Nguồn: Pakistani politician Benazir Bhutto assassinated, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 2007, bà Benazir Bhutto, cựu Thủ tướng Pakistan, đồng thời là nữ lãnh đạo dân cử đầu tiên tại một quốc gia Hồi giáo, đã bị ám sát ở tuổi 54 tại thành phố Rawalpindi, Pakistan. Là một nhân vật hay gây chia rẽ ở cả trong và ngoài nước, bà Bhutto đã dành 30 năm đấu tranh để tồn tại trong chính trường hỗn độn của Pakistan. Đối với nhiều người ủng hộ bà, Bhutto là hy vọng lớn nhất về một nhà lãnh đạo dân chủ và bình đẳng trong một quốc gia đã bị chia rẽ bởi tham nhũng chính trị và Hồi giáo cực đoan.
Sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có vào năm 1953, Bhutto đã lớn lên trong thế giới của giới tinh hoa chính trị Pakistan. Bà đã tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Oxford. Năm 1967, Zulfikar Ali Bhutto, cha của Benazir Bhutto, trở thành người sáng lập một đảng dân túy – Đảng Nhân dân Pakistan (Pakistan Peoples Party, PPP). Ông cũng từng giữ chức Tổng thống và Thủ tướng trong giai đoạn 1971-1977, trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu của Tướng Mohammad Zia ul- Haq và bị buộc tội ra lệnh giết các đối thủ chính trị của mình.
Phải chứng kiến cha mình bị lật đổ và sau đó là bị hành quyết vào tháng 04/1979 khiến cô gái trẻ Benazir Bhutto đi vào con đường chính trị. Bà và mẹ, Nusrat, Chủ tịch Đảng PPP (nắm quyền cho tới khi con gái lên thay vào năm 1982), đã nhiều lần phải vào trại giam vì dám phản đối vụ bắt giữ Zulfikar và vận động chống lại Zia.
Tháng 08/1988, Zia chết trong một tai nạn máy bay; ba tháng sau đó, Bhutto thắng trong tổng tuyển cử và thành lập chính phủ mới. Bà là người phụ nữ đầu tiên – đồng thời là người trẻ nhất (35 tuổi) – đứng đầu một nhà nước Hồi giáo trong thời hiện đại. Sau khi bị bãi nhiệm vào năm 1990, khi chưa hết một nửa nhiệm kỳ Thủ tướng, bà tái đắc cử thêm hai lần nữa, vào năm 1993 và 1996. Bhutto đã bị bãi nhiệm cả hai lần – bởi Tổng thống Ghulam Ishaq Khan vào năm 1990 và Tổng thống Farooq Leghari vào năm 1996 – vì các cáo buộc tham nhũng và không đủ năng lực quản trị.
Sau lần thứ hai bị bãi nhiệm, Bhutto và chồng bà, ông Asif Ali Zardari, đã phải đối mặt với những cáo buộc khác nhau về tài chính, bao gồm cả việc nhận hối lộ hàng triệu USD và rửa tiền thông qua các ngân hàng Thụy Sĩ. Zardari phải ở tù tám năm, còn Bhutto thì sống lưu vong ở London và Dubai cùng ba người con. Năm 2007, dưới áp lực từ những người ủng hộ Bhutto trong chính phủ Mỹ, Tổng thống Pervez Musharraf đã ân xá cho bà và nhiều chính trị gia Pakistan khác. Vào ngày 18/10 cùng năm, bất chấp một loạt các đe dọa ám sát từ các chiến binh Hồi giáo, Bhutto vẫn trở về Pakistan với kế hoạch tham gia vào cuộc tổng tuyển cử năm 2008. Trong ngày bà đến Pakistan, Bhutto may mắn thoát chết trong một vụ đánh bom liều chết nhằm vào đoàn xe của bà. Vụ đánh bom này đã giết chết ít nhất 136 người và làm bị thương hơn 450 người.
Vào ngày 27/12/2007, khi Bhutto đang vẫy tay chào đám đông tại một cuộc biểu tình của PPP ở Rawalpindi, một tay súng đã bắn vào chiếc xe chống đạn của bà. Sau đó, một quả bom đã phát nổ gần chiếc xe, giết chết hơn 20 người và làm bị thương 100 người khác, bao gồm cả Bhutto. Bà được tuyên bố là đã chết trong đêm đó và được chôn cất vào ngày hôm sau tại Gardi Khuda Bakhsh, quê của bà, bên cạnh mộ của cha bà.
Nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của Bhutto vẫn còn chưa rõ ràng: Một cuộc điều tra của Cảnh sát Anh tuyên bố rằng bà Bhutto chết do chấn thương vùng đầu gây ra bởi lực từ vụ nổ, trong khi PPP cho rằng bà chết vì những vết thương do súng bắn.
Cái chết của Bhutto đã gây ra bạo lực lan rộng trên khắp Pakistan, với nhiều cuộc bạo động và biểu tình dẫn đến đàn áp của cảnh sát chống bạo động. Bất ổn chính trị đã khiến cả thế giới lo sợ về những nguy cơ có thể xảy ra ở Pakistan, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và vốn dĩ đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến chống lại những kẻ Hồi giáo cực đoan. Trong nhiều tuần và nhiều tháng sau cái chết của Bhutto, những người chủ trương ôn hòa ở Pakistan và các nhà lãnh đạo phương Tây đã hồi hộp chờ đợi để xem ai sẽ là người kế nhiệm bà. Zardari, người trở thành lãnh đạo của PPP sau vụ ám sát vợ mình, đã được bầu làm Tổng thống Pakistan vào tháng 09/2008.
Một tháng sau khi Bhutto bị ám sát, Cục Tình báo Trung ương Mỹ và các quan chức Pakistan đã tuyên bố rằng Baitullah Mehsud, một chiến binh Pakistan có liên hệ với al-Qaeda, là người đứng đằng sau vụ ám sát. Mehsud phủ nhận cáo buộc này. Tháng 08/2009, ông ta chết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.