Quản lý khía cạnh chính trị của nguồn nước

1-1

Nguồn:Prince El Hassan bin Talal & Sundeep Waslekar, “Managing the Politics of Water”, Project Syndicate, 17/03/2016.

Biên dịch: Dương Trường Phúc | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Ngày Nước Thế giới (hay còn gọi là Ngày Nước sạch Thế giới) được tổ chức vào ngày 22 tháng 3, là cơ hội để nhấn mạnh một chuyện đã trở thành thực tế khắc nghiệt ở nhiều quốc gia: sự sẵn có của nước sạch ngày càng là yếu tố chiến lược mang  tính quyết định trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu. Nếu các nguồn nước sạch không được quản lý với sự quan tâm đặc biệt thì hậu quả có thể rất khủng khiếp.

Vào năm ngoái, Báo cáo Phát triển Nước sạch Thế giới của Liên Hợp Quốc một lần nữa nhấn mạnh sự gia tăng khoảng cách giữa cung và cầu có thể tạo ra xung đột như thế nào. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đánh giá khủng hoảng nước là mối đe dọa toàn cầu đáng lo ngại nhất, nguy hiểm hơn cả những cuộc tấn công khủng bố hay khủng hoảng tài chính, và có nhiều khả năng xảy ra hơn việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và một nghiên cứu của Nhóm Dự báo Chiến lược đã cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý sáng suốt: các quốc gia cùng nhau tham gia vào việc quản lý nguồn tài nguyên nước thì rất ít có khả năng gây chiến (với nhau).

Trung Đông chính là ví dụ bi thảm cho những gì có thể xảy ra khi thiếu hợp tác khu vực. Iraq, Syria, and Thổ Nhĩ Kỳ đã tranh giành nhau từng mét khối nước sông Tigris và Euphrates. Kết quả tất cả đều thiệt hại. Các chủ thể phi nhà nước kiểm soát các phần lưu vực quan trọng của hai con sông. Và sự khan hiếm nước đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng người tị nạn trong khu vực (mà bản thân cuộc khủng hoảng là kết quả của quản trị yếu kém).

Phần thảm thiết nhất của bi kịch này là việc người ta không thể tránh được nó. Năm 2010, tại Diễn đàn Tây Á – Bắc Phi diễn ra ở Amman, chúng tôi đã đề xuất sáng kiến “vòng tròn hợp tác”, qua đó thể chế hóa sự hợp tác giữa Iraq, Jordan, Lebanon, Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề nước và tài nguyên môi trường. Một sự sắp xếp tương tự cũng đã giúp quản lý các nguồn tài nguyên môi trường chung của Jordan, Israel, và Palestine.

Nếu lúc đó một tổ chức siêu quốc gia được thiết lập, nó đã có thể áp dụng chiến lược chung trong quản lý hạn hán, phối hợp cơ cấu cây trồng, phát triển các tiêu chuẩn chung trong việc giám sát các dòng sông, và thực hiện các kế hoạch đầu tư để tạo sinh kế cũng như phát triển các công nghệ xử lý nước.

Các khu vực khác đã thực hiện đúng điều này. Những quốc gia có chung dòng sông ở châu Phi, Nam Á và Mỹ Latinh đã nhận ra rằng lợi ích quốc gia và ổn định khu vực có thể hỗ trợ lẫn nhau nếu nhu cầu của con người được ưu tiên hơn chủ nghĩa Sô-vanh.

Mùa thu năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, hứa hẹn “đảm bảo sự sẵn có và quản trị bền vững nguồn nước cũng như cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả”. Một phần của cam kết này là cam kết “mở rộng hợp tác quốc tế”.

Những người chịu trách nhiệm thực hiện cam kết này phải ghi nhớ rằng hợp tác về nguồn nước không chỉ là ký kết các hiệp ước và tổ chức các hội nghị. Nó còn đòi hỏi việc cùng lập kế hoạch chung cho các dự án hạ tầng, quản lý lũ lụt và hạn hán, phát triển một chiến lược tích hợp để chống lại biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng các dòng nước và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên để đàm phán về sự đánh đổi giữa nước và các hàng hóa công cộng khác.

Chỉ số Hợp tác Nguồn nước, một chỉ số đo lường sự hợp tác do Nhóm Dự báo Chiến lược tạo ra, có thể giúp các quốc gia chung lưu vực sông và hồ giám sát mức độ hợp tác của họ. Trong số 263 lưu vực sông chung, chỉ có ¼ được hưởng lợi do thực hiện đúng đắn chức năng của các tổ chức hợp tác. Điều quan trọng là cho tới năm 2030, kì hạn mà các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra, các tổ chức như vậy phải được mở rộng để có mặt ở tất cả các lưu vực sông chung trên thế giới.

Đối với người nghèo tại các nước đang phát triển, hợp tác xuyên biên giới như vậy tạo ra lợi ích đáng kể. Việc các quốc gia đồng ý xây dựng và quản trị những cơ sở hạ tầng quan trọng một cách không chậm trễ sẽ tiết kiệm được chi phí và lợi ích được chia sẻ một cách tối đa. Nếu tất cả các quốc gia đang phát triển có chung lưu vực sông biết nắm bắt việc hợp tác xuyên biên giới thì tăng trưởng GDP của họ sẽ dễ dàng tăng thêm một phần trăm.

Cộng đồng quốc tế nên khuyến khích các quốc gia nắm bắt việc hợp tác này bằng cách tạo ra các công cụ tài chính giúp cung cấp các nguồn vốn ưu tiên, ưu đãi.  Một Kế hoạch Marshall toàn cầu dành cho các lưu vực sông chung ban đầu nghe có vẻ đắt đỏ; nhưng chi phí của việc không làm gì (để giải quyết tình hình) – nếu xét đến các mối đe dọa đối với riêng châu Âu do dòng người tị nạn ồ ạt gây ra – có thể dễ dàng tăng lên theo cấp số lũy thừa.

Tương tự như vậy, cộng đồng quốc tế cần có những hành động kịp thời để bảo vệ các cơ sở hạ tầng nguồn nước quan trọng khỏi bạo lực và khủng bố. Nhiều dòng sông, bao gồm sông Tigris và Euphrates, đã từng và vẫn tiếp tục là cái nôi của văn minh nhân loại. Liên Hợp Quốc nên cân nhắc việc tạo ra các lực lượng gìn giữ hòa bình đặc biệt để bảo vệ những con sông này.

Cuối cùng, Luật Quốc tế nên được thiết kế không chỉ để giải quyết mà còn ngăn chặn xung đột. Cụ thể, một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ là cần thiết để điều chỉnh lượng chất thải được thải vào nước. Ngày nay, hầu hết các bất đồng liên quan đến nước đều xoay quanh vấn đề định lượng nước mỗi bên được nhận. Trong tương lai, xung đột sẽ ngày càng liên quan đến chất lượng nguồn nước, khi hoạt động tưới tiêu, công nghiệp hóa, và đô thị hóa góp phần gia tăng mức độ ô nhiễm.

Ngày Nước Thế giới năm nay là dịp lý tưởng để khởi động một chương trình nghị sự mới về nhận thức nguồn nước. Nhưng mỗi ngày đều phải là ngày mà chúng ta cùng nhau quản lý một trong những nguồn lực quan trọng nhất hành tinh.

Hoàng tử El Hassan bin Talal là người sáng lập và Chủ tịch của Diễn đàn Tư tưởng Arab và Diễn đàn Tây Á-Bắc Phi, đồng thời là thành viên ưu tú của Hội đồng cấp cao toàn cầu về Nước và Hòa Bình.

Sundeep Waslekar là Chủ tịch của Nhóm Dự báo Chiến lược.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Managing the Politics of Water
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]