23/01/1973: Nixon tuyên bố đạt được giải pháp hòa bình ở Paris

kissinger-and-tho

Nguồn:Nixon announces peace settlement reached in Paris,” History.com (truy cập ngày 23/01/2015)

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1973, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon tuyên bố rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, trưởng đoàn đàm phán Bắc Việt, đã ký tắt một thỏa thuận hòa bình ở Paris “để chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình trong danh dự ở Việt Nam và Đông Nam Á.”

Kissinger và ông Thọ đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật từ năm 1969. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa đẩy lùi được cuộc tiến công lớn của Bắc Việt vào mùa xuân năm 1972, Kissinger và Bắc Việt cuối cùng đã đạt được một số bước tiến nhằm kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã ngoan cố đưa một số đòi hỏi vào đàm phán, khiến các nhà đàm phán Bắc Việt rời bàn đàm phán với Kissinger vào ngày 13 tháng 12 năm 1972.

Đến ngày 14, Tổng thống Nixon ra tối hậu thư cho Hà Nội, yêu cầu cử đại diện trở lại bàn đàm phán trong vòng 72 giờ, “nếu không sẽ lại ném bom miền Bắc Việt Nam.” Bắc Việt bác bỏ yêu cầu của Nixon và Tổng thống Mỹ đã ra lệnh tiến hành Chiến dịch Linebacker II (tức sự kiện Điện Biên Phủ trên không theo cách gọi của Việt Nam), một chiến dịch không kích toàn diện vào khu vực Hà Nội. Đây là cuộc không kích lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam.

Trong suốt 11 ngày tấn công, 700 lượt B-52 và hơn 1.000 lượt máy bay chiến đấu khác đã thả khoảng 20.000 tấn bom, chủ yếu là xuống các khu vực đông dân cư giữa Hà Nội và Hải Phòng. Ngày 28 tháng 12, sau 11 ngày ném bom dữ dội, Bắc Việt đồng ý trở lại bàn đàm phán. Khi gặp lại vào đầu tháng 1 năm 1973, các nhà đàm phán đã nhanh chóng tìm ra một giải pháp.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, sau này được gọi là Hiệp định Paris, một lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực vào lúc 8 giờ sáng ngày 27 tháng 1. Ngoài ra, toàn bộ tù nhân chiến tranh của các bên sẽ được trao trả trong vòng 60 ngày và đổi lại, mọi binh sĩ Mỹ và các nước khác sẽ rút khỏi Việt Nam cũng trong 60 ngày.

Về tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam, Hiệp định Paris kêu gọi thành lập Hội đồng Quốc gia về Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc, với các đại diện đến từ cả hai miền Việt Nam (Sài Gòn và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam), nhằm giám sát các cuộc đàm phán và tổ chức bầu lên một chính phủ mới.

Hiệp định Paris chính thức có tên “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam” và được các bên ký vào ngày 27 tháng 1 năm 1973.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]