm phá hủy thành phố. Schmidt khẳng định hình ảnh nhà lãnh đạo thực tế của mình bằng cách nhất quán lên tiếng bày tỏ sự nghi ngại sâu sắc đối với những tầm nhìn dài hạn và đại kế hoạch, mặc dù chưa từng chối bỏ niềm tin của mình rằng trong các mục tiêu chính trị của ông luôn có các nền tảng đạo đức. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi Karl Popper, với cách tiếp cận thực dụng nhưng dựa trên các giá trị, chính là nhà triết học yêu thích của Schmidt.

Nhưng tầm nhìn của Schmidt về thế giới có nhiều điều hơn thế: Là người con của thành phố cảng lớn nhất nước Đức, ông từng là một người theo lý tưởng quốc tế tận tụy, quan tâm thực sự đến những gì nằm ngoài lãnh thổ của chúng ta. Là một học trò của Popper và đem theo những ký ức và vết sẹo của thảm họa Quốc xã, ông nhận thức một cách chính xác trong suốt cuộc đời mình về cả những sức mạnh lẫn những điểm dễ tổn thương trong các xã hội mở của chúng ta.

Schmidt hiểu rằng một nhà chính trị thực tế phải giải quyết các tình huống trong lúc chúng dần hé mở, xử lý chúng càng nhanh càng tốt. Nhưng theo bản năng, ông cũng hiểu rằng những sự kiện thường ngày được định hình bởi những xu hướng và thế lực mạnh mẽ: sự cạnh tranh chiến lược giữa phương Đông và phương Tây, sự tiến hóa của hệ thống tài chính quốc tế trong kỷ nguyên tương thuộc toàn cầu, và các hậu quả của việc phi thực dân hóa.  Ông từng là một trong những người Đức đầu tiên chú ý đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và nhận ra những hệ quả của việc châu Á trở lại vị thế dẫn đầu trên trường thế giới.

Đối với Schmidt, sự phân tích kỹ càng từng là một tiền đề cần thiết cho mọi hành động chính trị. Ông đặc biệt ghét cách làm việc có xen lẫn cảm xúc trong chính sách đối ngoại. Ông không khoan nhượng với những kẻ ngu ngốc. Và ông luôn hành động dựa trên những đức tin của mình.

Cùng với Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, ông thúc đẩy sự thiết lập Nhóm bảy cường quốc nhằm điều phối các chính sách kinh tế quốc tế, và đóng vai trò lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G-7 đầu tiên tại Rambouillet năm 1975. Cùng năm đó, ông ngồi cạnh nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker tại Helsinki trong lễ ký “Định ước cuối cùng” của Hội nghị về Hợp tác và An ninh ở châu Âu (còn gọi là Định ước Helsinki – NBT) – một bước đột phá lớn trong chính sách hòa dịu và việc mở cửa các xã hội khép kín của Liên Xô và khối Hiệp ước Vác-sa-va.

Mối quan hệ của Schmidt với Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã từng rất căng thẳng, như nhiều người đã ghi chép lại trong biên niên sử. Tuy vậy Schmidt luôn là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mà ông nhìn nhận là không thể thay thế được đối với chính sách an ninh và ngoại giao của Đức. Trên thực tế, sáng kiến của ông nhằm chống lại sự triển khai tên lửa hạt nhân tầm xa SS-20 của Liên Xô, một kế hoạch ông đề ra trong bài phát biểu được chú ý năm 1979, đã được thúc đẩy trước hết vì những quan ngại về khả năng chia rẽ giữa châu Âu và đồng minh Mỹ.

Cam kết trên nguyên tắc của Schmidt đối với quyết định “Double-Track”[1] năm 1979 của NATO, theo đó các tên lửa hạt nhân tầm xa cuối cùng sẽ bị loại bỏ khỏi châu Âu, gây thất vọng cho nhiều người trong đảng của ông. Nhưng nó được đưa ra dựa trên những suy xét cẩn thận và tỉnh táo của ông về tình hình chiến lược đang biến đổi.

Cuối cùng, Schmidt thực sự là một công dân Âu châu. Ông đã sống qua các biến động mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây ra ở nước Đức. Ông tiếp tục nghi ngờ những ý tưởng về các “tiến bộ không thể đảo ngược”. Thay đổi hướng tới tương lai tốt hơn chỉ có thể xảy ra với những ý tưởng thực tế, chứ không phải từ các bài diễn thuyết ngày Chủ nhật.

Vì vậy, sự hội nhập châu Âu phải được tạo ra bởi những chính sách và thể chế thực, không phải bởi các sắc lệnh. Do đó ông và Giscard đã tạo ra Hội đồng châu Âu (gồm những người đứng đầu các chính phủ châu Âu), mà giờ đây trở thành một nhân tố chính trong cấu trúc thể chế của Liên minh châu Âu. Họ cũng đã thúc đẩy ý tưởng về hợp nhất tiền tệ, điều trở thành hiện thực một thế hệ sau đó. Họ đại diện cho cam kết của Pháp và Đức tiến tới một châu Âu hòa bình, thống nhất, có khả năng gây ảnh hưởng toàn cầu chỉ khi và khi họ hành động một cách nhất quán và có mục đích.

Schimdt tiếp tục là cố vấn cho người dân Đức nhiều thập niên sau khi rời chính trường. Các cuộc khủng hoảng quốc tế, trật tự toàn cầu và tương lai châu Âu vẫn là các mối quan tâm chính của ông, và ông tự thấy có vai trò và trách nhiệm đối với chính đất nước của mình trong việc xử lý và định hình cả ba vấn đề trên.

Suy nghĩ của ông có một nền tảng quy phạm mạnh mẽ, nhưng sự hiểu biết sâu sắc của ông về thế giới giúp ông tiếp cận các chính sách ngoại giao với sự khiêm nhường và kiên nhẫn chiến lược. Đó là một sự kết hợp hiếm thấy giữa đạo đức và sự kiên định, điều chính là di sản của ông trong tư cách là một nhà hoạch định và thực thi chính sách ngoại giao. Chúng ta sẽ cố gắng để giữ cho những ưu tiên và nguyên tắc của ông luôn đứng đầu trong tâm trí của chúng ta, dù giờ ông không còn ở đây để nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của chúng.

Frank- Walter Steinmeier hiện là Bộ trưởng Ngoại giao Đức.

————–

[1] NATO Double-Track Decision là quyết định đưa ra giữa NATO và Khối Vac-sa-va, trong đó hai bên sẽ cùng nhau hạn chế các tên lửa tầm trung (medium-range ballistic misile) và tầm xa (intermediate range ballistic misile) tại châu Âu (NBT).

Copyright: Project Syndicate 2015 – Helmut Schmidt’s World
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]