Nguồn: “Marx publishes Manifesto,” History.com (truy cập ngày 20/02/2015).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1848, Tuyên ngôn Cộng sản, được viết bởi Karl Marx với sự hỗ trợ của Friedrich Engels, được xuất bản ở London bởi một nhóm các nhà xã hội chủ nghĩa cách mạng sinh ra ở Đức có tên gọi là Liên đoàn Cộng sản. Được cho là có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, cuốn sách chính trị nhỏ này tuyên bố rằng “lịch sử của mọi xã hội tồn tại từ trước đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp,” và chiến thắng tất yếu của giai cấp vô sản, hay tầng lớp lao động, sẽ vĩnh viễn đặt dấu chấm hết cho xã hội giai cấp.
Ban đầu được xuất bản tại Đức với nhan đề Manifest der Kommunistischen Partei (“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”), tác phẩm này ít có tác động tức thời. Tuy nhiên, những lý tưởng của nó đã lan truyền với sức mạnh ngày càng tăng trong thế kỷ 20, và đến năm 1950 gần một nửa dân số thế giới đã sống dưới chế độ của các chính phủ Marxist.
Karl Marx sinh năm 1818 ở Trier, Phổ – con trai của một luật sư người Do Thái cải sang đạo Luther. Ông học luật và triết học tại Đại học Berlin và Đại học Jena, và ban đầu là một tín đồ của G.W.F. Hegel, nhà triết học người Đức ở thế kỷ 19 tìm cách đạt được một hệ thống triết học biện chứng và bao trùm tất cả. Năm 1842, Marx trở thành biên tập viên của Rheinische Zeitung, một tờ báo dân chủ tự do tại Cologne. Tờ báo này lớn mạnh đáng kể dưới sự dẫn dắt của ông, nhưng bị chính quyền Phổ đóng cửa từ năm 1843 vì quá thẳng thắn. Năm đó, Marx chuyển đến Paris để đồng biên tập một tạp chí chính trị mới.
Paris khi đó là trung tâm cho các tư tưởng xã hội chủ nghĩa, và Marx đã đi theo một hình thức cực đoan hơn của chủ nghĩa xã hội gọi là chủ nghĩa cộng sản, thứ kêu gọi một cuộc cách mạng của giai cấp công nhân nhằm xóa bỏ thế giới tư bản. Tại Paris, Marx kết bạn với Friedrich Engels, đồng hương người Phổ cùng chia sẻ quan điểm với ông và sau này trở thành một cộng sự suốt đời. Năm 1845, Marx bị trục xuất khỏi Pháp và định cư tại Brussels, nơi ông từ bỏ quốc tịch Phổ và Engels đã tham gia cùng.
Trong hai năm sau đó, Marx và Engels xây dựng triết lý của họ về chủ nghĩa cộng sản và trở thành những nhà lãnh đạo trí thức của phong trào giai cấp lao động. Năm 1847, Liên đoàn Chính nghĩa, một tổ chức kín gồm các công nhân cách mạng Đức sống ở London, đã đề nghị Marx tham gia tổ chức của họ. Marx đồng ý và cùng với Engels ông đã đổi tên nhóm thành Liên đoàn Cộng sản và lên kế hoạch thống nhất nó với các ủy ban công nhân Đức khác trên khắp châu Âu. Hai người được ủy quyền soạn thảo một bản tuyên ngôn tổng kết học thuyết của Liên đoàn.
Trở về Brussels, Marx viết Tuyên ngôn Cộng sản trong tháng 1 năm 1848, sử dụng bản luận văn Engels viết cho Liên đoàn vào năm 1847 làm khung sườn. Đầu tháng 2, Marx gửi tác phẩm tới London, và Liên đoàn lập tức thông qua nó làm tuyên ngôn của họ. Nhiều ý tưởng trong Tuyên ngôn Cộng sản không mới, nhưng Marx đã viết nên một bản tổng hợp mạnh mẽ những ý tưởng khác nhau thông qua quan niệm duy vật của ông về lịch sử.
Bản tuyên ngôn mở đầu bằng những lời kịch tính, “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu – Bóng ma chủ nghĩa cộng sản,” và kết thúc bằng lời tuyên bố: “Những người vô sản chẳng mất gì hết ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới. Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”
Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Marx tiên đoán cuộc cách mạng sắp xảy ra ở châu Âu. Cuốn sách nhỏ này gần như đã không hạ nhiệt từ khi ra lò ở London khi cách mạng nổ ra ở Pháp vào ngày 22 tháng 2 do các cuộc họp chính trị được tổ chức bởi các nhóm xã hội chủ nghĩa và các nhóm đối lập khác bị cấm. Các cuộc bạo loạn lẻ tẻ đã dẫn đến cuộc khởi nghĩa quần chúng, và đến ngày 24 tháng 2 vua Louis-Philippe buộc phải thoái vị. Cách mạng lan tràn như cỏ cháy trên châu Âu lục địa. Marx đã ở lại Paris theo lời mời của chính quyền thành phố khi chính phủ Bỉ trục xuất ông do lo sợ cơn thủy triều cách mạng sẽ sớm nhấn chìm nước này. Cuối năm đó, ông đến Rhineland, nơi ông kích động một cuộc nổi loạn có vũ trang.
Giai cấp tư sản châu Âu đã sớm nghiền nát cuộc cách mạng năm 1848, và Marx đã phải chờ đợi lâu hơn cho cuộc cách mạng của ông. Ông đến London để sống và tiếp tục viết cùng Engels trong khi hai người tiếp tục tổ chức các phong trào cộng sản quốc tế. Năm 1864, Marx giúp thành lập Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế – tức Quốc tế thứ Nhất – và đến năm 1867 ông xuất bản tập đầu tiên trong bộ Das Kapital (“Tư bản”) đồ sộ của ông – tác phẩm nền tảng của lý thuyết cộng sản.
Cho đến khi ông qua đời năm 1883, chủ nghĩa cộng sản đã trở thành một phong trào có ảnh hưởng ở châu Âu. Hai mươi ba năm sau, vào năm 1917, Vladimir Lenin, một phần tử Marxist, đã lãnh đạo cuộc cách mạng cộng sản thành công đầu tiên trên thế giới tại Nga.
Đọc thêm:
#161 – Karl Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tư bản (P1)
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]