Nguồn: Shlomo Ben – Ami, “How Israel is losing America”, Project Syndicate, 06/07/2016
Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nhà ngoại giao quá cố người Mỹ George Ball đã từng lập luận rằng Israel cần được giải cứu khỏi những chính sách tự sát dù bản thân Israel không mong muốn. Trong một bài báo năm 1977 trên tạp chí Foreign Affairs, ông đã kêu gọi thúc đẩy một cách cân bằng đối với các nước Ả Rập lẫn Israel để hướng tới hòa bình (thay vì ưu tiên lợi ích Israel hơn). Tuy nhiên trong khi lập trường thực dụng của Ball về xung đột Israel-Palestine không phải là hiếm trong giới quan chức ngoại giao Mỹ, nó vẫn nằm ngoài khả năng đối với giới cầm quyền chính trị ở Mỹ, vốn từ lâu đã duy trì một sự đồng thuận (ủng hộ) gần như thiêng liêng đối với Israel – cho đến tận bây giờ.
Chắc chắn rằng ở một mức độ nào đó, lập trường của Ball vẫn chỉ như một tiếng kêu trên đồng vắng. Sau cùng, Mỹ đã không do dự cam kết hỗ trợ duy trì “lợi thế quân sự về mặt chất lượng” cho Israel. Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã vượt qua toàn bộ kỷ lục trong lịch sử về mức viện trợ quân sự cho Israel, ngay cả khi Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã không hề thể hiện sự sẵng lòng sử dụng lợi thế quân sự được chi trả từ tiền thuế của người Mỹ để chấp nhận những rủi ro có tính toán nhằm đạt được hòa bình. Theo nghĩa này, Mỹ vẫn đang bảo trợ cho những chính sách “thôn tính” đầy khiêu khích của Israel.
Nhưng có điều gì đó chắc chắn đã khác. Những câu hỏi về Palestine hiện đang phân cực rõ rệt trên chính trường Mỹ, với những thế hệ trẻ hơn bị ảnh hưởng nhiều bởi những hình ảnh của một nước Israel phi tự do đang hành hạ một quốc gia Palestine tội nghiệp hơn là bởi hồi ức đã phai màu về sử thi phục quốc của người Do Thái. Với họ, xung đột Israel – Palestine đã trở thành một vấn đề nhân quyền – một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Những người biện hộ cho Israel hiện đang đối mặt với phong trào vận động ủng hộ Palestine trong các trường đại học ở một mức độ chưa từng thấy tại nước Mỹ kể từ sau khi các sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
Một cuộc thăm dò của Viện Gallup năm 2014 cho thấy, trong khi hơn một nửa dân Mỹ xem cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza năm 2014 là chính đáng, thì chỉ 25% những người dưới 30 tuổi cho là như vậy; 51% những người dưới 30 tuổi tuyên bố hành động của Israel là phi lý. Theo một cuộc thăm dò năm 2014 của Viện Brookings, đa số 84% của Đảng Dân chủ và 60% của Đảng Cộng hòa ủng hộ giải pháp một nhà nước, trong đó một chính phủ dân chủ duy nhất đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi công dân, dù là người Israel hay Palestine. Một cuộc thăm dò vào tháng 12 năm 2015 cũng của tổ chức trên đã chỉ ra rằng 66% người Mỹ ủng hộ một chính sách công bằng hơn từ phía Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine; trong số các Đảng viên Đảng Dân chủ dưới 35 tuổi, tỷ lệ này đã tăng lên 80%.
Các chính trị gia Mỹ đang ngày càng quan tâm hơn. Trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ, đứng đầu là Thượng nghị sĩ Patrick Leahy từ bang Vermont, đã kêu gọi tiến hành điều tra về “những vi phạm nhân quyền dã man” của Israel, bao gồm tra tấn và hành quyết không qua xét xử đối với người Palestine. Đồng thời Dan Shapiro, đại sứ Mỹ tại Israel, đã làm chính quyền Israel chấn động hồi tháng Giêng năm ngoái, khi ông đề cập trong một bài phát biểu rằng về cơ bản Israel đang thực thi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid ở Bờ Tây sông Jordan.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của mình, đã phá vỡ khuôn mẫu khi kêu gọi xem xét lại lập trường của Đảng Dân chủ đối với xung đột Israel-Palestine. Khi nhấn mạnh tình thế khó khăn của người Palestine, Sanders đã không chỉ nêu bật thế giới quan tập trung vào khía cạnh đạo đức của mình – một thế giới quan chắc chắn nghiêng về chủ nghĩa lý tưởng – mà còn là sự thấu hiểu của ông về tâm lý của một bộ phận cử tri quan trọng. Nhờ những nỗ lực của ông, hội nghị của Đảng Dân chủ vào cuối tháng 7 sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cách tiếp cận của Đảng đối với vấn đề này.
Đảng Cộng hòa cũng đang đe dọa quay lưng lại với Israel, nhưng theo một cách nguy hiểm hơn. Donald Trump, ứng viên dự kiến của Đảng cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, đã nói rằng mình sẽ không tán thành sự ủng hộ tự động của Mỹ đối với Israel, ám chỉ việc ông nghĩ rằng Israel phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với sự thất bại của giải pháp hai nhà nước. Thay vào đó, ông nói mình sẽ trở thành “một người tương đối trung lập” trong cuộc xung đột Israel- Palestine.
Điều này dường như được những người ủng hộ ông đón nhận, nhiều người thích Trump bởi cách tiếp cận “phản chính thống” (anti- establishment) của ông. Nếu những chính trị gia chính thống ủng hộ Israel mà bị người ủng hộ ông xem thường, thì theo logic, phải có điều gì đó không ổn với chính sách này.
Sự nguy hiểm nằm ở thực tế rằng Trump đã khai thác thành phần công khai bài ngoại của lực lượng cử tri bảo thủ. Thật vậy, ông đã nhận được sự ủng hộ từ những người theo thuyết người da trắng thượng đẳng (white supremacist), trong đó có cựu lãnh đạo nhóm Ku Klux Klan David Duke. Do đó, sự nổi lên của Trump là một tin rất xấu cho những người Mỹ gốc Do Thái – và thực sự là cho tất cả các nhóm thiểu số trên đất Mỹ. Vấn đề trở nên tệ hơn là ảnh hưởng của Trump thậm chí có thể mở rộng ra bên ngoài nước Mỹ, khi các lãnh đạo cực hữu ở các nơi khác, chẳng hạn như Norbert Hofer của Áo, đã học theo các chiến thuật của ông để thúc đẩy và tận dụng tư tưởng của chủ nghĩa bản địa (cho rằng công dân bản địa cần được ưu tiên hơn người nhập cư – ND).
Đối với Israel, một nhiệm kỳ Tổng thống của Trump rõ ràng sẽ là một tổn thất lớn, nhất là bởi Israel từ lâu đã dựa vào các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Ví dụ trong năm 2011, Đảng Cộng hòa đã sắp xếp, mà không thông báo cho Nhà Trắng, để Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong một nỗ lực để ngăn chặn một thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Obama đã đàm phán với Iran từ lâu.
Nhưng vấn đề còn mở rộng hơn thế nữa. Một đồng minh kém thân thiện trong Nhà Trắng là một chuyện; việc Trump ở đó, thực thi triết lý chính sách đối ngoại “Nước Mỹ Trước Tiên” của mình, là một điều hoàn toàn khác.
Dù suy nghĩ đặt lợi ích quốc gia lên ưu tiên hàng đầu tự bản thân nó không phải là điều bất hợp lý, nhưng luận điệu đặc biệt của Trump tương tự với lời kêu gọi từ những người theo chủ nghĩa biệt lập, các nhóm bài Do Thái trước Thế chiến II về việc Mỹ nên xoa dịu Hitler. Với Trump và hàng triệu người ủng hộ ông, “Nước Mỹ Trước Tiên” đồng nghĩa với sự kết thúc sứ mệnh khai sáng toàn cầu của Mỹ. Những thế lực bên ngoài, dù họ là ai, cũng nên chi trả cho các dịch vụ mà nước Mỹ cung cấp.
Bằng cách lờ đi những làn sóng phản đối của dư luận châu Âu chống lại chính sách của mình đối với Palestine, chính phủ Israel chắc chắn đã mất đi sự ủng hộ của châu Âu. Bây giờ, thành lũy từng một thời bất khả xâm phạm của họ tại Mỹ đang bị đe dọa. Chắc chắn Israel phải nhận ra rằng việc phớt lờ thách thức này sẽ hết sức nguy hiểm.
Shlomo Ben – Ami, nguyên Ngoại trưởng Israel, là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa bình Toledo. Ông là tác giả của cuốn Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli – Arab Tragedy.
Xem thêm:
Copyright: Project Syndicate 2016 – How Israel is losing America
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]