Căn bệnh của giới lãnh đạo nước Anh

johnsoncam

Nguồn: Lucy P. Marcus, “The British Leadership Disease”, Project Syndicate, 22/07/2016

Biên dịch: Hoàng Thu Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trên khắp thế giới đều thiếu các lãnh đạo chính trị có đạo đức, từ Hoa Kỳ đến Thổ Nhĩ Kỳ, đến Philippines. Nhưng có lẽ ví dụ nổi bật nhất về sự lãnh đạo thiếu trung thực được tìm thấy tại Anh, nơi mà cuộc trưng cầu dân ý Brexit và hệ quả của nó gây ra nhiều bất ổn hơn những gì mà nước Anh phải trải qua trong cả một thập niên thông thường.

Chỉ trong vài tuần đầu sau cuộc trưng cầu, thủ tướng Anh David Cameron, người đã tạo ra cuộc bỏ phiếu này, đã từ chức và người kế nhiệm của Đảng Bảo Thủ, Therasa May, đã bổ nhiệm một nội các mới. Dù một số người ủng hộ Brexit, đáng lưu ý nhất là cựu thị trưởng thành phố London Boris Johnson – hiện tại đang là thành viên chính phủ mới, nhưng không một ai trong số những người đã  ủng hộ chiến dịch rời bỏ Liên minh Châu Âu chịu trách nhiệm sau cùng cho việc thực hiện điều đó. Bản thân bà May cũng từng ủng hộ chiến dịch “Ở lại”.

Trong khi đó, Công Đảng đối lập rơi vào tình trạng hỗn loạn. Hầu hết toàn thể nội các bóng (shadow cabinet)[1] đã từ chức, mất lòng tin vào người lãnh đạo Đảng Jeremy Corbyn, và những nỗ lực phản đối ông trở nên cực kỳ gay gắt, với việc những người ủng hộ Corbyn thậm chí còn ném gạch vào cửa sổ văn phòng tiếp dân của một trong những đối thủ của ông.

Và sự hỗn loạn sau cuộc trưng cầu còn lan sâu hơn nữa. Số các vụ tội phạm xuất phát từ lòng căm ghét các nạn nhân từ sau cuộc trưng cầu được báo cáo tăng đến 500%, trong bối cảnh sự bất định về xã hội, chính trị và kinh tế cùng với sự bất mãn đang càng ngày lan rộng. Hơn 100 tỉ bảng Anh (tương đương 131 tỉ đô la) đã bị xóa sạch khỏi FTSE 100 chỉ trong mười phút giao dịch đầu tiên ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu được thông báo, trong khi đó giá trị đồng bảng Anh so với đô la Mỹ xuống thấp nhất trong 35 năm trở lại đây.

Một trong những bài học nổi bật trong trường hợp của nước Anh – và nhiều nước khác – là những nỗ lực đầy hứa hẹn để đảm bảo trách nhiệm giải trình của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong việc đảm bảo các công ty cư xử có đạo đức đã không được áp dụng vào hệ thống chính trị của chúng ta. Những nhà lãnh đạo dân cử, thường là những người đầu tiên yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân có một chiến lược tốt, kế hoạch chuyển tiếp lãnh đạo, và trách nhiệm giải trình, lại đáng ngạc nhiên là không thực hiện chính những gì họ rao giảng.

Chúng ta trông đợi các lãnh đạo doanh nghiệp lập kế hoạch đảm bảo sự chắc chắn của những vấn đề bất ổn và kiểm soát rủi ro một cách hợp lý. Năm ngoái, các công ty lớn và nhỏ ở Anh, ở bất kỳ nơi nào ở EU và trên thế giới đã tổ chức vô số các cuộc họp và các phiên lập kế hoạch cấp cao để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu Brexit. Khi kết quả được đưa ra, dường như những người không lập kế hoạch cho chiến thắng của chiến dịch “Rời đi’ lại chính là những người đã dẫn dắt chiến dịch đó. Thực vậy, theo một báo cáo gần đây của Ủy ban Đối ngoại đặc biệt của Nghị viện, ông Cameron “đã cẩu thả khi cân nhắc quan điểm không hướng dẫn cho các ban ngành quan trọng, bao gồm Bộ Ngoại giao, lập kế hoạch cho khả năng rằng các cử tri sẽ bầu cho việc rời EU”.

Nhà lãnh đạo chính trị Anh duy nhất đã nhanh chóng đề ra một chiến lược rõ ràng và đầy quả quyết là Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon. Kế hoạch của bà là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về nền độc lập của Scotland và tái gia nhập EU.

Và chính một người người Canada không phải do dân cử, Mark Carney, thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England), người mà sự bảo đảm đầy uy tín của ông đã giúp bình ổn thị trường tài chính. Vào năm 2015, Carney đã bị chỉ trích vì thành lập một ủy ban để thực hiện việc lập kế hoạch cho khả năng xảy ra Brexit. Và vào đầu tháng 7, ông đã được gọi đến để điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện, và đã bị lên án là ủng hộ phe “Ở lại” trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra chỉ bởi vì ông đã đưa ra một đánh giá ảm đảm (và chính xác) về hậu quả kinh tế mà chiến thắng của phe Rời đi mang lại.

Khi Nigel Farage, một trong những nhà lãnh đạo cực đoan và ồn ào nhất trong chiến dịch Rời khỏi EU, quyết định từ chức lãnh đạo Đảng Anh quốc Độc lập vào ngày 4/7, ông đã nói rằng “Tôi muốn sống lại cuộc sống bình thường của tôi”. Nếu lời này nghe có vẻ quen thuộc, thì đó là bởi vì Tony Hayward, lúc đó là CEO của BP, đã sử dụng chính cụm từ này khi nói về những tác động của sự cố tràn dầu năm 2010 tại Vịnh Mexico lên bản thân ông.

Khi Hayward nói điều này, ông đã nhanh chóng bị lên án. Những lời của ông cho thấy một sự thiếu cảm thông hoàn toàn đối với những người thực sự bị ảnh hưởng bởi vụ tràn dầu. Tương tự như vậy, vừa mới “giúp” đưa nước Anh đến thảm họa, Farage đã bỏ đi một cách vô tình ngay khi chạm tới đích. Cũng đáng xấu hổ không kém là việc Johnson được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng nếu xét đến lịch sử dối trá của ông ta cùng những lời phát ngôn bài ngoại và đưa ra những chỉ trích thiếu tôn trọng đối với các lãnh đạo khác trên thế giới. Nhưng ít nhất ông ta sẽ chịu đựng vết nhơ từ thảm họa của nước Anh một cách công khai.

Vấn đề sâu xa hơn tại nước Anh chính là không có một sự lựa chọn khác. Công Đảng chỉ đơn giản là quá bị chia rẽ nên không thể nắm quyền. Nếu Corbyn là một CEO không giành được niềm tin của ban điều hành và hội đồng quản trị, ông ta sẽ bị ép từ chức hoặc bị sa thải. Nếu một CEO không thể giành được sự tôn trọng của ban lãnh đạo, ông ta không thể dẫn dắt công ty đến thành công cho dù hầu hết nhân viên có nghĩ rằng ông ta là người tuyệt vời. Điều tương tự cũng đúng với các đảng phái chính trị, mặc dù họ thường mất nhiều thời gian hơn mới hành động, do đó khiến cho doanh nghiệp, mà trong trường hợp này là nước Anh, phải vùng vẫy trong đống bùn.

Với rất ít ngoại lệ, cuộc bỏ phiếu Brexit đã phơi bày những điều tồi tệ nhất trong giới lãnh đạo của nước Anh. Nếu một CEO nói dối các nhà đầu tư và người tiêu dùng nhiều như Farage, Johnson và Michael Gove đã làm với cử tri Anh, hậu quả sẽ nặng nề và nhanh chóng, đến từ thị trường và những nhà điều tiết của chính phủ. Không chỉ đơn giản là từ chức và sống yên ổn, chứ chưa nói nhận được một chức vụ trong tương lai ở tổ chức (và tất nhiên không thể là chức vụ cao cấp). Mà họ sẽ bị phạt (hoặc tệ hơn), bị tẩy chay về mặt chuyên môn và bị sa thải.

Khi chúng ta có thể khiến cho các lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm giải trình hiệu quả hơn so với các nhà lãnh đạo chính trị do chính chúng ta bầu lên, chúng ta nên lo lắng cho tương lai của mình – và không chỉ ở nước Anh. Nếu điều đó có thể xảy ra ngay tại đây, tại quê nhà của Edmund Burke và Tony Benn, điều đó có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác.

Lucy P. Marcus, nhà sáng lập và tổng giám đốc của Marcus Venture Consulting Ltd., là giáo sư ngành lãnh đạo và quản lý tại Trường Kinh doanh IE và là thành viên không điều hành của hội đồng quản trị công ty Atlantia SpA.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The British Leadership Disease

————

[1] Nội các bóng là nội các của phe đối lập, với các vị trí bộ trưởng tương ứng với phe cầm quyền, nhằm giám sát, phản biện và đưa ra các chương trình hành động thay thế khác với các chương trình của chính phủ cầm quyền. Thông thường khi phe đối lập thắng cử, các vị trí trong nội các bóng sẽ được giao nắm các  vị trí chính thức trong nội các cầm quyền mới (NHĐ)
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]