27/11/1957: Nehru kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân

Print Friendly, PDF & Email

27

Nguồn: Nehru appeals for disarmament, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1957, tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập, sinh ra ở Allahabad, Ấn Độ, vào năm 1889. Ông được đào tạo tại Anh và tới năm 1912 thì trở về Ấn Độ để trở thành một luật sư. Sau Thảm sát Amritsar năm 1919, trong đó 379 người biểu tình không vũ trang đã bị quân Anh bắn hạ, Nehru quyết định cống hiến hết mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ. Ông có mối liên hệ chặt chẽ với Đảng Quốc đại và còn là bạn của nhà lãnh đạo phong trào độc lập Mohandas Gandhi, cấp trên của ông trong hơn 20 năm. Năm 1921, chính quyền Anh lần đầu tiên bắt giam Nehru vì các hoạt động chính trị của ông. Trong suốt 24 năm tiếp theo, ông đã vào tù thêm tám lần vì bất tuân dân sự. Tổng cộng ông đã có 9 năm bị giam sau song sắt.

Năm 1929, Gandhi giúp Nehru trở thành lãnh đạo Đảng Quốc đại, và Nehru sớm nổi lên như là người thừa kế chính trị của Gandhi. Trong năm 1942, Gandhi và Nehru đã phát động Phong trào Từ bỏ Ấn Độ (Quit India campaign), tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ không hỗ trợ thời chiến cho Anh, trừ phi nền độc lập của Ấn Độ ngay lập tức được công nhận. Phía Anh đáp lại bằng cách bỏ tù họ và nhiều nhà lãnh đạo Ấn Độ khác từ năm 1942 cho đến sau thất bại của Đức vào năm 1945. Sau chiến tranh, Nehru đã tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến việc phân chia Tiểu lục địa Ấn Độ thành hai quốc gia độc lập là Ấn Độ và Pakistan.

Năm 1947, Nehru trở thành Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập. Sau này, ông tái đắc cử tới ba lần. Nehru là một nhà lãnh đạo vô cùng nổi tiếng. Ông đã khéo léo đưa Ấn Độ vượt qua những năm độc lập đầu tiên đầy khó khăn, với nhiều trận chiến đẫm máu giữa người Hindu và người Hồi giáo. Trong đối ngoại, ông chủ trương Ấn Độ sẽ Không Liên kết trong thế giới phân cực thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và bất bạo động để giải quyết xung đột của nước mình với các nước khác. Ngày 27/11/1957, ông kêu gọi Mỹ và Liên Xô chấm dứt các thử nghiệm hạt nhân và bắt đầu giải trừ quân bị. Theo ông, những hành động này sẽ “cứu nhân loại khỏi thảm họa cuối cùng.” Thời gian nắm quyền dài 17 năm của Nehru đã kết thúc khi ông qua đời vào năm 1964.

Xem thêm:

Di sản bạo lực của cuộc chia cắt Ấn Độ – Pakistan

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]