Nguồn: Bernard Haykel, “The Middle East’s Cold War,” Project Syndicate, 08/01/2015.
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Sự rạn nứt trong quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả-Rập Xê-út là một bước ngoặt nguy hiểm cho một khu vực vốn đã bất ổn và bị chiến tranh tàn phá. Nguyên do xuất phát từ việc Ả-rập Xê-út tử hình Nimr al-Nimr, một lãnh tụ người Shia có khuynh hướng bạo động vốn kêu gọi chấm dứt chế độ quân chủ ở quốc gia này. Nhưng sự tan vỡ đó lại có nguồn gốc từ sự thù địch chiến lược đang trải rộng trên khắp Trung Đông.
Tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia đã có từ nhiều thập niên, nhưng chúng trở nên đặc biệt gay gắt kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran. Thủ lĩnh cuộc cách mạng, Ayatollah Ruhollah Khomeini, đã không giấu giếm sự khinh miệt của ông trước hoàng gia Ả-rập; ông nhanh chóng xây dựng vị thế của Iran với tư cách người bảo vệ “những người bị đàn áp” trước “các lực lượng ngạo mạn” – Mỹ và đồng minh của nó trong khu vực, Ả-Rập Xê-út và Israel.
Nhưng dù sự thù địch đó có nhiều yếu tố sắc tộc và ý thức hệ, trên tất thảy, nó là mối bất hòa mang tính thực dụng về những lợi ích trong khu vực. Bởi Iran coi trật tự chính trị trong thế giới Ả-rập là phương tiện phục vụ cho những lợi ích của kẻ thù mình, nên nước này sẽ không ngừng tìm cách lật đổ trật tự đó, thúc đẩy các nhóm khủng bố và triển khai các lực lượng ủy nhiệm nhằm thiết lập và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Các chủ thể phi nhà nước được Iran ủng hộ gồm những người hành hương bạo loạn ở thánh địa Mecca, những kẻ đánh bom liều chết ở Li-băng, và các chiến binh Hezbollah, những người đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Israel và gần đây hơn là chiến đấu chống các nhóm nổi dậy được Ả-rập Xê-út hậu thuẫn ở Syria.
Cho đến khi bước sang thế kỷ 21, phản ứng của Ả-rập Xê-út vẫn rất hờ hững; nước này tìm cách thiết lập tính chính danh Hồi giáo của mình thông qua việc cưỡng chế thực thi nghiêm ngặt các mệnh lệnh tôn giáo trong nước và ủng hộ phong trào giải phóng người Hồi giáo ở nước ngoài, đáng chú ý nhất là ở Afghanistan và Bosnia. Nhưng trong những thập niên gần đây, chiến tranh lạnh giữa hai thế lực trong khu vực đã dần được nung nóng.
Sau khi cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 dẫn đến sự thành lập một chính phủ do người Hồi giáo Shia thống trị ở Baghdad, các nhà cai trị Ả-rập Xê-út đã phải cảnh giác khi Iran mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp Trung Đông. Năm 2006, Hezbollah đã tấn công Israel cho đến khi ngừng bắn ở Li-băng. Sau đó, năm 2014, các phiến quân dòng Shia Houthi – một nhóm quân ủy nhiệm khác của Iran – đã xâm chiếm thủ đô Yemen. Trong những cung điện hoàng gia ở Riyadh, viễn cảnh các cuộc nổi loạn được Iran hậu thuẫn tại Ba-ranh – hay tại chính Ả-rập Xê-út – đã bắt đầu trở nên khả thi một cách đáng lo ngại.
Mọi thứ lên đến đỉnh điểm vào năm 2015, khi Mỹ và năm thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (cộng thêm Đức) đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế trong khi vẫn cho phép quốc gia này duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực. Do các đồng minh của Iran hoặc các tổ chức được họ ủy nhiệm hoạt động ở Syria, Iraq, Li-băng và Yemen, các nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út đã cảm thấy ngày càng bị bao vây. Sau khi Salman bin Abdulaziz Al Saud lên ngôi tháng 1 năm 2015, mục tiêu chiến lược cơ bản của vương quốc này là đẩy lùi ảnh hưởng của Iran – dù có hay không sự giúp đỡ của Mỹ.
Chiến trường chính của sự thù địch này là Syria và Yemen. Ở Syria, Ả-rập Xê-út đã tự mình tìm cách lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, một đồng minh quan trọng của Iran, và tiến hành thống nhất các nhóm đối lập vốn cực kỳ vô tổ chức. Về phần mình, Iran tiếp tục chống lưng cho Assad với sự trợ giúp của Nga.
Cuộc chiến đã biến thành một vũng lầy. Với việc không bên nào có thể giành được thế thượng phong, bạo lực nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn. Một nỗ lực gần đây do Mỹ dẫn đầu nhằm môi giới một thỏa thuận hòa bình ở Li-băng, được triển khai với hy vọng nó có thể đem đến một bước đột phá ở Syria, đã trở thành nạn nhân của sự ngờ vực giữa hai quốc gia này. Thỏa thuận phân chia quyền lực được đề xuất đáng lẽ đã thay thế chính quyền Assad bằng một trong các đồng minh của ông và đồng thời đưa một đồng minh lâu năm của Ả-rập Xê-út lên làm thủ tướng. Nhưng trong khi Ả-rập Xê-út có vẻ đã sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận thì Iran lại bác bỏ nó sau khi Hezbollah ngần ngại trước cả hai ứng cử viên.
Ở Yemen, Ả-rập Xê-út và các đồng minh Sunni của mình đã triển khai một chiến dịch quân sự vào tháng 3 năm 2015 nhưng nhanh chóng gặp phải một bế tắc khác. Các chiến binh Houthi thân Iran và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Saleh đã đẩy lui một nhóm quân người miền Nam Yemen được hậu thuẫn bởi các lực lượng đặc nhiệm và không quân Ả-rập Xê-út và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột nói trên đều đổ vỡ. Do không có một cuộc xâm lược toàn diện – điều rất ít khả năng xảy ra do nguy cơ gây thương vong trên quy mô lớn – nên cuộc chiến gần như chắc chắn sẽ kéo dài.
Việc Ả-rập Xê-út tử hình al-Nimr là một phần của chiến dịch đàn áp rộng lớn hơn lên các thế lực đối lập trong nước; vị lãnh tụ Hồi giáo này là một trong 47 người bị xử tử với cáo buộc khủng bố, trừ 4 người trong số đó thì tất cả đều là những chiến binh Sunni bị cáo buộc ủng hộ Al Qaeda. Phản ứng của Iran và những bên ủng hộ nước này – với các cuộc biểu tình bạo lực chống Ả-rập Xê-út không chỉ xảy ra ở Tehran, nơi đại sứ quán của vương quốc này đã bị đốt phá, mà còn ở cả Iraq và Ba-ranh – đã cho thấy mức độ sâu sắc của tình trạng thù địch ăn sâu bén rễ giữa hai nước.
Trong ngắn hạn, phản ứng của Iran sẽ có lợi cho các nhà cai trị Ả-rập Xê-út, giúp nước này tập hợp những người Sunni ở cả trong vương quốc cũng như ở ngoài nước và bịt miệng những đối thủ thánh chiến của họ. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp nào đó từ bên ngoài nhằm đưa hai quốc gia này ngồi vào bàn đàm phán, tình trạng thù địch của họ sẽ làm hỏng những nỗ lực bình ổn Trung Đông và có thể dẫn đến những tác động lan tỏa và leo thang, khiến môi trường vốn đã tồi tệ của khu vực ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Bernald Haykel là giáo sư ngành Nghiên cứu Cận Đông tại Đại học Princeton.
Xem thêm:
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Middle East’s Cold War
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]