Nguồn: Alex Masie, “David Cameron Was a Historic and Disastrous Failure”, Foreign Policy, 24/06/2016
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Vị Thủ tướng muốn cách tân Đảng Bảo thủ và thống nhất Vương quốc Liên hiệp Anh. Nhưng ông chỉ đạt được điều ngược lại.
Đây là cách mà một cuộc đời chính trị kết thúc, với một sự sụp đổ, chứ không phải một tiếng phanh nhỏ. Chỗ đứng của David Cameron trong lịch sử giờ đã chắc chắn. Ông là người đã lôi Liên hiệp Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Trong khi chúng ta phải chờ xem ảnh hưởng tổng thể của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 như thế nào, Cameron vẫn có thể được nhớ tới như là vị thủ tướng đã đứng đằng sau sự khởi đầu cho sự sụp đổ của Liên hiệp Anh. Nước Scotland độc lập, một ý tưởng đã bị đánh bại hai năm trước, bây giờ đã quay trở lại.
Nhiệm kỳ 10 năm lãnh đạo Đảng bảo thủ của Cameron và 6 năm với tư cách thủ tướng giờ chỉ được gói gọn trong thực tế trên. Những di sản khác không còn quan trọng, không gì khác sẽ được người ta nhớ tới. Cameron đánh cược tất cả với một vòng xúc xắc, và ông đã mất tất cả.
Không một thủ tướng nào trong thời đại gần đây phải chịu đựng một thất bại ở mức độ thảm hại đến mức đó, không một thủ tướng nào đã bị làm nhục một cách hoàn toàn bởi cử tri của ông ta đến vậy. Cameron đã mất kiểm soát đảng của mình và tiếp theo là cả đất nước. Hậu quả của sự bất cẩn này sẽ còn được cảm thấy ở nước Anh và toàn thế giới trong những năm sắp đến. Những nhà nghiên cứu lịch sử chính trị sẽ phải ngẫm nghĩ về một câu hỏi u buồn: David Cameron có thành quả như thế nào? Và sự phán xét của họ chắc chắn sẽ rất nặng nề.
Đáng lẽ mọi sự không phải như thế này. Cameron đáng lẽ là một chính trị gia Bảo thủ khác biệt, một người chấp nhận bộ mặt và thực tế của nước Anh hiện đại. Ông được bầu làm lãnh đạo trên một cương lĩnh hiện đại hóa, nhấn mạnh rằng đảng phải thay đổi. Ông sẽ lãnh đạo một Đảng Bảo thủ nhẹ nhàng hơn, bao trùm hơn, với chính sách kinh tế bảo thủ nhưng chính sách xã hội tự do. Cắt giảm thuế và hôn nhân đồng tính, cải cách an sinh xã hội và một mức tăng đáng kể cho chi tiêu viện trợ quốc tế cho các nước nghèo nhất.
Hơn tất cả, ông nhấn mạnh rằng Đảng Bảo thủ phải chấm dứt “nhai đi nhai lại” về châu Âu. Liên minh châu Âu, ông nhận ra, làm sao lãng sự chú ý khỏi những vấn đề tức thời và quan trọng hơn. Thêm vào đó, Cameron hiểu rằng sự chia rẽ trong Đảng Bảo thủ về châu Âu đã giúp hạ bệ bà Margaret Thatcher và đã làm tê liệt nhiệm kỳ thủ tướng của John Major.
Một năm về trước, Cameron không nghĩ rằng ông sẽ phải tôn trọng lời hứa cương lĩnh của Đảng trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh châu Âu. Nhưng đó là trước khi ông đạt được thế đa số một cách bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái. Ông bất ngờ bị mắc kẹt giữa những lời hứa mang tính tuyên ngôn, những lời hứa để làm vui lòng những người hoài nghi châu Âu (Eurosceptics) và để đẩy lùi sự đe dọa phía cánh hữu đến từ đảng bài châu Âu một cách mãnh liệt là Đảng Anh Quốc Độc lập (UK Independence Party). Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ phải diễn ra.
Dù vậy, ông Cameron vẫn đủ tự tin, hoặc là tự mãn, để nghĩ rằng chiến thắng sẽ là một điều dễ dàng. Dầu gì thì hầu hết giới cầm quyền chính thống của Anh đều nằm trong phe thân Châu Âu và đại đa số các doanh nghiệp Anh cũng như thế. Quyền lợi kinh tế tự thân chắc chắn sẽ thuyết phục các cử tri đặt qua một bên những lo lắng về EU và ủng hộ hiện trạng. Họ có thể không làm như thế với tinh thần hứng khởi cao nhưng một kết quả miễn cưỡng ủng hộ lựa chọn “Ở lại” là tất cả những gì Cameron và chính phủ của ông cần.
Nhưng, nếu Cameron hiểu về sự tồn tại của những quan điểm chống lại giới cầm quyền chính thống ở trong nước, thì ông đã quá tự tin rằng ông sẽ có thể xoa dịu nó. Nỗ lực của Cameron trong việc đánh bại những người hoài nghi Châu Âu bằng cách tái đàm phán những điều khoản về tư cách thành viên của Anh đã trở thành một thất bại mất mặt và thậm chí nhục nhã. Ông đã tính toán sai về mức độ mà ông có thể xoay chuyển. Nước Anh đã là một thành viên tương đối tách biệt của EU, được ngoại lệ về việc không phải sử dụng đồng tiền chung và được ở ngoài khu vực tự do đi lại Schengen, vì thế không còn nhiều quyền tự chủ mà Anh có thể đạt được thêm bên trong giới hạn của EU nữa. Nỗ lực của Cameron để giành được thêm những quyền lợi là một thất bại không thể tránh được, và là một sai lầm chiến lược không đáng có.
Tất cả những hy vọng còn lại về một chiến thắng nhẹ nhàng của phe “Ở lại” tan biến hết khi Boris Johnson, người có khả năng lớn nhất sẽ kế nhiệm Cameron và có thể nói là chính trị gia lôi cuốn nhất và được ủng hộ rộng rãi nhất nước Anh, tuyên bố rằng ông sẽ ủng hộ phe “Ra đi”. Tệ hơn nữa, đặc điểm và tâm trạng của thời đại hiện nay lại không có lợi cho Cameron. Chủ nghĩa dân túy hiện rất thịnh hành và “giới tinh hoa” là mục tiệu dễ nhắm đến ở mọi nơi. Liên minh châu Âu, trước nay chưa bao giờ được ủng hộ một cách hăng hái ở nước Anh, bị mô tả một cách dễ dàng là một tổ chức phi dân chủ, vô trách nhiệm, và xa rời thực tế. Có liên quan hơn, cho dù không công bằng cho lắm, là khi những điều trên cũng đúng khi dùng để mô tả Cameron, với quá khứ nhung lụa và phong cách quý tộc. Người đáng lẽ sẽ là một người “Bảo thủ trung thành với Một Quốc gia” lại bị mọi người cho là một gã quý tộc vụng về.
Những gì mà Cameron có thể dựa vào – để phản ứng lại lời hứa của chiến dịch “Ra đi” rằng họ sẽ lấy lại quyền kiểm soát và khôi phục chủ quyền cho Quốc hội Anh – là một loạt các “chuyên gia” bao gồm Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tổng thống Mỹ Obama, tất cả đều cảnh báo chống lại việc rời Liên minh châu Âu. Các chuyên gia bây giờ cũng bị “lỗi mốt” ở Anh. “Chúng ta đấu tranh cho dân chủ, còn họ chỉ lo về kinh tế” theo lời Johnson, trong khi Michael Gove, một cựu đồng minh chủ chốt của Cameron sau đó trở thành một nhà vận động quyết liệt ủng hộ “Ra đi”, nói rằng “Tôi nghĩ tất cả mọi người ở quốc gia này đã chịu hết nổi các chuyên gia”.
Hơn tất cả, chiến dịch “Ra đi” tập trung hỏa lực vào vấn đề nhập cư. Cameron một thời từng hứa sẽ cắt tổng số dân nhập cư xuống ít hơn 100.000 người mỗi năm. Đó là một lời hứa ông có nhiều lý do phải hối hận, không chỉ vì các con số được đưa ra trước cuộc bỏ phiếu cho thấy rằng trong năm 2015, nhập cư đã làm tăng dân số nước Anh ở mức 330.000 người. Một nửa con số đó bao gồm các công dân EU đến nước Anh sinh sống và làm việc.
Cameron mong rằng các luận điệu chống nhập cư, những cảnh báo về “đám đông” người nhập cư từ các trại tị nạn ở Calais và những nơi khác, sẽ giúp ông đạt được sự tín nhiệm mà các chính sách của ông không làm được. Ông lại mắc phải sai lầm, các luận điệu của ông bị những người chống nhập cư chỉ trích là những lời nói sáo rỗng. Đã quá đủ rồi, như chiến dịch “Ra đi” khăng khăng, và chỉ bằng cách rời EU mới có thể trao cho Anh quyền kiểm soát biên giới.
Vì thế giờ đây Cameron trở thành trò cười của châu Âu. Việc ông vực dậy Đảng Bảo thủ, khôi phục nó sau ba thất bại bầu cử đau đớn dưới tay Tony Blair, không còn nghĩa lý gì. Đảng của ông bị chia làm hai, đất nước của ông giờ phải đối mặt với một tương lai quá vô định trong khi ảnh hưởng toàn diện của cuộc trưng cầu dân ý dần dần lộ diện.
Hơn tất cả, Cameron phải suy nghĩ về cách mà mà ông đã đánh mất sự tin tưởng của người dân Anh. Nguồn gốc của khủng hoảng này rất sâu xa nhưng chúng có liên quan đến những ảnh hưởng còn đọng lại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Người Anh đã phải chịu đựng một chính phủ “thắt lưng buộc bụng” trong sáu năm qua nhưng họ chưa bao giờ hào hứng với điều đó.
Chúng ta từng nghĩ rằng Cameron chỉ là một chính trị gia may mắn trong cuộc khủng hoảng đó. Ông may mắn khi chỉ đối mặt với hai lãnh đạo Công đảng, Gordon Brown và Ed Miliband, những người không được ủng hộ rộng rãi vì những lý do khác nhau. Vào năm 2014 ông đã đánh bại mối đe dọa về một nước Scotland độc lập, và cho đến một vài tuần trước, dường như ông cũng sẽ đánh bại mối đe dọa Brexit.
Kiểu phân tích đó không còn hữu ích nữa. Cuộc trưng cầu dân ý này là một cuộc nổi loạn chống lại Westminster và cũng là một sự bày tỏ quan điểm chống lại châu Âu. Người Anh đã chán nản tầng lớp cầm quyền và họ đã tận dụng cơ hội này để đá Cameron một phát đau điếng.
Kết quả trưng cầu dân ý bộc lộ hình ảnh của một nước Anh bị chia rẽ mạnh mẽ. Những người lớn tuổi bầu “Ra đi” trong khi các con cháu của họ ủng hộ “Ở lại” một cách áp đảo. Những người trung lưu có trình độ đại học bầu “Ở lại” trong khi tầng lớp lao động với trình độ cấp 3 bầu “Ra đi”. London và Scotland ủng hộ EU, trong khi những khu vực ở trung tâm nước Anh ủng hộ “Ra đi”. Nước Anh giờ là một quốc gia bị chia rẻ bởi giai cấp và địa lý hơn bao giờ hết. Đó cũng là một phần của di sản của Cameron, một bằng chứng của một nhiệm kỳ thủ tướng thất bại.
Vào một lúc nào đó thì rốt cuộc các vị tướng may mắn sẽ không còn gặp may nữa. Cameron đã chứng minh rằng ông không phải là ngoại lệ đối với quy luật không thể tránh được này của chính trị. Gần như tất cả các cuộc đời chính trị đều chấm dứt trong thất bại, nhưng ít cuộc đời nào chấm dứt theo kiểu đau đớn như thế. Đây là một con tàu chìm và Cameron là thuyền trưởng đã lèo lái tàu HMS Britain (tức nước Anh) vào đá ngầm. Đây là di sản của ông, đây là cái mà ông sẽ được nhớ đến. Và ông xứng đáng bị như vậy.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]