Nguồn: Molotov is born, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1890, Vlacheslav Mikhaylovich Skryabin, Ngoại trưởng Liên Xô, người có bí danh cách mạng là Molotov, đã được sinh ra tại Kurkaka, Nga.
Molotov là người ủng hộ nhiệt thành các cuộc cách mạng Mác-xít ở Nga từ những ngày đầu tiên. Ông là một thành viên của Đảng Bolshevik vào năm 1906, từng bị bắt giữ hai lần vào năm 1909 và 1915 vì các hoạt động chính trị nhằm lật đổ Nga hoàng. Năm 1921, sau khi đảo chính thành công, Vladimir Lenin lên nắm quyền và chế độ Nga hoàng sụp đổ, Molotov lên làm thư ký Ủy ban Trung ương của chính quyền cách mạng. Sau khi Lenin qua đời năm 1924, Molotov đã giúp đưa Joseph Stalin lên thay thế. Khi Stalin đã nắm quyền, Molotov cũng trở thành ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách của Liên Xô.
Năm 1930, Molotov trở thành Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ (Council of People’s Commissars), một vị trí gần tương đương với Thủ tướng. Trước Thế chiến II, ông còn là Ủy viên phụ trách Các vấn đề nước ngoài – hay nói cách khác là Ngoại trưởng Liên Xô. Chính trên cương vị này, vào tháng 08/1939, ông đã đàm phán Hiệp ước Bất tương xâm Molotov-Ribbentrop khét tiếng với Đức quốc xã, trong đó một Liên Xô chống phát xít và một Đức chống chủ nghĩa Mác đã đồng ý tôn trọng khu vực ảnh hưởng của nhau (một thỏa thuận khiến cả thế giới tức giận và choáng váng, nhưng nó cũng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.)
Khi Đức xâm lược Liên Xô, Molotov đã trở thành một thành viên của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, một kiểu hội đồng thời chiến. Ông đã tiến hành đàm phán liên minh với Mỹ và Anh nhằm xây dựng một “mặt trận thứ hai” để đẩy quân Đức về phương Tây, tránh xa Liên Xô. Molotov nổi danh là người ủng hộ mạnh mẽ và không ngừng cho lợi ích của Liên Xô (mà Roosevelt đặt biệt danh là Stone Ass), và cũng chẳng buồn che giấu sự khinh thường nền dân chủ phương Tây, ngay cả khi ông ta rất cần và phải phụ thuộc vào nó.
Sau chiến tranh, Molotov rời Bộ Ngoại giao, nhưng đã trở lại khi Nikita Krushchev lên nắm quyền. Bất đồng với Krushchev khiến ông bị sa thải khỏi vị trí Ngoại trưởng, và việc “chống Đảng”, hay nói đúng hơn là chống Krushchev, khiến ông bị loại khỏi chính phủ và bị lên án như là “tay sai của Stalin.” Sau đó ông được luân chuyển đến nhiều vị trí cấp thấp khác, gồm cả Đại sứ Ngoại Mông.
Molotov nghỉ hưu vào năm 1962 và qua đời vào năm 1986. Dù đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ, nhưng người ta nhớ tới ông lại vì một lý do khác: Trong thời chiến, Molotov ủng hộ việc ném các chai chứa chất lỏng dễ cháy (được mồi bằng nùi giẻ) vào kẻ thù, và cũng từ đó món “cocktail Molotov” (một loại bom) nổi tiếng đã ra đời.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]