Nguồn: Marines invade Iwo Jima, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1945, Thủy quân Lục chiến Mỹ đã bắt đầu thực hiện Chiến dịch Detachment (Operation Detachment) nhằm chiếm Iwo Jima – một hòn đảo cằn cỗi ở Thái Bình Dương mà bấy giờ đang do pháo binh Nhật Bản chiếm đóng. Đối với người Mỹ, hòn đảo là vị trí chiến lược để xây dựng sân bay phục vụ việc ném bom Nhật Bản, vốn chỉ cách đó có 660 dặm.
Từ tháng 02/1944, lính Mỹ đã bắt đầu gây áp lực lên hệ thống phòng vệ của Nhật tại Iwo Jima, bằng cách cho các máy bay ném bom B-24 và B-25 không kích hòn đảo trong suốt 74 ngày. Xét trong cả cuộc chiến thì đây là đợt ném bom dài nhất trước khi xâm lược, nhưng nó là cần thiết vì người Nhật đã tăng cường bảo vệ hòn đảo, cả ở trên bộ lẫn ngầm dưới mặt đất, với một mạng lưới các hầm ngầm. Trước khi thực sự đổ bộ, phía Mỹ đã triển khai một nhóm lính đặc công nước (lực lượng người nhái.) Khi quân Nhật bắn vào đội người nhái này, họ cũng làm lộ nhiều vị trí vũ khí “bí mật” của mình.
Cuộc đổ bộ của lính thủy quân lục chiến bắt đầu vào sáng ngày 19/02 – khi Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, James Forrestal, cùng một nhóm nhà báo quan sát hiện trường từ một tàu chỉ huy ngoài khơi. Khi quân Mỹ đặt chân lên đảo, bảy tiểu đoàn lính Nhật đã nổ súng vào họ. Cho đến tối cùng ngày, có hơn 550 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 1.800 người khác bị thương.
Quân Mỹ đã mất thêm bốn ngày nữa mới chiếm được Núi Suribachi, điểm cao nhất của hòn đảo, đồng thời là pháo đài của quân Nhật. Tất nhiên là người Mỹ cũng phải chịu thêm nhiều thương vong. Cuối cùng, lá cờ Mỹ cũng xuất hiện trên Iwo Jima, và bức ảnh chụp lại khoảnh khắc này sau đó đã đoạt giải Pulitzer.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]