Giải mã cuộc khủng hoảng của kinh tế học

Nguồn: Paola Subacci, “Economic Crises and the Crisis of Economics”, Project Syndicate, 13/01/2017.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Có thật là ngành kinh tế học “đang gặp khủng hoảng”? Nhiều người làm chính sách, như là Andy Haldane, kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh, tin rằng điều đó là sự thật. Thật vậy, một thập niên trước, các nhà kinh tế học đã không dự báo được một cơn bão lớn sắp xảy ra, cho đến khi nó trở thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lớn nhất trong gần 80 năm. Gần đây hơn, họ đã nhận định sai về những ảnh hưởng tức thời mà cuộc trưng cầu Brexit sẽ gây ra cho nền kinh tế Anh.

Dĩ nhiên là những dự báo hậu Brexit không hẳn là sai hoàn toàn, nhưng với điều kiện là chúng ta nhìn vào ảnh hưởng dài hạn của cuộc trưng cầu Brexit. Đúng là một số nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế Anh sẽ sụp đổ trong sự hoảng loạn diễn ra sau kết quả trưng cầu, nhưng các hoạt động kinh tế đã chứng minh rằng nó tương đối vững vàng, với GDP tăng khoảng 2,1% trong năm 2016. Nhưng giờ đây khi Thủ tướng Anh Theresa May ngụ ý rằng bà muốn một Brexit “cứng”, tiên lượng dài hạn ảm đạm dường như là nhận định đúng.

Không may là trách nhiệm của các nhà kinh tế học đối với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc suy thoái sau đó không chỉ nằm ở các sai lầm về dự báo. Nhiều người đã ủng hộ về mặt tri thức cho những sự quá đà đã thúc đẩy suy thoái, cũng như cho các sai lầm về mặt chính sách – đặc biệt là việc nằng nặc đòi duy trì chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng và việc bất chấp khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng – vốn xảy ra sau khủng hoảng.

Một số nhà kinh tế học đã bị lạc lối bởi sự ngạo mạn tri thức: niềm tin rằng họ luôn luôn có thể giải thích được những phức tạp trong thế giới thực. Những người khác thì bị vướng vào những vấn đề về phương pháp luận – “hiểu lầm cái đẹp là sự thật,” như Paul Krugman từng quan sát thấy – hay là đã đặt quá nhiều niềm tin vào lý trí của con người và tính hiệu quả của thị trường.

Mặc cho khát vọng muốn đạt được sự chắc chắn của khoa học tự nhiên, kinh tế học vẫn là, và vẫn sẽ tiếp tục, là một ngành khoa học xã hội. Các nhà kinh tế học đã nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề đã được gắn chặt vào những cấu trúc xã hội và chính trị rộng lớn hơn. Phương pháp luận của họ dựa vào quan sát, và từ đó họ nhận ra những mẫu hình và suy ra các mẫu hình và hành vi khác nhau, nhưng họ sẽ không bao giờ đạt được những thành công về mặt dự đoán như của ngành hóa học hay sinh học chẳng hạn.

Con người phản ứng với thông tin mới theo nhiều cách khác nhau, và theo đó mà chỉnh sửa hành vi của mình. Vì thế, kinh tế học không thể cung cấp – và nó cũng không nên tuyên bố rằng mình có thể cung cấp – những hiểu biết sâu sắc về những xu hướng và mẫu hình tương lai. Các nhà kinh tế học chỉ có thể nhìn thoáng qua vào tương lai bằng cách nhìn ngược lại, vì thế khả năng dự báo của họ bị giới hạn trong việc suy ra những xác suất dựa trên các sự kiện trong quá khứ, chứ không phải những quy luật vượt thời gian.

Và bởi vì kinh tế học là một ngành khoa học xã hội, nó có thể được sử dụng một cách dễ dàng để phục vụ những lợi ích chính trị và kinh doanh. Trong những năm trước khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp cao đến mức mà tất cả mọi người – từ những nhà đầu tư nhỏ đến những ngân hàng lớn nhất- đều bị che mắt bởi bởi viễn cảnh về những khoản lợi nhuận lớn hơn.

Các nhà kinh tế học làm cho các ngân hàng, quỹ phòng hộ, và các doanh nghiệp khác đều phải cung cấp một “quan điểm” về ngắn hạn cho giới chủ và khách hàng, và phân phát “sự uyên thâm” của họ đến công chúng qua những bài phỏng vấn và lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Cùng lúc đó, ngành kinh tế bắt đầu sử dụng các công cụ toán ngày càng phức tạp và các biệt ngữ ngày càng chuyên sâu, điều làm cho khoảng cách giữa các nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội khác ngày càng lớn hơn.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính, khi mà nhiều lợi ích tư nhân và cơ hội lợi nhuận được đưa ra đong đếm, nhiều nhà kinh tế học bảo vệ một mô hình tăng trưởng dựa vào sự “hồ hởi phi lý” (irrational exuberance) hơn là những thông số căn bản vững vàng. Tương tự như thế, khi nhắc đến Brexit, nhiều nhà kinh tế học lầm tưởng ảnh hưởng dài hạn của cuộc trưng cầu dân ý với các ảnh hưởng ngắn hạn, bởi vì họ đã đưa ra dự báo vội vàng để phù hợp với các tranh luận chính trị.

Bởi vì những sai lầm nêu trên và những sai lầm khác nữa, các nhà kinh tế – và ngành kinh tế học – đã bị mất danh tiếng một cách đau đớn. Từng một thời được xem là các phù thủy với những kiến thức đặc thù, các nhà kinh tế học giờ đây là những “chuyên gia” bị xem thường nhất.

Chúng ta sẽ đi đến đâu từ đây? Dù chúng ta phải đánh giá cao sự công nhận thẳng thắn của Haldane, nhưng xin lỗi cho những sai lầm trong quá khứ vẫn không đủ. Các nhà kinh tế học, đặc biệt những ai tham dự vào các tranh luận về chính sách, phải chịu trách nhiệm cho các hành vi chuyên môn của họ. Để đạt được mục đích đó, họ phải buộc mình vào một bộ quy tắc ứng xử.

Hơn tất cả, bộ quy tắc này phải công nhận rằng kinh tế học quá phức tạp để có thể được biến thành những phát ngôn hay là các kết luận gấp gáp. Các nhà kinh tế học nên chú ý hơn về lúc nào và ở đâu họ sẽ nêu quan điểm của mình, và những hệ quả của việc làm như thế. Và họ nên luôn luôn công khai những lợi ích của mình, để những phân tích cho lợi ích riêng không bị hiểu lầm là một quan điểm độc lập.

Hơn thế nữa, các tranh luận về kinh tế sẽ được hưởng lợi từ nhiều tiếng nói hơn. Kinh tế học là một ngành rộng lớn bao gồm các nhà nghiên cứu và những người thực hành với phạm vi công việc bao gồm những quan điểm vĩ mô đến vi mô và các cách tiếp cận lý thuyết lẫn ứng dụng. Giống như bất kỳ môn học tri thức nào, nó cũng tạo ra các kết quả tuyệt vời, tốt, hay chỉ thường thường bậc trung.

Nhưng phần lớn những nghiên cứu trên không được thẩm thấu vào giới hoạch định chính sách hay ra quyết định, như là các bộ tài chính, ngân hàng trung ương, hay là các cơ quan quốc tế. Ở trên thượng tầng, những tranh luận về chính sách kinh tế vẫn bị thống trị bởi một nhóm người da trắng tương đối nhỏ từ các trường đại học Mỹ và các viện nghiên cứu chính sách, hầu hết đều là những người ủng hộ kinh tế học dòng chính.

Những quan điểm của phái này được trình bày một cách áp đảo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua những bài bình luận và phỏng vấn. Nhưng trao đổi ý kiến trong một phạm vi nhỏ và nông như thế dẫn đến một cuộc tranh luận lòng vòng và tự mãn, và nó có thể thôi thúc những nhà kinh tế học ít được biết đến hơn chỉnh sửa lại nghiên cứu của họ để có thể tham gia vào nhóm đó.

Cộng đồng xứng đáng có, và cần phải có, một thị trường ý tưởng, nơi mà những quan điểm chính thống và phi chính thống đều được chú ý tương đương nhau và được thảo luận một cách cân bằng. Chắc chắn là điều này cần sự dũng cảm, trí tưởng tượng và sự năng động – đặc biệt là về phần các phóng viên. Nhưng một cuộc tranh luận về các ý tưởng kinh tế công bằng hơn và đa nguyên hơn có thể sẽ là điều mà chính các nhà kinh tế học cũng cần.

Paola Subacci là Giám đốc nghiên cứu về Kinh tế quốc tế tại Chatham House và là Giáo sư kinh tế tại Đại học Bologna. Bà là tác giả cuốn The People’s Money: How China is Building an International Currency.

Xem thêm: 

Copyright: Project Syndicate 2017 – Economic Crises and the Crisis of Economics
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]

<\/div>","ppAdditionalControls":"