Mỹ và Nga có thể hợp tác tại Syria không?

Russia-US-approaches-on-Syrian-crisis

Nguồn: Michael McFaul, “Can America and Russia Cooperate in Syria?Project Syndicate, 05/01/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Cẩm Tú | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Quyết định can thiệp vào Syria của Tổng thống Vladimir Putin đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Nga trong năm 2015. Suốt 15 năm qua, ông Putin đã ngày càng dựa vào việc sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được các mục tiêu trong nước và chính sách đối ngoại của mình, bắt đầu bằng cuộc xâm lược Chechnya năm 1999, tại Gruzia năm 2008, và tại Ukraine năm 2014. Nước cờ Syria của Putin là một bước logic, nếu không nói là kịch tính, trong chính sách ngoại giao ngày càng hiếu chiến của Nga.

Tuy nhiên, Syria được cho là sẽ khác những cuộc can thiệp trước đây. Trong khi Putin đã tính toán chính xác rằng hầu hết các nước sẽ lên án hành vi quân sự của Nga tại Chechnya, Gruzia, và Ukraine, ông hy vọng nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cho những hoạt động của mình tại Syria.

Những nhà bình luận thân Kremlin đã dùng chuyến thăm Moskva gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry như một bằng chứng cho thấy rằng cuộc can thiệp quân sự nhằm chống khủng bố tại Syria đã chấm dứt tình trạng cô lập quốc tế của Nga và tạo dựng thiện cảm mới về nước này như một cường quốc có trách nhiệm. Lập luận là nước Nga đã trở lại, vì thế giới cần Nga.

Vẫn còn sớm để đi đến những kết luận như vậy. Về lâu dài, Nga có thể trở thành một đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Và về nguyên tắc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và các nước trên thế giới nên chào đón sự hợp tác của Nga trong chiến dịch này. Tuy nhiên, trên thực tế, phải giải quyết một số vấn đề quan trọng trong ngắn hạn trước khi có thể đạt được các mục tiêu dài hạn của việc hợp tác với Nga.

Thứ nhất, Nga, vốn can thiệp để bảo trợ đối tác lâu năm của mình là Tổng thống Bashar al-Assad, phải dừng việc đánh bom các lực lượng đối lập Syria được Mỹ và các đồng minh hậu thuẫn, và bắt đầu tấn công Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Vào những tuần đầu tiên trong chiến dịch đánh bom của Nga, chiến lược là rõ ràng: tiêu diệt tất cả các bên thứ ba trong cuộc nội chiến và từ đó buộc thế giới phải chọn giữa hai thế lực đen tối còn lại, hoặc Assad hoặc ISIS.

Gần đây hơn, các máy bay ném bom của Nga đã bắt đầu tấn công một số mục tiêu ISIS, nhưng chiến dịch không kích của Điện Kremlin vẫn tập trung vào các lực lượng đối lập. Để trở thành một đối tác với phương Tây, Nga cần thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn các mục tiêu ném bom của mình.

Thứ hai, Putin cần can dự nghiêm túc hơn vào những nỗ lực quốc tế nhằm triển khai quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria. Assad không thể tiếp tục nắm quyền. Ông ta có thể giữ một vị trí tạm thời, giống như một số nhà độc tài khác đã làm trong giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ chuyên chế. Nhưng ông ta không thể tiếp tục cầm quyền vì lý do đơn giản là sự hiện diện của ông chỉ làm tăng số lượng người tình nguyện chiến đấu cho ISIS.

Chế độ của Assad đã gây ra cái chết cho nhiều người dân Syria hơn tất cả các lực lượng khác cộng lại. Ông ta hiếm khi tấn công những kẻ khủng bố ISIS, mà thay vào đó tập trung những nỗ lực quân sự của mình vào những nhóm quân nổi dậy khác. Vậy nên ông ta không thể là một đồng minh hữu ích trong cuộc chiến chống khủng bố.

Hơn nữa, phần lớn nạn nhân trong các chiến dịch quân sự của chính phủ Syria là dân thường, chứ không phải các phần tử khủng bố. Theo tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Syria, Assad đã sát hại 181.557 dân thường từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 11 năm 2015, trong khi ISIS giết hại 1.777 dân thường trong giai đoạn này. Nếu mục tiêu ở Syria là chấm dứt nội chiến, không ai được nghĩ Assad là sứ giả hòa bình.

Như một minh chứng về ảnh hưởng của Nga lên chế độ này, đầu tiên Putin nên gây áp lực buộc Assad dừng giết hại dân thường. Nếu Putin không thể đạt được mục đích này, không có lý do gì để tin rằng ông sẽ đưa được Assad hoặc các tướng lĩnh khác tới bàn đàm phán.

Thứ ba, Nga phải thay đổi cách thức ném bom. Quá nhiều thường dân đang bị giết hại. Phương pháp tấn công của Nga chỉ đem lại những thước quay đầy cảm hứng bạo lực cho các chiến binh thánh chiến trên YouTube – và đây chính là điều ISIS muốn.

Thứ tư, truyền thông Nga phải dừng ngay việc cáo buộc Mỹ đã hỗ trợ ISIS. Làm sao Mỹ có thể hợp tác quân sự với một đất nước luôn đưa ra những lời chỉ trích sai trái và khắc họa Mỹ như một kẻ thù?

Thứ năm, Putin cần ngăn chặn làn sóng chiến binh Nga đổ vào Syria. Ngay cả ước tính của Nga cũng cho thấy đến tháng 9 năm 2015 đã có khoảng 2.400 công dân Nga gia nhập ISIS.

Cuối cùng, để trở thành một đối tác hữu ích tại Syria, Nga phải dừng mong đợi những sự nhượng bộ của Mỹ về vấn đề Ukraine. Không thể có sự liên hệ nào giữa hai vấn đề này.

Để có thể hợp tác với Nga, phía Mỹ và các đồng minh cũng phải đưa ra một số điều chỉnh – cũng như một vài cam kết. Thứ nhất, các nhóm đối lập ôn hòa nhận tài trợ và vũ khí từ Mỹ không nên bị ép buộc chỉ tập trung đối phó với ISIS. Thay vào đó, họ cần xác định những chiến lược quân sự của mình, bao gồm tập trung chiến đấu với các lực lượng của Assad như một phương tiện gây áp lực buộc chế độ này đàm phán. Họ sẽ không thể tấn công ISIS khi Assad còn tấn công họ.

Thứ hai, quan chức Hoa Kỳ phải gây áp lực buộc Điện Kremlin thực sự thúc đẩy một cuộc chuyển tiếp quyền lực ở Syria, cuối cùng bao gồm các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Hoa Kỳ và các nước còn lại trên thế giới không thể bị cám dỗ trước lời hứa viển vông về một sự ổn định chuyên chế. Nền độc tài của Assad chỉ gây ra chết chóc, đấu đá, và bất ổn trong bốn năm qua. Không có lý do gì để tin rằng chế độ này có thể đem lại sự ổn định trong tương lai.

Thứ ba, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải tách bạch việc hỗ trợ cho Ukraine với việc hợp tác với Nga tại Syria. Phát đi những tín hiệu mơ hồ sẽ không mang lại lợi ích gì.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải có quan điểm thực tế về triển vọng thấp trong việc hợp tác thành công với Nga. Các chiến dịch ném bom của Nga về cơ bản thay đổi rất ít hiện trạng trên thực địa, và cam kết của Nga ủng hộ một cuộc chuyển tiếp chính trị không phải là mới. Hai nỗ lực đem lại hòa bình quốc tế mà Nga từng tham gia (Hội nghị Geneva I và Geneva II) đã kết thúc trong thất bại.

Trong năm 2016 này, Hoa Kỳ nên tìm cách liên minh với Nga để đánh bại ISIS; nhưng không nên ảo tưởng về khả năng thành công – và cần tính toán thực tế về cái giá của thất bại.

Michael McFaul, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên bang Nga 2012–14, là Giáo sư Khoa học Chính trị, nghiên cứu viên tại Viện Hoover, và Viện trưởng Viện Spogli Freeman tại Đại học Stanford.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Can America and Russia Cooperate in Syria?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]