05/07/1914: Đức ủng hộ Áo-Hung, mở đường Thế chiến I

Print Friendly, PDF & Email

ferdinandwilhelm

Nguồn: “Germany gives Austria-Hungary blank check assurance”, History.com (truy cập ngày 5/7/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1914, tại Berlin, Hoàng đế Wilhelm II của Đức đã cam kết dành sự hỗ trợ vô điều kiện của Đức cho bất cứ hành động nào mà Áo-Hung tiến hành trong cuộc xung đột với Serbia. Quan hệ kình địch lâu nay giữa Áo-Hung và Serbia càng rơi vào khủng hoảng sau khi Thái tử Franz Ferdinand của Áo và vợ bị một người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia ám sát ngày 28 tháng 6 trong một chuyến thăm chính thức tới Sarajevo, Bosnia.

Chỉ một tuần sau khi Franz Ferdinand bị ám sát, Bộ Ngoại giao Áo đã gửi một phái viên tên là Alexander Graf von Hoyos đến Berlin. Hoyos mang theo một công thư của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Leopold Berchtold bày tỏ sự cần thiết phải hành động tại khu vực Balkans hỗn loạn, đi kèm là một bức thư riêng với nội dung tương tự của Hoàng đế Áo Franz Josef gửi Hoàng đế Đức Wilhelm.

Cả hai lá thư đều tập trung vào việc Áo-Hungary cần thành lập một liên minh với Bulgaria thay vì Romania, nước mà trước đó Đức đã muốn biến thành đồng minh ở Balkan, do quan hệ ngày càng gần gũi của Romania với Serbia và quốc gia bảo trợ hùng mạnh của nước này là Nga.

Cả bức công thư cũng như lá thư riêng của hoàng đế Áo đều không nói cụ thể là Áo-Hung muốn tiến hành chiến tranh, nhưng bản công thư, vốn là một phiên bản mới của một bức thư trước đó với lời lẽ ít mạnh mẽ hơn được viết trước khi Franz Ferdinand bị ám sát – đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động ngay lập tức, trong đó chỉ ra sự gia tăng gây hấn của Serbia và Nga và nói rõ mục tiêu xóa sổ Serbia là “một yếu tố của quyền lực chính trị trong khu vực Balkan.”

Đại sứ Áo tại Đức là Ladislaus Szogyeni-Marich đã chuyển hai bức thư từ Hoyos đến tay Hoàng đế Wilhelm trong bữa ăn trưa ngày 5 tháng 7 tại Potsdam. Wilhelm đã rất giận dữ về vụ ám sát Franz Ferdinand, và cảm thấy một tổn thất riêng khi hai người đã gặp nhau tại một khu nghỉ mát ở nông thôn của thái tử chỉ hai tuần trước vụ ám sát để thảo luận tình hình Balkan.

Mặc dù ban đầu ông ngần ngại và cho biết ông cần phải tham khảo ý kiến của Thủ tướng Đức Theobald von Bethmann Hollweg, nhưng cuối cùng, khi bị vị đại sứ hỏi dồn, ông đã trả lời với một sự quyết đoán hiếm thấy, hứa rằng sẽ dành sự “hỗ trợ trung thành” của Đức cho Áo-Hung trong bất cứ hành động nào mà Áo-Hung muốn tiến hành đối với Serbia, ngay cả khi Nga can thiệp.

Sau buổi chiều hôm đó, Wilhelm đã triệu tập một cuộc họp của hội đồng hoàng gia, với sự tham dự của Bethmann Hollweg, Ngoại trưởng Arthur Zimmermann, và Bộ trưởng Chiến tranh Erich von Falkenhayn, cùng những người khác. Sau cuộc họp này, một sự đồng thuận đã nổi lên nhằm ủng hộ quyết định của Hoàng đế, điều Bethmann Hollweg sau đó đã thông báo cho các đại diện của Áo và được Hoyos hoan hỉ mang về Vienna báo tin.

Cam kết của Hoàng đế Wilhelm, điều mà các sử gia gọi là tấm “séc trắng” (carte blanche) đảm bảo cho Áo-Hung, đã đánh dấu một thời điểm quyết định trong chuỗi các sự kiện dẫn đến sự bùng nổ Thế chiến I ở châu Âu mùa hè năm 1914. Nếu không có sự ủng hộ của Đức, cuộc xung đột ở khu vực Balkan có thể vẫn chỉ là một cuộc xung đột cục bộ. Với việc Đức hứa sẽ ủng hộ các hành động trừng phạt của Áo-Hung đối với Serbia, ngay cả khi điều đó có thể dẫn tới chiến tranh với Nga, nước có các đồng minh hùng mạnh bao gồm Pháp và Vương quốc Anh, cuộc chiến Balkan sắp diễn ra đã đe dọa bùng nổ trở thành một cuộc chiến trên toàn châu Âu.

Hình: Thái tử Áo Ferdinand (mặc áo choàng lông) trong một buổi đi săn cuối tuần với Hoàng đế Đức Wilhelm II. Nguồn: Historytoday.com.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]