Nguồn: “The New York Times publishes the ‘Pentagon Papers’”, History.com (truy cập ngày 13/06/2016)
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Vào ngày này năm 1971, tờ New York Times bắt đầu xuất bản một số phần từ phân tích của Lầu Năm Góc dài 47 tập về việc cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á đã gia tăng như thế nào trong khoảng thời gian ba thập niên. Daniel Ellsberg, một cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng nhưng trở thành một nhà hoạt động phản chiến, đã đánh cắp các tài liệu này. Sau khi tìm cách cung cấp các tài liệu này cho các nghị sĩ phản chiến tại Thượng viện Hoa Kỳ nhưng không thành, Ellsberg đã trao chúng cho tòa báo.
Chính thức được gọi là “Lịch sử quá trình ra quyết định của Mỹ về Việt Nam”, “Hồ sơ Lầu Năm Góc” tiết lộ các thông cáo, kiến nghị, và các quyết định mật liên quan đến vai trò của quân đội Mỹ tại Việt Nam dưới thời chính quyền Kennedy và Johnson, cùng với giai đoạn ngoại giao thời Tổng thống Eisenhower. Việc công bố các tài liệu này đã tạo ra một cuộc tranh luận trên toàn quốc, gây ra những chấn động trong Quốc hội và giới ngoại giao khi tất cả các nhánh của chính quyền thảo luận về việc những thông tin gì nên được coi là “mật” và bao nhiêu thông tin nên được công khai.
Việc công bố các tài liệu cũng thúc đẩy một cuộc chiến pháp lý quan trọng hơn về “quyền được biết của người dân”, dẫn đến một phiên tòa bất thường của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề này. Mặc dù các tài liệu là từ thời chính quyền Kennedy và Johnson, Tổng thống Richard Nixon vẫn phản đối việc công bố chúng, vừa để bảo vệ các nguồn cung cấp thông tin trong các phụ lục có độ mật cao, vừa để ngăn việc ủng hộ của người dân đối với cuộc chiến bị xói mòn. Vào ngày 30/6, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng tờ New York Times có quyền xuất bản các tài liệu này.
Việc công bố “Hồ sơ Lầu Năm Góc” cùng với các vụ rò rỉ thông tin mật cho báo chí bị nghi ngờ trước đó đã dẫn đến việc tạo ra một đơn vị của Nhà Trắng để ngăn việc rò rỉ thông tin cho các nhà báo. Các hoạt động bất hợp pháp của đơn vị này, được đặt biệt danh là những “Thợ ống nước”, cùng việc che đậy cho họ sau đó, được gọi chung là vụ “Bê bối Watergate”, dẫn đến việc từ chức của Tổng thống Nixon vào tháng 8 năm 1974.
Hình: Daniel Ellsberg trong vòng vây của các phóng viên. Nguồn: History.com
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]