Lịch sử đằng sau những bất cập của chỉ số GDP

gdp

Nguồn: Philipp Lepenies, “Why GDP?”, Project Syndicate, 16/08/2016

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tổng sản phẩm trong nước (Gross Domestic Product – GDP) là thước đo quyền lực nhất trong lịch sử. Bộ Thương mại Mỹ gọi đó là “một trong những phát minh vĩ đại của thế kỷ 20.” Nhưng sự hữu ích và bền vững của nó phản ánh các thực tế chính trị, chứ không phải những cân nhắc về mặt kinh tế.

Đa số chúng ta hiểu GDP là thước đo sản lượng kinh tế của một quốc gia, được thể hiện bằng một giá trị tiền tệ duy nhất. Nhưng không chỉ có vậy. GDP, và tốc độ tăng trưởng của nó, là chỉ số phổ quát về sự phát triển, an sinh, và sức mạnh địa chính trị. Tăng trưởng GDP dương là mục tiêu của mọi chính phủ.

Tuy nhiên GDP có những nhược điểm đã được kiểm chứng. Ví dụ, tăng trưởng GDP ngắn hạn là kết quả của những hoạt động sản xuất gây ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường, nhưng không thể hiện những công việc nội trợ và chăm sóc trẻ em không được trả lương, và các hoạt động tạo giá trị rõ rệt khác mà nó hầu như không tính tới (nếu có).

Về cơ bản, GDP là một khái niệm về vật chất: sản lượng cao hơn là đòi hỏi duy nhất; càng có nhiều hàng hóa được sản xuất và các dịch vụ được tạo ra thì càng tốt. Liệu có bất cứ điều gì trong chỉ số này thực sự khiến cho cuộc sống con người khá hơn hay không là một vấn đề hoàn toàn khác.

Việc bất mãn với sự thiển cận của GDP đã khiến các nhà hoạch định chính sách trong những năm gần đây nghiên cứu các chỉ số tổng hợp thay thế, định hướng nhiều hơn đến con người. Tuy nhiên, nếu xét lịch sử của GDP, việc từ bỏ chỉ số này chứng tỏ ra khó khăn. Trên thực tế, các chỉ số được sử dụng trước khi GDP ra đời thực sự được định hướng đến con người, và hiểu được tại sao điều này đã bị thay đổi có thể làm sáng tỏ sự thống trị vẫn đang tiếp diễn của GDP.

Nếu xét việc GDP ngày nay dường như là chỉ số không thể thiếu, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đến tận những năm 1930, việc đo lường thống kê tổng hợp nền kinh tế của chính phủ các quốc gia chỉ dựa trên ước tính thuế. Tất cả đã thay đổi vào ngày 29 tháng 10 năm 1929 – ngày “Thứ ba Đen tối”.

Khi cuộc Đại suy thoái ập đến, các chính phủ nhận ra rằng đơn giản là họ chẳng có thông tin gì về những điều đang xảy ra với con người. Năm 1931, khi Quốc hội Mỹ tổ chức phiên điều trần về thực trạng của nền kinh tế, các nội dung điều trần họ nhận được từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các ngành công nghiệp đều vô ích.

Quốc hội nhận ra sự cần thiết của một bức tranh thống kê tổng hợp cho nền kinh tế, nhưng chưa biết cách tạo ra điều đó. Họ tìm đến Simon Kuznets- một nhà kinh tế Mỹ gốc Liên Xô, người sau đó đã đoạt giải Nobel. Ông được yêu cầu xác định và tính toán cái mà sau này được gọi là “thu nhập quốc dân” (national income).

Thu nhập quốc dân không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới – các nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia đã thực hiện các ước tính khác nhau một cách độc lập – nhưng đây là lần đầu tiên các nhà hoạch định chính sách thấy việc sử dụng nó là thích hợp. Như cụm từ cho thấy, chỉ số này chú trọng vào thu nhập: số tiền khả dụng của người dân vào cuối ngày. Các phát hiện của Kuznets đã gây sốc: Người Mỹ chỉ sở hữu một nửa số tiền họ kiếm được ở thời điểm trước cuộc khủng hoảng. Đối với chính quyền Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, việc nâng cao thu nhập quốc dân và đảm bảo người dân kiếm được nhiều hơn đã trở thành ưu tiên hàng đầu.

Nhưng khi Mỹ tham gia vào Thế chiến II, sự tập trung ưu tiên đã thay đổi. Bên cạnh các nhu cầu sản xuất vật chất cho chiến tranh, việc người ta mang bao nhiêu tiền về nhà không còn là một vấn đề cấp bách nữa. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đã chủ động thay đổi thu nhập quốc dân thành Tổng sản phẩm quốc dân (Gross National Product – GNP), một chỉ số đơn thuần thể hiện tổng giá trị bằng tiền của các hàng hoá được sản xuất. Thu nhập quốc dân và GNP là giống hệt nhau về mặt con số – theo định nghĩa, tổng thu nhập tạo ra là tương đương với giá trị của hàng hóa được sản xuất. Sự khác biệt quan trọng là GNP không xem xét đến việc thu nhập được phân phối như thế nào.

Kuznets đã lập luận chống lại thay đổi cơ bản này dựa trên góc nhìn dài hạn, và ông hối thúc các chính phủ quay trở lại tập trung vào thu nhập và sự phân phối thu nhập. Trong thời chiến, có thể là hợp lý khi tập trung vào việc sản xuất các hàng hóa cần thiết để giành chiến thắng. Nhưng trong thời bình, ông chỉ ra rằng, sản xuất hàng hóa chỉ là một phương tiện để hướng tới một mục đích cao hơn: thu nhập được tạo ra và cho người dân mang về nhà sử dụng.

Kuznets đã bị phớt lờ. Ngay sau chiến tranh, chính phủ Mỹ đã phải đối mặt với một loạt những thách thức mới – tái hòa nhập cho các quân nhân trở về từ chiến tranh, đối phó với nguy cơ đang gia tăng từ Liên Xô, và tái thiết một châu Âu đã bị tàn phá – những điều này được ưu tiên hơn thu nhập cá nhân.

Trong khi đó, các chính trị gia đã thấy được rằng sản xuất trong thời chiến đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng GNP và đã quyết định duy trì sự gia tăng chỉ số kinh tế đó bằng bất cứ giá nào. Kể từ sau Thế chiến II, tăng trưởng GNP (được thay đổi một chút trong những năm 1990 để trở thành GDP) đã được xem như là giải pháp cho hầu hết mọi vấn đề.

Loại hình tăng trưởng này đã trở thành một mục tiêu phổ quát cho những nhà cầm quyền bởi vì bằng cách tập trung vào không ngừng gia tăng sản lượng, người ta sẽ tránh được những vấn đề chính trị. Như John Kenneth Galbraith đã chỉ ra trong cuốn sách The Affluent Society (Tạm dịch: Xã hội Thịnh vượng) năm 1958, “… sự bất bình đẳng đã không còn ám ảnh tâm trí con người.” Việc mở rộng chiếc bánh, theo hướng suy nghĩ này, có nghĩa là tất cả mọi người sẽ được một phần lớn hơn.

Lịch sử trên đã giải thích tại sao GDP vẫn là biện pháp đo lường chủ đạo của mọi nền kinh tế quốc gia, và điều này đặt ra một thách thức cho những ai tin rằng có tồn tại một giải pháp thay thế. Bất kỳ một chỉ số thay thế nào, và bất kỳ chiến lược đo lường nào khác ngoài sự gia tăng trong sản xuất, sẽ đòi hỏi các chính trị gia giải quyết những câu hỏi hóc búa về lợi ích công cộng – và do đó có nguy cơ làm mất lòng các cử tri của mình.

Chúng ta muốn sống trong hình thái xã hội nào? Liệu tiền công và thu nhập có nên được phân phối công bằng hơn không, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một vấn đề sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người trong khi chỉ một thiểu số nhỏ người góp phần lớn gây ra tình trạng (biến đổi khí hậu) ấy?

Sự hữu ích về mặt chính trị của GDP, và câu chuyện rằng chiếc bánh to hơn là tốt hơn cho tất cả mọi người, sẽ không dễ để vượt qua – ngay cả khi đã được chứng minh là sai. Cho đến lúc đó, người ta sẽ luôn chú trọng sản phẩm hơn là con người.

Philipp Lepenies là giáo sư thỉnh giảng bộ môn khoa học chính trị tại Đại học Free University of Berlin.

Tính dễ bị tổn thương và sự lỗi thời của chỉ số GDP

Copyright: Project Syndicate 2016 – Why GDP?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]