Hòa bình và tái thiết: Triển vọng ảm đạm của Syria

syria-conflict

Nguồn: Javier Solana, “Syria’s Darkest Hour”, Project Syndicate, 19/10/2016.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cuộc xung đột tại Syria trở nên phức tạp hơn mỗi ngày khi nó vẫn tiếp diễn, và những triển vọng của nước này trở nên ngày càng xấu hơn. Những điều kinh hoàng thường ngày mà người dân bị bao vây của Aleppo hiện đang trải qua đã lên tới một mức mới sau sự đổ vỡ của thỏa thuận ngừng bắn mới nhất do Hoa Kỳ và Nga làm trung gian đúng vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới được triệu tập cho khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Khi cuộc xung đột Syria cuối cùng khép lại, ba đặc điểm căn bản của nó sẽ làm cho những nỗ lực tái thiết trở nên phức tạp. Trước hết, các bên ở tất cả phe của cuộc chiến đã bất chấp luật nhân quyền quốc tế và vi phạm các chuẩn mực nhân đạo cơ bản. Trong thực tế, việc ngăn chặn viện trợ nhân đạo, tấn công dân thường, và nhắm mục tiêu vào các địa điểm được bảo vệ đặc biệt bởi luật pháp quốc tế đã trở thành các chiến lược chiến tranh của họ.

Kể từ tháng Tư, các bệnh viện tại Syria đã chịu hàng chục cuộc tấn công, và viện trợ đã bị ngăn cản không được tiếp cận những làng bị tàn phá nhất. Nhiều bệnh viện ở Aleppo đã phải đóng cửa sau khi bị nhắm mục tiêu trong thời gian này.

Những hành động này có thể cấu thành tội ác chiến tranh và thật đáng buồn, chúng không hề mới. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các cơ sở y tế tại Syria của tổ chức Bác sĩ không biên giới đã gánh chịu 94 cuộc tấn công, khiến 23 nhân viên của tổ chức thiệt mạng và 58 người khác bị thương. Hồi tháng Năm vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Syria tôn trọng luật nhân đạo quốc tế; còn hiện nay, các thành viên Hội đồng Bảo an đang cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm nghị quyết của chính họ.

Động lực thứ hai có thể làm thất bại mọi nỗ lực hòa bình là tấm bản đồ phức tạp của các bên trong cuộc xung đột, tất cả trong số đó đều sẽ phải có phần trong một hiệp ước chính thức. Trong khi tấm bản đồ này đã thay đổi đáng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, mức độ chia rẽ trong các nhóm ở hai bên ngày càng trở nên rõ nét trong thời gian gần đây. Hiện nay, sau khi nhóm thánh chiến Jabhat al-Nusra đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham và được cho là cắt đứt liên hệ với al-Qaeda, nhóm này đã có một vị thế tốt hơn để có thể liên minh với các phe nổi dậy khác vốn cũng đã cự tuyệt al-Qaeda.

Nhưng trong khi sự tái lập quan hệ này tăng cường sức mạnh cho các nhóm chiến đấu về mặt quân sự, nó cũng làm mờ đi ranh giới giữa phiến quân và những kẻ Hồi giáo cực đoan. Điều này đã xảy ra khi các nhóm phiến quân không liên kết chặt chẽ với al-Nusra đã trở nên yếu hơn, cho phép chính phủ Syria khẳng định rằng họ đang không đàn áp một cuộc nổi loạn, mà đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố. Do đó, tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem gần đây cáo buộc liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Syria đã tiếp tay cho các tổ chức khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo.

Vài tháng trước, các cuộc thảo luận về tiến trình hòa bình đã tập trung vào câu hỏi liệu ông Assad nên ra đi ngay lập tức, hoặc vẫn ở lại trong một chính phủ quá độ; còn hiện nay, câu hỏi là liệu Mặt trận al-Nusra trước đây có phải là một đối tác khả thi.

Nhưng phe ủng hộ ông Assad cũng bị chia rẽ. Ngoài quân đội Nga, các nhóm binh lính người Syria, Iraq, Iran và Afghanistan cũng đang chiến đấu cho chế độ của Assad, và mỗi bên trong đó có lợi ích riêng của nó.

Một số lợi ích của các bên trong cuộc chiến này được nhiều người biết đến: Assad muốn duy trì quyền lực; Nga muốn chứng minh địa vị của nước này như một cường quốc có khả năng chống lại Mỹ; và Iran muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và giành quyền tiếp cận Địa Trung Hải. Khi cuộc chiến kết thúc, những lập trường này sẽ chỉ trở nên khó thay đổi hơn.

Trở ngại thứ ba trên con đường tiến tới hòa bình Syria là sự bế tắc của Mỹ – Nga. Sau nhiều lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, rõ ràng hai nước đang thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Và như Dmitri Trenin của Trung tâm Carnegie ở Moskva đã chỉ ra, sự thất bại mới nhất (của lệnh ngừng bắn) có thể gây hậu quả đáng lo ngại hơn cả những bế tắc ngoại giao trong quá khứ.

Cho đến nay, Mỹ và Nga đã không chỉ chấm dứt các cuộc đàm phán song phương; mà các thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước cũng đã bị đe dọa. Sau khi Mỹ cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Syria, Nga tuyên bố nước này đang đình chỉ một thỏa thuận nhằm loại bỏ plutonium dư thừa trừ phi Mỹ đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm cả việc đền bù cho Nga các tổn thất từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea tháng 3/2014.

Về phần mình, Mỹ hiện đang ở trong tình trạng không chắc chắn khi các phe nổi dậy đã tái tập hợp và sự hợp tác trực tiếp với Nga đang ngưng trệ. Tổng thống Barack Obama chỉ còn một thời gian tại vị ngắn trong Nhà Trắng, điều khiến cho bất kỳ sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn nào dưới chính quyền của ông gần như là không thể. Chiến sự tại Aleppo diễn ra ác liệt, và tương tự như vậy, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ để quyết định người kế nhiệm ông cũng diễn ra quyết liệt không kém.

Sau hơn năm năm xung đột ở Syria, việc rút quân mà không tìm ra một giải pháp nào không phải là một lựa chọn tốt. Mặc dù tấm bản đồ mới của các bên làm cho mọi thứ trở nên phức tạp, chắc chắn rằng tất cả họ phải tham gia vào một thỏa thuận hòa bình; nếu không, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ chỉ là phù du. Tương tự như vậy, để xây dựng lại được xã hội dân sự Syria trong dài hạn, tất cả các bên tham chiến sẽ phải chịu trách nhiệm cho tội ác của họ.

Vấn đề trách nhiệm sẽ là một trong những thách thức khó khăn nhất trong nỗ lực để đạt được hòa bình lâu dài. Chúng ta sẽ cần các nhà lãnh đạo tận tâm cả ở bên trong và bên ngoài Syria. Mặc dù cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ có những tác động quan trọng, nhưng điều rõ ràng là hòa bình không thể do riêng Mỹ và Nga mang lại.

Các nhà lãnh đạo châu Âu nên can thiệp để khởi động lại các cuộc đàm phán. Liên minh châu Âu đã sai lầm khi ngồi bên lề các cuộc đàm phán quá lâu, bất chấp tầm quan trọng của Syria đối với an ninh và lợi ích riêng của khối, và bất chấp trách nhiệm của khối đối với công dân của Syria. EU nên tiến hành mọi nỗ lực ngoại giao và nhân đạo để tập hợp tất cả các bên tham gia và chấm dứt bạo lực càng sớm càng tốt. Chỉ có như vậy công cuộc tái thiết của Syria mới có thể bắt đầu.

Javier Solana nguyên là Cao ủy của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh, Tổng thư ký NATO, và nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Syria’s Darkest Hour
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]