Nguồn: Minxin Pei, “The Siren Song of “Strongmania””, Project Syndicate, 26/08/2016
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các chính trị gia cứng rắn và độc tài đang quay trở lại. Cách đây không lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong những lãnh đạo duy nhất xứng đáng với “danh hiệu” này, nhưng giờ đây, ông ta đã có thêm rất nhiều đối thủ cạnh tranh.
Xu hướng này có thể được quan sát thấy trong các chế độ mà xưa nay vẫn luôn độc tài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là lãnh đạo mạnh nhất của nước này kể từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào bốn thập niên trước.
Nhưng điều tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nước vốn được xem là những nền dân chủ trẻ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, người đã sớm chuyển hướng sang chủ nghĩa chuyên chế từ lâu, nay lại càng tập trung quyền lực hơn nữa sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hồi tháng trước.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán thì “đảo ngược” một câu chuyện hậu cộng sản thành công với bước ngoặt chuyển sang chủ nghĩa phi tự do. Ngay cả ở Philippines, nơi diễn ra cuộc Cách mạng Sức mạnh Nhân dân (People Power Revolution) lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos năm 1986, cử tri cũng đã bầu Rodrigo Duterte – một nhà dân túy cứng rắn công khai và một “chiến binh” chống lại những tên trùm ma túy – làm Tổng thống của họ.
Thậm chí, những nền dân chủ ổn định nhất thế giới cũng đã bị ảnh hưởng bởi căn bệnh “độc tài” (Strongmania) này. Tại Áo, Norbert Hofer, lãnh đạo Đảng Tự do cực hữu, nhiều khả năng sẽ được bầu làm Tổng thống vào tháng Mười. Còn tại Mỹ, Donald Trump đã lợi dụng sự thất vọng và thành kiến của một bộ phận cử tri Mỹ để giành cơ hội có thể trở thành Tổng thống kế tiếp của nước này. May mắn là cơ hội này đang ngày một mong manh hơn.
Các vị lãnh đạo này – những người đã hứa hẹn rằng chỉ cần một mình họ thôi là có thể sửa chữa được các vấn đề của xã hội và phục hồi lại “quá khứ huy hoàng” – thường thể hiện sự thiếu hiểu biết rộng rãi về tính chất và hậu quả của cai trị dựa trên dân túy. Thực tế, lịch sử đã chẳng đối xử tốt với những kẻ cai trị như vậy. Giống như các nhà lãnh đạo hiện nay, họ cũng lên nắm quyền nhờ vào làn sóng giận dữ công khai chống lại những gì bị xem là thất bại của nền dân chủ – những thất bại mà họ không hề có ý định sửa chữa. Thay vào đó, trong nhiệm kỳ của mình, họ lại thường xuyên theo đuổi một chương trình nghị sự hoàn toàn khác, và đó thường là một chương trình nghị sự sẽ khiến cho mọi việc còn tồi tệ hơn nhiều.
Minh chứng rõ ràng nhất là Venezuela, nơi mà cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay xuất phát từ sự cai trị tai hại dựa trên chủ nghĩa dân túy dưới thời Hugo Chávez. Người dân yêu thích các chương trình phúc lợi xã hội của Chávez mà chẳng để tâm rằng chúng đều dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ và nợ nước ngoài. Chừng nào còn phúc lợi thì Chávez còn cứ thoải mái quốc hữu hóa các ngành công nghiệp, làm cản trở cạnh tranh tư nhân. Thế nên cũng không mấy ngạc nhiên khi tiến trình đa dạng hóa kinh tế bị đình trệ, và đến thời điểm mà giá dầu mỏ lao dốc thì nền kinh tế cũng vậy.
Điều này nhấn mạnh một lý do quan trọng, giải thích tại sao những lãnh đạo độc tài hầu như luôn đưa đất nước họ rơi vào thảm họa. Sau khi giành chiến thắng trong bầu cử, nắm trong tay quyền quyết định và điều hành, các nhà lãnh đạo kiểu này sẽ có đủ thẩm quyền để đưa ra những quyết định nhanh chóng và chỉ thấy được kết quả ngắn hạn – qua đó duy trì sự ủng hộ của cử tri trong khi họ lại giành được nhiều thẩm quyền hơn.
Nhưng sự quyết đoán này đi kèm với một cái giá rất đắt. Khi không ai giám sát hành vi của họ, các nhà độc tài này hiếm khi cân nhắc tới những rủi ro dài hạn. Cuối cùng thì, sự thịnh vượng mà họ hứa hẹn chẳng bao giờ xuất hiện, hoặc xuất hiện rất ngắn. Thay vào đó, nền kinh tế thường kết thúc trong đống đổ nát.
Và đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Cử tri từ bỏ tự do của mình vì lời hứa thịnh vượng, mà ví dụ chính là hình ảnh nước Nga dưới thời Putin. Ông ta hứa hẹn mang lại ổn định và trật tự, nhưng đồng thời lại củng cố quyền lực của mình bằng cách tiêu diệt các đối thủ chính trị, những người ủng hộ tự do lẫn những tay đầu sỏ chính trị. Sau đó, Putin bắt đầu tìm cách để phá hủy các tổ chức dân chủ mong manh của Nga, bóp nghẹt truyền thông, và cắt bớt các quyền tự do dân sự, bao gồm cả quyền tự do hội họp. Trong vòng chưa đầy một thập niên, ông ta đã dựng lên một chế độ độc tài cá nhân từ đống tàn tích của một nền dân chủ vẫn còn chưa hoàn thiện. Và, cũng như trường hợp Venezuela, sự vắng mặt của hiện đại hóa và đa dạng hóa kinh tế đã gắn liền số phận của nền kinh tế Nga vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Khả năng tự do chỉ trích chính phủ là sự khác biệt cốt lõi giữa dân chủ và độc tài. Thế thì làm sao chúng ta có thể tin rằng một nhà lãnh đạo đang siết chặt quyền tự do ngôn luận của người dân lại có thể giữ được một nền dân chủ đang suy yếu? Thực tế, sự kết hợp của tự do ngôn luận và bầu cử cạnh tranh là chìa khóa để cải thiện nền dân chủ, bởi vì chúng cho phép những thất bại mang tính hệ thống – chứ chưa nói những sai lầm của các nhà lãnh đạo – phải chịu sự giám sát của người dân.
Chính phủ chuyên quyền của Trung Quốc nổi tiếng về chuyện lảng tránh sự giám sát ấy bằng cách ngăn chặn dòng chảy thông tin. Bằng việc kiểm duyệt gắt gao mạng Internet – từ chặn các bài viết mang tính nhạy cảm về chính trị trên Wikipedia cho tới việc lọc một số từ khóa nhất định ra khỏi hệ thống tìm kiếm trực tuyến – tất cả đã tạo nên cái gọi là Vạn lý Hỏa thành (Great Firewall) của Trung Quốc. Bức “hỏa thành” này cùng với kiểm duyệt báo chí đã cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc che giấu thất bại và làm nổi bật những thành tựu vẫn còn rất mơ hồ của họ.
Putin cũng hành xử tương tự, sử dụng báo chí để nhấn mạnh rằng việc Nga sáp nhập Crimea đã nhắc nhở các đối thủ phương Tây về sự “vĩ đại” của nước này. Orbán và Erdoğan dường như cũng đang đi theo con đường đó.
Hơn thế nữa, giống như Trung Quốc, Nga cũng xem trọng những sự kiện xa hoa lãng phí như Thế vận hội Olympic, để nhằm nỗ lực giới thiệu vẻ tráng lệ của đất nước, cũng như hình ảnh giới lãnh đạo mang lại lợi ích cho đất nước. Hình ảnh những sự kiện như vậy luôn tràn ngập phương tiện truyền thông, nơi vốn dĩ nên được dùng để thảo luận về vấn đề quản trị nghiêm trọng của đất nước.
Nếu những điều trên đây vẫn chưa đủ để thuyết phục cử tri về mối nguy hiểm gây ra bởi những kẻ chuyên quyền dân túy, vậy thì hãy xem xét cả những tổn thất về nhân mạng dưới sự cai trị của họ. Chẳng hạn, hàng chục nhà báo đã bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính, và gia đình của rất nhiều đối thủ của Putin cũng đã chết – những chi tiết này đem lại cái nhìn sâu sắc hơn về cái giá phải trả khi thường xuyên sống trong sự sợ hãi chính quyền.
Sự phổ biến ngày càng tăng của những chính trị gia độc tài ở nhiều nước trên thế giới có thể có hoặc không phải là điềm báo về buổi bình minh của một kỷ nguyên độc tài mới. Những nhà độc tài thường có xu hướng tự hủy hoại mình, bởi những sai lầm nghiêm trọng sẽ cản trở những tham vọng lớn lao của họ. Nhưng thật không may, họ có xu hướng để lại một nền dân chủ bị phá hủy nghiêm trọng và một nền kinh tế đổ nát.
Cuối cùng thì, cách phòng tránh tốt nhất để không xảy ra những kết quả như vậy là phải ngăn chặn những kẻ chuyên quyền dân túy ngay từ giai đoạn bầu cử. Các quốc gia đã bầu lên những lãnh đạo kiểu này phải trở thành lời cảnh báo cho những nước khác khỏi mắc phải sai lầm tương tự.
Minxin Pei là Giáo sư về Quản trị Chính quyền tại Trường Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại German Marshall Fund of the U.S.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Siren Song of “Strongmania”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]