Nguồn: Jorge G. Castañeda, “Poor Leadership Makes Bad Globalization”, Project Syndicate, 20/07/2016
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Ngay từ những năm 1950, các quốc gia châu Âu đã tranh luận về những chi phí và lợi ích của hội nhập khu vực. Nhưng phải đến khi diễn ra trưng cầu dân ý “Brexit” của Vương quốc Anh thì cuộc tranh luận mới bắt đầu xoay quanh các vấn đề trọng tâm như toàn cầu hóa, tự do thương mại, di cư, và tác động kinh tế của chúng.
Cử tri Anh đã sai lầm khi quyết định rời khỏi EU; họ đã bị lừa phỉnh, mà chủ yếu là bởi Ngoại trưởng mới của nước Anh, Boris Johnson. Nhưng cả những quan chức trong EU (Eurocrats) và những người ủng hộ việc ở lại liên minh này (Europhiles) cũng sẽ sai lầm nếu họ bỏ qua những lời dối trá vốn mang lại sức sống cho chiến dịch “Rời đi”. Những lời nói dối đó đã hiệu quả tại Anh, và chúng cũng có thể hiệu quả tại các nước thành viên EU khác, cũng như tại các nền dân chủ khác trên toàn thế giới.
Tiếp tục hướng tới một “liên minh ngày càng gắn kết hơn” sẽ là điều không dễ dàng. Châu Âu đang phải vật lộn với nhiều vấn đề cùng một lúc, gồm có: người tị nạn, di cư, nợ quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp cao, và một nhà nước phúc lợi đã không còn khả năng đem đến những gì nó hứa hẹn, mặc cho mức thuế cao và các nguồn lực sẵn có rất lớn để tài trợ cho nhà nước đó. Để vượt qua những thách thức này, các lãnh đạo EU sẽ phải xây dựng một khối cử tri mạnh mẽ, bằng cách trực tiếp giải quyết các nhu cầu và đòi hỏi của người dân châu Âu.
Toàn cầu hóa, tự do thương mại, di cư, và bất bình đẳng xã hội từ lâu cũng đã bị giới lãnh đạo ở những nơi khác làm ngơ. Nỗi ám ảnh với tự do thương mại của các đời Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và Bill Clinton trong những năm 1990, và của nhiều thế hệ lãnh đạo Mexico liên tiếp, đã khiến việc đền bù cho những người bị ảnh hưởng bất lợi [bởi thương mại tự do] là gần như không thể về mặt chính trị.
Giờ đây, 20 năm sau thất bại chính sách này, không có gì ngạc nhiên khi các cử tri bất mãn ở Mỹ đang đổ xô sang ủng hộ Donald Trump, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, cũng giống như nhiều người thuộc cánh tả ủng hộ Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont – đối thủ của Hillary Clinton cho chiếc vé đề cử của Đảng Dân chủ.
Cả hai ứng viên “ngoài cuộc” này đã khai thác thành công sự bất bình và lo ngại của cử tri Mỹ. Đối với Trump, đó là việc đánh vào tâm lý chống Hồi giáo và chống Mexico. Còn trong trường hợp của Sanders, cử tri Mỹ lại bị thu hút bởi nhiều đề xuất hấp dẫn, chẳng hạn như miễn học phí đại học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, dù rằng những chính sách đó là phi thực tế về mặt chính trị.
Cả hai phản ứng trên là kết quả của việc các nhà lãnh đạo quốc gia không xoa dịu, hoặc thậm chí là không thừa nhận, kết quả của các chính sách được thiết lập trong suốt 20 năm qua. Bất kỳ nỗ lực nào để bắt đầu sửa chữa sai lầm này đều phải được dựa trên thực tế. Ví dụ, những người ủng hộ Trump và Sanders có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều công việc mới trong ngành sản xuất đã được tạo ra ở Mỹ kể từ khủng hoảng kinh tế 2008-2009, cũng như sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được thông qua vào năm 1993. Rất nhiều trong số các công việc trên là kết quả của việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, Mexico, và một vài nước nhỏ khác mà Mỹ đã đàm phán các thỏa thuận thương mại (như Chile, Peru, Colombia, và nhiều nước khác).
Tất nhiên, việc chuyển hàng triệu công việc ngành sản xuất sang các nước như Trung Quốc và Mexico cũng đã phần nào cân bằng lại xu hướng này, thậm chí ngay cả khi có thể lập luận một cách hợp lý rằng nhiều việc làm đã được tạo ra hơn so với số bị mất. Mỹ đã trở nên cạnh tranh hơn nhờ sự thay đổi này. Trung Quốc thì trở thành một thị trường tiêu dùng lớn, và thậm chí Mexico cũng đã có những bước tiến nhất định.
Vấn đề chính của nước Mỹ là loại công việc nào sẽ lấp đầy khoảng trống sau khi công việc ngành sản xuất bị chuyển sang nước khác. Các nhà hoạch định chính sách vốn chỉ quan tâm đến kết quả kinh tế vĩ mô đã bỏ qua điều này. Nhưng với những người ở độ tuổi 50 hoặc 60 – vốn đã bị mất việc làm với mức lương 30 USD/giờ, mất cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi hưu trí, cũng như phải sống với đồng lương chỉ bằng một nửa so với lúc trước và rất ít phúc lợi – thì đó lại là điều không thể bỏ qua.
Các nhà hoạch định chính sách đã không quan tâm đến các nạn nhân của toàn cầu hóa, bởi vì họ nghĩ rằng mình không phải quan tâm. Thị trường rồi sẽ tự mình giải quyết mọi chuyện. Thực tế thì không như vậy. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng chẳng rút ra được bài học nào. Các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm ngoái có thể đi đến kết quả thuận lợi một phần là vì, một lần nữa, có rất ít hành động để bảo vệ người lao động Mỹ.
Một làn sóng chống toàn cầu hóa tương tự cũng đã xuất hiện ở Mexico, nơi NAFTA đã bị quảng bá quá mức về các lợi ích và bị chỉ trích mạnh mẽ. NAFTA đem đến sự bùng nổ trong xuất khẩu mà nhiều người đã ca ngợi và dự đoán, nhưng nó đã không giúp gì trong việc ngăn chặn dòng di cư lên phía bắc (sang Mỹ). Nó làm cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp và nông nghiệp của Mexico trở nên cạnh tranh hơn, nhưng chỉ làm tăng đầu tư nước ngoài ở mức rất thấp và tạm thời, khoảng 1% GDP.
Hơn nữa, trong khi NAFTA khiến Mexico tiến hành rất nhiều cải cách kinh tế, nó lại chẳng bao giờ thực hiện được lời hứa về tăng trưởng: Từ năm 1994, tăng trưởng kinh tế hàng năm chỉ đạt mức trung bình 2,5% – mức thấp theo tiêu chuẩn của các thị trường mới nổi – trong khi các chỉ số về năng suất, việc làm, và tiền lương cũng gây thất vọng như vậy.
Sau NAFTA, các chính sách cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của toàn cầu hóa – chẳng hạn như mức lương tối thiểu cao hơn cho công nhân ngành sản xuất – không bao giờ được thực hiện. Ngày nay, cả nước đang phải trả giá, và người Mexico không hài lòng. Dù NAFTA không thể bị quy trách nhiệm hoàn toàn cho tình trạng tầm thường nói chung, nó đã góp phần vào xu hướng chống các chính trị gia dòng chính, vốn dĩ có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Phản ứng mạnh mẽ của người dân chống lại sự thay đổi bất ngờ là điều không thể tránh khỏi, và thỉnh thoảng nó còn là một đối trọng hữu ích trước sự lãnh đạo yếu kém. Điểm mới ở đây là mức độ phản ứng ở châu Âu và Bắc Mỹ, những nơi mà nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cho là sẵn sàng hơn bao giờ hết trong việc quản lý thay đổi. Nếu nhìn vào phản ứng của cử tri tại Anh, Mỹ và Mexico, có thể thấy không quốc gia nào miễn nhiễm với sai lầm của giới lãnh đạo.
Jorge G. Castañeda là Ngoại trưởng Mexico giai đoạn 2000-2003, sau khi cùng đối thủ ý thức hệ của ông, Tổng thống Vicente Fox, tạo nên chính phủ dân chủ đầu tiên của nước này. Ông hiện là giáo sư ngành Chính trị học và ngành Nghiên cứu Mỹ Latinh và Caribe tại Đại học New York, và là tác giả của cuốn “The Latin American Left After the Cold War” và “Compañero: The Life and Death of Che Guevara.”
Copyright: Project Syndicate 2016 – Poor Leadership Makes Bad Globalization
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]