Nguồn: “How EU Overreach Pushed Britain Out”, Project Syndicate, 28/06/2016
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Một người bạn Anh sâu sắc nói với tôi vài ngày trước cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Liên hiệp Anh rằng anh sẽ bầu cho “Ở lại” vì anh lo lắng về sự bất định kinh tế sẽ xảy ra nếu Anh rời EU. Nhưng anh cũng nói thêm rằng anh sẽ không ủng hộ quyết định gia nhập EU năm 1973 của Anh nếu biết rằng EU sẽ tiến triển như thế này.
Dù các cử tri chọn “Ra đi” vì nhiều lý do, rất nhiều người quan ngại về mức độ lạm quyền của các lãnh đạo EU, tạo ra một tổ chức cồng kềnh và mang tính can thiệp hơn bao giờ hết.
Giấc mơ về một Hợp chúng quốc châu Âu của Jean Monnet không phải là những gì người Anh muốn khi họ gia nhập EU 40 năm trước. Họ không tìm kiếm một đối trọng Châu Âu với Mỹ, như Konrad Adenauer, thủ tướng hậu chiến đầu tiên của Đức, từng ủng hộ. Nước Anh đơn giản là muốn tìm kiếm những lợi ích của việc gia tăng thương mại và hội nhập thị trường lao động với các nước khác bên kia eo biển Măng-sơ.
Liên minh Châu Âu khởi đầu như một hiệp định giữa sáu nước để đạt được tự do thương mại hàng hóa và vốn, và để xóa bỏ những rào cản đối với chuyển dịch lao động. Khi các lãnh đạo EU tìm cách củng cố ý thức về sự đoàn kết của châu Âu bằng cách thành lập một liên minh tiền tệ, nước Anh đã may mắn có thể đứng ngoài và giữ đồng bảng – đồng thời kiếm soát chính sách tiền tệ của mình. Nhưng sự đứng ngoài này đã phần nào khiến Anh thành một kẻ ngoài cuộc trong EU.
Khi EU mở rộng từ 6 lên tới 28 quốc gia, nước Anh không thể mãi hạn chế sự tiếp cận thị trường lao động của mình đối với người dân các nước thành viên mới. Kết quả là, số người lao động sinh ra tại nước ngoài ở Anh đã tăng gấp đôi từ năm 1993, lên tới hơn 6 triệu người, tương đương 10% lực lượng lao động, trong đó đa số đều đến từ những nước thu nhập thấp và không phải là những thành viên sáng lập EU.
Mặc dù các cử tri ủng hộ Brexit lo lắng về áp lực lên tiền lương của nước Anh, nhìn chung họ không phản đối mục đích ban đầu về gia tăng thương mại và dòng chảy vốn, những thứ là cốt lõi của toàn cầu hóa. Một vài người bảo vệ Brexit có thể chỉ ra ví dụ về hiệp định thương mại tự do của Mỹ với Canada và Mexico mà trong đó không có những điều khoản về dịch chuyển lao động.
Không giống nước Anh, các nước EU khác, dẫn đầu bởi Đức và Pháp, muốn không chỉ thương mại tự do và một thị trường lao động rộng lớn hơn. Ngay từ đầu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kiên quyết sẽ mở rộng “Dự án châu Âu” để đạt được cái mà Hiệp ước Roma gọi là “một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết.” Những người ủng hộ việc trao thẩm quyền cho các thể chế EU đã giải thích điều này bằng quan điểm “chủ quyền chung”, mà theo đó chủ quyền của nước Anh có thể bị xói mòn bởi các quyết định của EU mà không có sự đồng thuận chính thức từ chính phủ hay người dân Anh.
“Hiệp đinh Ổn định và Tăng trưởng” năm 1998 đặt ra giới hạn về mức thâm hụt hàng năm của các nước thành viên và đòi hỏi tỉ lệ nợ trên GDP co lại tới mức tối đa là 60%. Khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2008, thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận thấy cơ hội để củng cố EU hơn nữa, bằng việc thi hành một “thỏa thuận tài khóa” mới cho phép Ủy ban châu Âu giám sát ngân sách hàng năm của các nước thành viên và đưa ra mức phạt với việc vi phạm các mục tiêu về ngân sách và nợ (tuy chưa có án phạt nào được thực hiện). Đức cũng dẫn đầu việc thiết lập một “liên minh ngân hàng châu Âu” với một khuôn khổ điều tiết duy nhất và một cơ chế giải quyết ràng buộc đối với các tổ chức tài chính có vấn đề.
Không phải tất cả những chính sách này đều có ảnh hưởng trực tiếp tới nước Anh. Tuy vậy, chúng đã mở rộng khoảng cách về nhận thức và chính trị giữa Anh và các nước thành viên Eurozone của EU. Điều này đã làm gia tăng sự khác biệt cơ bản giữa các chính phủ ủng hộ thị trường của Vương quốc Anh và chính phủ nhiều nước EU khác vốn có truyền thống chủ nghĩa xã hội, kế hoạch nhà nước, và điều tiết mạnh tay.
Sự phân chia quyền lực giữa bộ máy EU và các nước thành viên được chi phối bởi nguyên tắc mập mờ- mượn từ các giáo huấn xã hội của Công giáo – về “sự phân quyền” (subsidiarity): các quyết định nên được tạo ra ở mức độ “thấp nhất” hay ít tập quyền nhất của các “cơ quan có thẩm quyền”. Trong thực tế, điều đó không hạn chế được quy trình thiết lập các quy tắc của Brussels (tức Hội đồng châu Âu) và Strasbourg (tức Nghị viện châu Âu). Sự phân quyền đem lại sự bảo vệ ít hơn đáng kể cho các chính phủ thành viên EU so với Tu chính án số 10 của Hiến pháp Mỹ – trong đó phủ nhận bất cứ quyền hạn nào của chính phủ liên bang nếu không được giao quyền bởi Hiến pháp – mang lại cho các tiểu bang Hoa Kỳ.
Công chúng Anh không phải là những người duy nhất khó chịu với EU. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây tại các nước EU tiến hành bởi Tổ chức Pew phát hiện ra rằng đa số cử tri ba nước trong số các nước lớn nhất – Anh, Pháp, và Tây Ban Nha – đều không có thiện cảm với EU. Ở Đức, tỉ lệ này là 50-50. Ở Ý, đa số cho rằng họ đã hưởng lợi từ tư cách thành viên EU; vậy mà Đảng dân túy Phong trào Năm Sao, gần đây đã thắng cử ghế thị trưởng ở 19 trong số 20 thành phố đảng này tranh cử (và giành được 70% số phiếu bầu ở Rome), đã hứa hẹn một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời Eurozone nếu đảng này thắng cuộc bầu cử nghị viện sắp tới trong năm nay.
Mặc dù rất nhiều quan chức và chuyên gia tiên đoán rằng Brexit sẽ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, chưa chắc điều này sẽ xảy ra. Việc này hiện giờ phần nhiều phụ thuộc vào tình trạng quan hệ tương lai giữa EU và nước Anh.
Anh giờ đây cũng đang ở một vị thế tốt hơn để đàm phán một hiệp đinh thương mại và đầu tư với Mỹ. Dù Hiệp ước Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TIIP) được đề xuất giữa Mỹ và EU đã bị sa lầy, một chính phủ Anh đứng ngoài EU có thể đàm phán được một thỏa thuận với Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều. Mỹ sẽ đàm phán với một nước, không phải 28 nước – mà nhiều trong số đó không có các chính sách ủng hộ thị trường như Anh.
Câu hỏi về tư cách thành viên EU của nước Anh đã được định đoạt. Giờ đây tương lai kinh tế của Anh phụ thuộc vào việc nước này sẽ làm gì với sự độc lập mới có được này.
Martin Feldstein là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, Chủ tịch danh dự của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1982 đến năm 1984. Năm 2006, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn Tình báo nước ngoài của Tổng thống Bush, và vào năm 2009, ông được bổ nhiệm vào Ban Cố vấn Phục hồi Kinh tế của Tổng thống Obama. Hiện ông là thành viên Ban giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFE), Ủy ban Ba bên, và Nhóm 30 (Group of 30), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Bài liên quan: Xem thêm các bài về chủ đề Brexit
Copyright: Project Syndicate 2016 – How EU Overreach Pushed Britain Out
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]