Nguồn: Mikhail Gorbachev picked to succeed Chernenko, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1985, khi quyền lực trong Đảng Cộng sản của ông tăng lên nhanh chóng, Mikhail Gorbachev đã được chọn làm Tổng Bí thư và lãnh đạo mới của Liên Xô, một ngày sau khi Konstantin Chernenko qua đời. Trong vòng sáu năm sau đó, Gorbachev đã tạo nên những thay đổi cấp tiến trong xã hội và chính sách đối ngoại Liên Xô
Gorbachev sinh năm 1931, là con trai của một cặp vợ chồng nông dân nghèo ở Stavropol. Khi còn trẻ, ông gia nhập Đoàn thanh niên Đảng Cộng sản. Năm 1952, ông đến Moskva để theo học chương trình đại học luật. Khi trở về quê hương Stavropol, Gorbachev tích cực tham gia hoạt động đảng và bắt đầu thăng tiến nhanh chóng thông qua bộ máy quan liêu của Đảng Cộng sản.
Một phần thành công của ông là nhờ trí thông minh, động lực, cũng như khả năng nhận biết và khai thác cơ hội; ngoài ra còn là nhờ khả năng biết gắn mình với những người đỡ đầu quan trọng, chẳng hạn như Yuri Andropov — người đứng đầu KGB, lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô. Năm 1971, với sự ủng hộ từ Andropov, Gorbachev được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản.
Trong suốt 15 năm sau đó, Gorbachev đã làm việc chăm chỉ để thúc đẩy sự nghiệp của mình và để hỗ trợ lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev. Khi Brezhnev qua đời vào năm 1982, Andropov lên nắm quyền, vai trò của Gorbachev trong chính phủ mới được mở rộng. Rồi Andropov qua đời vào năm 1984. Người ta đã đinh ninh rằng Gorbachev sẽ là người kế nhiệm Andropov, nhưng vì ông còn khá trẻ, và một số quan chức theo đường lối cũ của Đảng Cộng sản nghi ngờ rằng ông có đầu óc quá cải cách, nên Konstantin Chernenko đã được chọn. Nhưng Gorbachev đã không phải chờ đợi quá lâu để có cơ hội thứ hai. Chernenko qua đời sau chưa đầy một năm nhậm chức. Với cái chết nhanh chóng của Andropov và Chernenko, Gorbachev đã sống lâu hơn các đối thủ cạnh tranh của mình, và ông được chọn để trở thành nhà lãnh đạo mới của Liên bang Xô viết vào ngày 11/03/1985.
Trong sáu năm tiếp theo, Gorbachev đưa Liên Xô vào một cuộc cải cách trong nước và thay đổi chính sách đối ngoại với tốc độ chóng mặt. Ông nới lỏng đàn áp chính trị và thúc đẩy cải cách hệ thống kinh tế đang trên đà sụp đổ. Trên bình diện chính sách đối ngoại, ông cố gắng phát triển quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Năm 1987, ông và Tổng thống Ronald Reagan đã ký Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) nhằm cắt giảm số lượng các tên lửa tầm trung của hai nước ở châu Âu.
Tuy nhiên, tốc độ cải cách có lẽ là đã quá nhanh. Cuối những năm 1980, Liên Xô đã bắt đầu rạn nứt. Các nước vệ tinh Đông Âu bắt đầu tách ra, còn các nước cộng hòa thuộc Liên Xô thì cố gắng giành độc lập. Và nền kinh tế vẫn tiếp tục đi xuống. Tháng 12/1991, Gorbachev từ chức Tổng Bí thư và Liên Xô chính thức sụp đổ.
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]