15/03/44 TCN: Julius Caesar bị ám sát

Nguồn: The ides of March: Julius Caesar is murdered, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 44 TCN, Julius Caesar, “lãnh tụ trọn đời” của Đế quốc La Mã, đã bị các Nguyên lão sát hại ngay trong một cuộc họp ở đại sảnh cạnh Nhà hát Pompey. Âm mưu ám sát Caesar có liên quan tới 60 vị quý tộc, bao gồm cả người mà ông bảo trợ, Marcus Brutus.

Caesar đã dự kiến sẽ rời thành Rome để tham gia vào một cuộc chiến trong ngày 18/03. Ông cũng đã bổ nhiệm các thành viên trung thành trong quân đội của mình làm người cai quản đế quốc khi ông vắng mặt. Viện Nguyên lão, vốn đã rất bất mãn vì phải tuân theo mệnh lệnh từ Caesar, nay lại càng tức giận trước viễn cảnh phải nhận lệnh từ các thuộc hạ của ông. Cassius Longinus bắt đầu âm mưu chống lại nhà độc tài và nhanh chóng lôi kéo được em rể là Marcus Brutus tham gia.

Caesar có lẽ cũng biết rằng nhiều thành viên của Viện Nguyên lão rất ghét mình, nhưng ông lại cho giải tán lực lượng bảo vệ an ninh không lâu trước khi bị ám sát. Người ta kể lại rằng Caesar đã được trao cho một lá thư cảnh báo trước khi bước vào cuộc họp với Viện Nguyên lão ngày hôm đó, nhưng ông đã không đọc nó. Khi đặt chân đến đại sảnh, Caesar đã bị bao vây bởi các Nguyên lão tay cầm dao găm. Servilius Casca là người ra tay đầu tiên, đâm vào cổ Caesar. Các Nguyên lão khác cũng tham gia, đâm Caesar liên tục ở phần đầu. Marcus Brutus cũng đã đâm Caesar và Caesar được cho là đã đáp lại bằng tiếng Hy Lạp rằng: “Cả con nữa sao?”

Sau vụ ám sát, Antony đã cố gắng để được thừa hưởng di sản của Caesar. Tuy nhiên, theo di chúc, Caesar lại chọn Octavian, con trai nuôi của ông, là người thừa kế duy nhất. Cassius và Brutus đã cố gắng tập hợp một đội quân của nền Cộng hòa và Brutus thậm chí còn cho phát hành tiền xu kỷ niệm vụ ám sát, gọi là đồng Ides of March. Octavian đã thề sẽ trả thù những kẻ gây ra vụ ám sát, và chỉ hai năm sau, Cassius và Brutus đã tự tử sau khi biết rằng lực lượng của Octavian đã đánh bại họ trong trận Philippa ở Hy Lạp.

Antony đã đưa cánh quân của mình sang phía Đông, nơi ông cặp kè nhân tình cũ của Caesar là Cleopatra. Octavian và Antony đã chiến đấu trong nhiều năm cho đến khi Octavian thắng thế. Năm 30 TCN, Antony tự sát. Octavian, sau này được biết tới với tên gọi Augustus, đã cai trị Đế quốc La Mã suốt nhiều năm nữa.

Xem thêm: 

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]