Nguồn: Roy Medvedev, “Stalin Lives,” Project Syndicate, 29/03/2005.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Di sản của những nhà độc tài quá cố thuộc những chế độ toàn trị đã sụp đổ không nên còn mập mờ. Chỉ có những tên thiểu số mất trí của Đức mới dám tưởng nhớ Hitler. Ngay cả những tàn dư tuyệt vọng của chế độ Khmer Đỏ cũng không dám kỷ niệm Pol Pot. Vì vậy, khi Nga chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng phát xít (năm 2005), việc nhắc lại vai trò của Stalin trong chiến thắng ấy có vẻ rất kỳ cục.
Quả thật, đầu năm 2005, tranh luận đã nổ ra ở Moskva về việc có nên xây tượng nhà độc tài đã chết này không. Ở những hiệu sách lớn ở Nga có bán rất nhiều tiểu sử và lịch sử chính trị về Stalin và kỷ nguyên của ông. Một số cuốn dựa trên các tài liệu lưu trữ mới được mở gần đây khá mang tính phê phán. Nhưng phần lớn các sách và tác giả vẫn miêu tả Stalin theo chiều hướng tích cực. Trên thực tế, khi người Nga được hỏi danh sách những người quan trọng nhất thế kỷ 20, Stalin vẫn là nhân vật số một – cùng với Lenin.
Một số cho rằng có bàn tay của những người còn lại của Đảng Cộng sản đằng sau việc này. Đảng đã xa rời lý tưởng Leninist khi tìm kiếm sự ủng hộ của người dân thông qua một “công thức phù thuỷ” bao gồm chủ nghĩa dân tộc Nga, Cơ đốc giáo siêu chính thống và “chủ nghĩa Stalin quốc gia.”
Tất nhiên, các thị trấn và thành phố không còn được đặt theo tên Stalin. Cuối những năm 1950, vô số tượng đài Stalin đã bị phá huỷ. Nhưng nhiều biểu tượng về sự cai trị của Stalin vẫn được gìn giữ cẩn thận, bao gồm bản quốc ca Stalin đích thân phê duyệt năm 1944. Có bảy toà nhà cao tầng ở Moskva mà người Nga vẫn gọi là “vysotki [toà nhà] của Stalin.” Mộ và tượng đài Stalin nằm kề bên mộ Lenin, và người ta vẫn thấy ở đó hoa tươi mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Stalin, và ngày chiến thắng Hitler.
Chắc chắn việc Khrushchev lật tẩy những tội ác và sự sùng bái cá nhân Stalin năm 1956 đã tạo nên ảnh hưởng rất lớn cả ở Liên Xô lẫn nước ngoài. Nhưng nhiều người trong giới chóp bu chính trị và quân sự đã phẫn nộ với những tiết lộ của Khrushchev. Việc này kích động nhiều nỗ lực phục hồi Stalin, đặc biệt là trong 20 năm Leonid Brezhnev cầm quyền, nay được chúng ta gọi là giai đoạn “trì trệ.”
Mikhail Gorbachev đã tiếp tục lật tẩy những tội ác của chủ nghĩa Stalin, đưa ra ánh sáng nhiều trang tối tăm mà Khrushchev đã không đủ can đảm để đưa ra trước công chúng. Trong nhiệm kỳ tổng thống của Boris Yeltsin, những phê phán này càng trở nên mạnh mẽ.
Nhưng phá huỷ những cấu trúc tư tưởng, chính trị, và kinh tế của quá khứ là không đủ để đổi mới xã hội. Yeltsin hiểu điều này. Tám năm trước, thi thể của gia đình Romanov (tức gia đình Sa hoàng Nicolas II – NBT) được chôn cất công khai ở lâu đài Peter-Paul ở Saint Petersburg. Nicolas II được công nhận là thánh tử vì đạo.
Việc cải táng gia đình Romanov không lay động cảm xúc của công chúng được lâu. Hơn 50% dân số Nga, bao gồm giáo viên, nhà khoa học, bác sĩ, và quân nhân, đã chứng kiến chất lượng cuộc sống đi xuống từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Không có gì ngạc nhiên khi họ hoài niệm quá khứ, bao gồm cả Stalin.
Những người thuộc thế hệ trước tất nhiên còn nhớ giai đoạn khó khăn những năm 1930 và 1940. Nhưng đa phần người Nga không xem toàn bộ thời kỳ Xô viết như một khoảng đen. Họ thấy khó khăn, đúng, nhưng đồng thời cũng thấy thành tựu – trong phát triển kinh tế, khoa học, văn hoá, giáo dục, và bảo vệ tổ quốc trong chiến tranh.
Ngày nay, người Nga vẫn nghe những bài hát Xô viết cũ và xem phim thời Xô viết. Ngày 1/5 (Quốc tế Lao động) và 7/11 (kỷ niệm cách mạng Bolshevik) vẫn mang nhiều ý nghĩa hơn những ngày lễ hậu cộng sản mới được thiết lập như 12/6 (Ngày Độc lập). Trên thực tế, đối với nhiều người Nga, tuyên bố độc lập của Nga năm 1990 là một điểm tụt hậu trong lịch sử đất nước, một năm hỗn loạn và lộn xộn.
Người Nga có thể tự hào về điều gì trong 15 năm hậu cộng sản? Liệu pháp sốc đã phá huỷ nền kinh tế và đưa tài nguyên quốc gia vào những bàn tay tư nhân hiếm khi sạch sẽ? Đa số người Nga không xem dân chủ và thị trường là những giá trị tuyệt đối, bởi chúng không mang lại giàu có hay an ninh. Quân đội Nga đã giành được những chiến thắng nào trong những năm đó? Nó thậm chí còn không thể chinh phục Chechnya, một nước cộng hoà nhỏ ở trong Liên bang Nga.
Liên bang Nga vẫn là tập hợp các nhà nước đa dân tộc cần một ý tưởng thống nhất về địa vị quốc gia và tính dân tộc để không đổ vỡ. Ý tưởng dễ thực hiện và dễ hiểu nhất cho Nga là bám vào lòng yêu nước.
Chỉ có hai sự kiện có sức mạnh để huy động và tiếp sức cho chủ nghĩa yêu nước: cách mạng tháng Mười năm 1917 và Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941–45, vốn biến Liên Xô và nước Nga trở thành cường quốc thế giới. Chiến thắng phát xít vẫn là một sự kiện sống động trong ký ức chúng ta, vì nhiều thành phần tham gia đến nay vẫn còn sống.
Ngày Chiến thắng năm 2005 nhiều khả năng sẽ là ngày kỷ niệm “tròn” (60 năm, 70 năm, vv… – NBT) cuối cùng của sự kiện năm 1945 mà Nga có thể tổ chức với hàng ngàn cựu binh còn sống và tham gia. Do vậy Kremlin đang chuẩn bị tổ chức sự kiện này với quy mô mà người Nga chưa từng chứng kiến. Không cần phải nói, tên Stalin sẽ được nhắc vô số lần trong những dịp này.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu xem việc ghi nhận Stalin này là khao khát thực sự cho mọi khía cạnh của hệ thống mà ông đã xây dựng. Thay vào đó, ghi nhận Stalin là một cách để người Nga gợi lại một thời nhiều hành động vĩ đại và nhiều hy sinh cao cả. Chủ nghĩa yêu nước ở mọi nơi luôn dựa trên những quan niệm như vậy.
Roy Medvedev, sử gia và nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền Stalin, là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Stalin: Let History Judge, và Khrushchev: The Years in Power (viết cùng Zhores Medvedev).
Xem thêm:
Copyright: Project Syndicate 2005 – Stalin Lives
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]