5 hiểu lầm về cuộc Cách mạng Pháp

Print Friendly, PDF & Email

paris

Nguồn: David A. Bell, “5 myths about the French Revolution”, The Washinton Post, 09/07/2015.

Biên dịch: Lê Thị Hiền Trang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

226 năm sau sự sụp đổ của nhà ngục Bastille, cuộc Cách mạng Pháp vẫn còn khuấy động cảm xúc của hầu hết những nhà sử học như tôi. Thế nhưng, vẫn còn nhiều hiểu lầm khó mà dập tắt xoay quanh cuộc Cách mạng này. Ngay cả cái tên “Ngày Bastille” dường như vẫn là một cái tên gây nhầm lẫn. Thực sự, ngày lễ quốc gia của Pháp kỷ niệm hai sự kiện riêng biệt. Thứ nhất là việc nhà ngục Bastille ở Paris rơi vào tay đám đông quần chúng cách mạng vào ngày 14 tháng 7 năm 1789. Nhưng cũng vì các nhà lập pháp hồi thế kỷ 19 muốn tưởng niệm một điều gì đó ít đẫm máu hơn, một “Ngày hội Liên bang” (Festival of Federation) lớn và hoà bình đã được tổ chức trong cả nước vào ngày 14 tháng 7 năm 1790 nhằm thể hiện cam kết của người Pháp dành cho tự do và thống nhất. Để đánh dấu lễ tưởng niệm của năm nay, tôi xin kể lại những câu chuyện thực sự đằng sau năm hiểu lầm còn lại.

    1. Khi được cho biết rằng những người nghèo đói không có bánh mỳ để ăn, Hoàng hậu Marie-Antoinette trả lời: “Hãy cho họ ăn bánh ngọt.”

Chỉ ba năm trước đây, tờ New York Post không chỉ lặp đi lặp lại hiểu lầm này, mà còn nhận định rằng đây là câu nói “được cho là đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng Pháp”. Trong thực tế, từ tiếng Pháp (mà Hoàng hậu nói) không phải là “gateau” (bánh ngọt), mà là “brioche” (một loại bánh như bánh mì), và Hoàng hậu chưa bao giờ nói câu đó. Các phiên bản của câu nói này, được cho là do những nhà cầm quyền Pháp trước đó nói, lưu hành vào khoảng những năm 1600 và được biết đến nổi tiếng nhất  là trong cuốn “Những lời thú tội” (Confessions) của Jean-Jacques Rousseau. Cuốn sách này thậm chí đã được viết trước khi Marie-Antoinette kết hôn với vua Louis XVI tương lai. Câu nói này thể hiện một sự lên án phổ biến rằng hoàng gia xa hoa không hiểu và cũng không quan tâm đến những người nghèo đói.

Trong khi đó, Marie-Antoinette, dù không hề là mẫu người của sự khiêm tốn hay giản dị, lại có một bản năng từ thiện đối với người nghèo. Nhưng sau năm 1789, sự chống đối của bà đối với cuộc Cách mạng Pháp đã biến bà thành một trong những nhân vật bị ghét nhất nước Pháp. Những nhà báo ghét phụ nữ đã miêu tả bà như là một người đồng tính luyến ái nữ khát máu, theo chủ nghĩa khoái lạc, vô độ trong đời sống tình dục và âm mưu  bán nước cho kẻ thù của Pháp là Áo, quê hương bà. Tờ rơi của họ về bà có những tựa đề như “The Royal Dildo” (dildo là tên một đồ chơi tình dục) và “Nhà chứa quốc gia dưới sự bảo trợ của Nữ hoàng”. Câu nói nổi tiếng nhẫn tâm về người nghèo đó chẳng qua chỉ làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Vào mùa thu năm 1793, chưa đầy một năm sau khi chồng mình, vua Louis XVI, bị xử tử,  chính quyền cách mạng đã đưa Marie-Antoinette ra xét xử vì những tội ác của bà,  bao gồm các cáo buộc lạm dụng tình dục với con trai mình. Bị chứng minh là có tội, bà đã chết trên máy chém.

    1. Cách mạng Pháp là một cuộc nổi dậy của những người bị áp bức.

Tiểu thuyết “Chuyện hai thành phố” (A Tale of Two Cities) của Charles Dickens là cuốn sách nổi tiếng nhất  trong số những tiểu thuyết miêu tả về sự trả thù của những người nghèo khốn cùng ở Pháp đối với những kẻ đàn áp thuộc giới quý tộc trong cuộc cách mạng. (Xin lưu ý tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, nguồn của vở nhạc kịch nổi tiếng, không nằm trong danh sách này. Cuốn sách của ông miêu tả những  cao trào diễn ra trong cuộc nổi dậy ở Paris năm 1832 chứ  không phải là năm 1789).

Nhưng những người nghèo nhất trong những người nghèo đóng một vai trò khá nhỏ trong một cuộc cách mạng nổ ra giữa những nhà quý tộc giàu có và giới làm nghề chuyên nghiệp trong hội trường tại Versailles, mấy tuần trước khi sự sụp đổ của Bastille diễn ra. Ngay cả những bạo lực kịch tính của người dân liên tục thúc đẩy cuộc cách mạng về phía trước cũng đều chủ yếu được thực hiện bởi những người “có nhiều thứ để mất”. Ở nông thôn, nhiều sử gia đã chỉ ra rằng, cuộc cách mạng nhắm vào tầng lớp địa chủ tinh hoa, và số tiền thuế và lệ phí mà họ thu được từ những người nông dân giàu có và biết kinh doanh. Ở thành phố, các chiến binh đô thị tự gọi mình là “sans-culottes” (“không mặc quần ống túm” – tức là những người không ăn mặc như những người giàu có), những người này phần lớn là giới nghệ nhân, nhân viên trông coi cửa hàng và thư ký. Những nhà lãnh đạo của cách mạng, mặc dù thường tự gọi mình là những người lao động đơn giản, trên thực tế bao gồm các chuyên gia và chủ xưởng.

    1. Cuộc cách mạng Pháp đã phát minh ra máy chém.

Trong  tưởng tượng của đại chúng, không có gì tượng trưng cho cuộc cách mạng sống động hơn là máy chém, phương tiện chủ yếu của những cuộc tử hình công khai, chiếm khoảng 16.000 trường hợp tử vong trong Thời kỳ Khủng bố giai đoạn 1793-1794. Học giả nổi tiếng, nhà triết học Pháp Jacques Derrida đã cho rằng máy chém này là phát minh của nhà lập pháp cách mạng – bác sĩ Joseph-Ignace Guillotin, người bản thân cũng đã không thể trốn chạy khỏi máy chém sau khi bị giam cầm trong Thời kỳ khủng bố năm 1794.

Cuốn sách “Cách mạng Pháp cho người mới bắt đầu” (“French Revolutions for Beginners”) phần nào gần hơn với sự thật, cho rằng mặc dù máy chém xuất hiện đầu tiên trong thời kỳ Cách mạng, Guillotin đã không phát minh ra nó. Trong thực tế, ông phản đối án tử hình, và chủ trương thực hiện tử hình bằng  một loại máy tử hình có tính nhân đạo và không gây đau đớn, như là một bước đầu tiên trên con đường tiến đến việc bãi bỏ hoàn toàn án tử hình.

Hơn nữa, các thiết bị tương tự đã được phát triển từ thế kỷ trước đó, bao gồm cả những thiết bị gần giống hệt với máy chém như là máy “Halifax Gibbet” ở West Yorkshire  (Anh) và “Scottish Maiden”, hiện vẫn còn được trưng bày tại Bảo tàng Scotland ở Edinburgh. Máy chém vẫn được sử dụng ở Pháp cho đến cuối năm 1977.

    1. Maximilien Robespierre là một nhà độc tài khát máu.

Nhân vật liên quan chặt chẽ nhất với Thời kỳ khủng bố cách mạng là Robespierre,  được nhiều người biết đến, đặc biệt là trong giới cánh hữu châu Âu và Mỹ, như là một nhà chuyên chế độc tài nguyên thủy và thèm khát quyền lực tuyệt đối. Như Ann Coulter đã miêu tả trong cuốn “Quỷ” (“Demonic”) năm 2011 của bà: “Hitler đã học theo chiêu thức của Robespierre”.  Ngay cả Jonathan Israel thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp, một cơ quan có uy tín hơn, đã lặp lại nhiều lần về “chế độ độc tài” của Robespierre trong cuốn sách năm 2014 của ông về lịch sử của cuộc cách mạng.

Robespierre, một luật sư cứng rắn từ thị trấn Arras thuộc miền bắc nước Pháp, chỉ là một trong 12 thành viên của Ủy ban An toàn Công cộng, chỉ thực thi một  thứ quyền lực bán độc tài trong ít hơn một năm vào khoảng 1793-1794. Ông là thành viên có ảnh hưởng nhất của Ủy ban, và những bài viết và bài phát biểu của ông, hơn bất cứ điều gì khác, đã định hình nên hệ tư tưởng Thời kỳ khủng bố. Nhưng nhu cầu không ngừng đối với các chiêu thức chính trị cách mạng đã gây ra nhiều tổn hại về tinh thần và thể xác, và khi Thời kỳ khủng bố tiến tới đỉnh cao của nó, ông đã trải qua nhiều tuần nằm liệt giường. Sử gia Colin Jones cho rằng đó là “một người đàn ông bị cuộc cách mạng huỷ hoại hơn là một người đàn ông hủy hoại cuộc cách mạng”. Tình trạng tâm thần không ổn định của Robespierre, và việc không có khả năng kiểm soát một cách độc tài các sự kiện, đã trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ và án tử hình dành cho ông, cùng với một số đồng minh chủ chốt, vào cuối tháng 7 năm 1794 (hoặc, theo lịch cách mạng mới, tháng Nóng (Thermidor), Năm thứ 2).

    1. Các nhà cách mạng xông vào ngục Bastille để giải phóng các tù nhân chính trị bị giam ở đó.

Hiểu lầm này tồn tại từ thời cuộc cách mạng và vẫn xuất hiện đều đặn vào mỗi ngày 14 tháng 7. Chỉ cách đây một năm, người dẫn chương trình Steve Inskeep của đài NPR đã lặp lại rằng: “Vào ngày này năm 1789, đám đông xông vào nhà tù Bastille ở Paris, nơi vua Louis XVI giam giữ những kẻ thù của mình.”

Đúng là trong suốt thế kỷ 17 và 18, chế độ quân chủ Pháp đã giam cầm hàng trăm nhà văn được cho là nổi loạn – bao gồm người nổi tiếng nhất là Voltaire – trong pháo đài lớn và hắc ám ở phía đông Paris. Nhưng nhà tù đã không còn là nơi giam cầm tù nhân nhiều năm trước cuộc cách mạng, và vào ngày 14 tháng 7 năm 1789, ngục Bastille chỉ còn bảy tù nhân: bốn người làm hàng giả, hai kẻ điên và một nhà quý tộc bị buộc tội biến thái tình dục.

Các đám đông Paris tuần hành vào ngục để giành lấy thuốc súng được lưu trữ ở đó nhằm trang bị chống lại một cuộc tấn công đáng sợ của quân đội hoàng gia nhắm vào thành phố và các hội đồng cách mạng mới. Nhưng ký ức về vai trò trước đây của ngục Bastille đã làm cho sự sụp đổ của nó mang tầm quan trọng có tính biểu tượng rất lớn. Không lâu sau đó, hội đồng cách mạng đắc thắng ra lệnh phá hủy các tòa nhà. Ngẫu nhiên là, chiếc cột vẫn tồn tại ngày nay tại địa điểm nhà ngục không phải để kỷ niệm sự sụp đổ của Bastille mà nhằm tôn vinh “ba ngày vinh quang” của một cuộc cách mạng khác xảy ra sau đó vào năm 1830.

Xem thêm: Các bài khác trong series “5 hiểu lầm

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]