Nguồn: “Soviet Union and Chinese armed forces clash,” History.com (truy cập ngày 01/03/2016).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1969, trong sự kiện đầy kịch tính chứng thực cho sự rạn nứt ngày càng trầm trọng giữa hai nước cộng sản quyền lực nhất thế giới, quân đội Liên Xô và Trung Quốc đã nổ súng vào nhau ở một đồn biên phòng nằm bên sông Ussuri ở miền Đông Liên Xô, phía Bắc thành phố Vladivostok. Trong những năm sau sự cố này, Hoa Kỳ đã sử dụng sự chia rẽ Xô-Trung để giành lợi thế trong ngoại giao Chiến tranh Lạnh.
Nguyên nhân của vụ đọ súng giữa quân đội Liên Xô và Trung Quốc là một vấn đề gây tranh cãi. Liên Xô cáo buộc rằng binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua biên giới giữa hai nước và tấn công một đồn biên phòng của Liên Xô, giết và làm bị thương một số lính canh người Nga. Những kẻ xâm nhập sau đó bị đẩy lùi với tổn thất nặng nề. Các báo cáo của Trung Quốc lại cho rằng chính Liên Xô mới là bên đã vượt qua biên giới và bị đẩy lùi.
Dù thế nào đi nữa, đây cũng là lần đầu tiên hai bên công khai thừa nhận một cuộc đụng độ vũ trang dọc biên giới, mặc dù đã có đồn đoán trong nhiều năm rằng những tranh chấp tương tự đã diễn ra. Kể từ đầu những năm 1960, quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản bắt đầu xấu đi. Trung Quốc cáo buộc các nhà lãnh đạo Liên Xô đã đi lệch khỏi con đường của chủ nghĩa Marx, và vào giữa những năm 1960, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ và Liên Xô đang âm mưu chống lại Cách mạng Trung Quốc.
Đối với Hoa Kỳ, sự đổ vỡ của mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc là một cơ hội ngoại giao. Đến năm 1970, Hoa Kỳ bắt đầu khởi động liên lạc ngoại giao với Trung Quốc. (Quan hệ giữa hai quốc gia này đã bị cắt đứt vào năm 1949 sau khi cuộc cách mạng cộng sản thành công ở Trung Quốc). Năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đã khiến thế giới ngạc nhiên bằng cách tuyên bố rằng ông sẽ tới thăm Trung Quốc.
Động lực mạnh mẽ nhất của sự thân mật mới với Trung Quốc cộng sản là Hoa Kỳ mong muốn sử dụng mối quan hệ mới làm đòn bẩy trong ngoại giao với Liên Xô, buộc người Nga mềm mỏng hơn về các vấn đề như kiểm soát vũ khí và hỗ trợ Bắc Việt trong cuộc chiến đang tiếp diễn ở Việt Nam. Chia rẽ hai nước khổng lồ cộng sản đã trở thành một trụ cột của ngoại giao Hoa Kỳ trong giai đoạn sau của Chiến tranh Lạnh.
Hình minh họa: Tranh cổ động Trung Quốc: “Người không đánh ta, ta không đánh người. Người mà đánh ta, ta tất đánh người.”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]