Mối đe dọa từ một Châu Âu suy yếu

EU-Focus

Nguồn: Joseph S. Nye, “The Danger of a Weak Europe”, Project Syndicate, 06/01/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vào năm 1973, sau một giai đoạn nước Mỹ quá bận tâm về Việt Nam và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã tuyên bố năm đó là “năm của Châu Âu”. Gần đây, sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố chiến lược “xoay trục” hay tái cân bằng của Mỹ hướng về Châu Á, người Châu Âu đã lo ngại Mỹ sẽ sao nhãng châu lục này. Hiện nay, với cuộc khủng hoảng di dân vẫn còn tiếp diễn, Nga chiếm đóng miền Đông Ukraine và sáp nhập trái phép Crimea, cộng thêm nguy cơ nước Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu, năm 2016 có thể lại trở thành một “năm của Châu Âu” trong chính sách ngoại giao Mỹ.

Cho dù khẩu hiệu là gì, Châu Âu vẫn có những nguồn lực ấn tượng và là một lợi ích thiết yếu đối với Mỹ. Mặc dù nền kinh tế Mỹ lớn gấp bốn lần nền kinh tế Đức, nền kinh tế của 28 nước thành viên EU lại lớn bằng nền kinh tế Mỹ, còn dân số EU là 510 triệu người, khá đông hơn so với số dân 320 triệu của Mỹ.

Đúng là thu nhập bình quân đầu người của Mỹ cao hơn nhưng nếu tính về nguồn nhân lực, công nghệ và xuất khẩu thì EU ngang hàng với Mỹ về mặt kinh tế. Cho tới trước cuộc khủng hoảng năm 2010, thời điểm mà các vấn đề tài chính ở Hy Lạp và những nước khác gây nên nỗi lo ngại trên các thị trường tài chính, các nhà kinh tế đã từng cho rằng đồng euro có thể sẽ nhanh chóng thay thế đồng đô la để trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

Xét về các nguồn lực quân sự, Châu Âu chỉ chi bằng phân nửa ngân sách quốc phòng của Mỹ nhưng lại có nhiều binh lính tại ngũ hơn. Anh và Pháp còn sở hữu các kho vũ khí hạt nhân và một khả năng can thiệp hạn chế ra nước ngoài tại Châu Phi và Trung Đông. Hai nước này cũng đang tham gia không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Xét về quyền lực mềm, từ lâu Châu Âu đã có một sức hút rộng lớn và người Châu Âu đóng những vai trò chính trong các thể chế quốc tế. Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Portland, Châu Âu chiếm 14 trong số 20 quốc gia hàng đầu thế giới. Ý thức về một Châu Âu thống nhất quanh các thể chế chung khiến Châu Âu trở nên đặc biệt hấp dẫn với các nước láng giềng của EU, mặc dù điều này đã phần nào mờ nhạt hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Câu hỏi then chốt khi đánh giá nguồn lực của Châu Âu là liệu EU sẽ duy trì đủ sự liên kết để có cùng một tiếng nói trên rất nhiều vấn đề quốc tế hay vẫn là một tổ chức hạn chế với những thành viên có các bản sắc dân tộc, văn hóa chính trị và chính sách đối ngoại khác nhau.

Câu trả lời còn tùy vào từng vấn đề. Ví dụ, về thương mại, Châu Âu ngang bằng với Mỹ và có thể cân bằng lại quyền lực của Mỹ. Vai trò của Châu Âu ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ đứng thứ hai sau Mỹ (mặc dù khủng hoảng tài chính đã làm giảm lòng tin vào đồng euro).

Xét về các vấn đề chống độc quyền, quy mô và sức hút của thị trường Châu Âu đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Mỹ muốn sáp nhập các công ty khác phải nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Châu Âu cũng như Bộ Tư pháp Mỹ. Trong thế giới mạng, EU đang đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu về bảo vệ quyền riêng tư mà Mỹ và những công ty đa quốc gia khác không thể làm ngơ.

Nhưng sự thống nhất của Châu Âu cũng đối diện với những hạn chế lớn. Bản sắc quốc gia vẫn mạnh hơn một bản sắc chung của Châu Âu. Các đảng dân túy cánh hữu đã biến các thể chế của EU trở thành các mục tiêu bài ngoại.

Hòa nhập luật pháp cũng đang được tăng cường trong EU, nhưng sự hòa nhập về chính sách đối ngoại và quốc phòng vẫn còn hạn chế. Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa giảm quyền lực của các thể chế EU và đưa kết quả đàm phán với các nhà lãnh đạo EU ra trưng cầu ý dân vào cuối năm 2017. Nếu Anh bỏ phiếu không và rời EU, tác động đến tinh thần Châu Âu sẽ rất nghiêm trọng – một kết quả mà nước Mỹ chỉ rõ là cần phải tránh, nhưng lại không thể làm được gì nhiều để ngăn chặn.

Trong dài hạn, Châu Âu phải đối mặt với những vấn đề dân số nghiêm trọng do tỉ lệ sinh thấp và việc không sẵn lòng chấp nhận nhập cư quy mô lớn. Vào năm 1900, Châu Âu chiếm ¼ dân số thế giới. Đến giữa thế kỉ 21, con số này chỉ còn 6% – và gần 1/3 trong số đó trên 65 tuổi.

Mặc dù làn sóng nhập cư hiện nay có thể giải quyết vấn đề dân số về dài hạn của Châu Âu nhưng điều này lại đe dọa sự thống nhất của châu lục này bất chấp vai trò lãnh đạo đặc biệt của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tại hầu hết các nước Châu Âu, làn sóng phản ứng chính trị ngày càng gay gắt do sự gia tăng mạnh mẽ của dòng người nhập cư (hơn một triệu người trong năm ngoái) và rất nhiều trong số đó theo đạo Hồi. Một lần nữa, một lợi ích ngoại giao quan trọng của Mỹ lại đang bị thử thách, nhưng Mỹ lại không thể làm được gì nhiều để bảo vệ nó.

Về dài hạn, ít có khả năng Châu Âu có thể trở thành một mối đe dọa đối với Mỹ, không chỉ bởi vì chi tiêu quân sự của châu Âu thấp. Châu Âu có thị trường lớn nhất thế giới nhưng lại thiếu thống nhất. Và dù cho các lĩnh vực văn hóa rất ấn tượng, nhưng xét về bậc đại học, trong khi châu Âu chỉ có 27 trường nằm trong top 100 thì Mỹ lại có đến 52. Nếu Châu Âu vượt qua được sự khác biệt nội bộ và cố trở thành một đối thủ toàn cầu của Mỹ, những giá trị đó sẽ phần nào giúp cân bằng quyền lực với Mỹ, nhưng sẽ không thể ngang bằng được quyền lực của Mỹ.

Tuy vậy, với các nhà ngoại giao Mỹ, nguy cơ không phải là từ một Châu Âu trở nên quá mạnh mà là trở nên quá yếu. Khi Châu Âu và Mỹ vẫn còn liên minh với nhau, nguồn lực của hai bên giúp tăng cường lẫn nhau.

Mặc cho những xích mích không thể tránh khỏi, điều đang làm chậm trễ quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), sẽ không xảy ra việc tách biệt hai nền kinh tế, và Tổng thống Obama sẽ đến thăm Châu Âu vào tháng Tư để xúc tiến TTIP. Đầu tư trực tiếp song phương cao hơn so với đầu tư với Châu Á và giúp gắn kết hai nền kinh tế. Và dù người Mỹ và người Châu Âu đã xích mích nhau hàng thế kỷ nay nhưng họ vẫn chia sẻ những giá trị dân chủ và nhân quyền nhiều hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Một nước Mỹ mạnh hay một Châu Âu mạnh đều sẽ không thể đe dọa đến những lợi ích sống còn hay quan trọng của nhau. Nhưng một Châu Âu suy yếu năm 2016 sẽ có thể gây tổn hại cho cả hai bên.

Joseph S. Nye, Jr là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, hiện là giáo sư tại trường Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn sách “Is the American Century Over?”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]