27/04/1773: Quốc hội Anh thông qua Luật Trà

bstontpt

Nguồn:Parliament passes the Tea Act”, History.com (truy cập ngày 27/4/2016).

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1773, Quốc hội Anh thông qua Luật Trà, một dự luật được thiết kế để cứu vãn Công ty Đông Ấn khỏi bị phá sản bằng cách giảm đáng kể thuế trà mà công ty phải trả cho chính phủ Anh, qua đó cấp cho công ty này vị thế độc quyền trên thực tế đối với việc xuất khẩu trà sang Mỹ. Bởi vì tất cả các loại trà hợp pháp nhập vào các thuộc địa Bắc Mỹ đều phải đi qua Anh nên cho phép công ty Đông Ấn trả thuế thấp hơn ở Anh cũng đồng nghĩa với việc cho phép công ty này bán trà giá rẻ hơn ở các thuộc địa Bắc Mỹ. Thậm chí trà Hà Lan trốn thuế, nhập vào các thuộc địa một cách bất hợp pháp thông qua buôn lậu, vẫn đắt hơn trà của công ty Đông Ấn sau khi đạo luật này có hiệu lực.

Thủ tướng Anh Frederick, người khởi xướng đạo luật, nghĩ rằng người dân thuộc địa sẽ không thể phản đối trà giá rẻ, nhưng ông đã nhầm. Nhiều người dân thuộc địa xem hành động này như một ví dụ khác của sự chuyên chế về thuế bởi đạo luật này giữ nguyên mức thuế đánh vào trà nhập vào các thuộc địa Bắc Mỹ trong khi lại giảm thuế cho trà nhập vào Anh.

Khi ba tàu chở trà của Công ty Đông Ấn là Dartmouth, EleanorBeaver cập Cảng Boston, người dân thuộc địa đã yêu cầu số trà này phải được trả lại Anh. Sau khi Thống đốc Massachusetts là Thomas Hutchinson từ chối gửi số trà này về Anh, lãnh đạo phong trào Ái Quốc (Patriot) Samuel Adams đã tổ chức cái gọi là Tiệc Trà Boston với sự tham gia của khoảng 60 thành viên nhóm Những người con tự do (Sons of Liberty) có tư tưởng chống Anh mạnh mẽ. Vào ngày 16 tháng 12 năm 1773, nhóm Ái Quốc đột nhập lên các tàu của Anh bằng cách cải trang thành những người da đỏ Mohawk và quẳng các thùng trà trị giá 18.000 bảng Anh lúc đó (tức gần 1 triệu đô la theo thời giá hiện nay) xuống nước.

Quốc hội Anh tức giận trước Tiệc trà Boston và các hành vi phá hoại trắng trợn tài sản của Anh khác, đã ban hành vào năm sau các Đạo luật Cưỡng chế (Coercive Acts), được người dân các thuộc địa Bắc Mỹ gọi là các Đạo Luật không thể Chấp nhận được (Intolerable Acts). Các Đạo luật Cưỡng chế đã đóng cửa Boston đối với các tàu buôn, thiết lập chính thức chế độ cai trị quân sự của Anh tại Massachusetts, cho phép các quan chức Anh được miễn truy tố hình sự ở Mỹ, và yêu cầu người dân thuộc địa phải cho quân đội Anh ở nhờ. Người dân thuộc địa sau đó đã triệu tập Quốc hội Lục địa đầu tiên để cân nhắc một cuộc kháng chiến thống nhất của người Mỹ chống lại thứ mà họ coi là sự đàn áp của Anh.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]