29/03/1945: Quân Mỹ chiếm được Frankfurt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Patton takes Frankfurt, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1945, tập đoàn quân thứ ba của Mỹ dưới sự chỉ huy của Tướng George S. Patton đã chiếm được Frankfurt khi vị tướng già đang trên đường đưa quân sang phía Đông.

Trong tiếng Đức, Frankfurt am Main có nghĩa đen là ‘Frankfurt trên sông Main’. Đây là vùng đất nằm ở miền tây nước Đức, là thủ đô của nước này vào giữa thế kỷ 19 (năm 1866, nó được sáp nhập vào Phổ và không còn là một khu vực tự do.) Khi được sáp nhập vào nước Đức thống nhất, Frankfurt đã phát triển thành một thành phố công nghiệp quan trọng, và do đó, trở thành mục tiêu ném bom chính của quân Đồng minh.

Việc đánh bom đã bắt đầu từ tháng 07/1941, trong một loạt các cuộc không kích của Anh chống lại phát xít Đức. Tháng 03/1944, Frankfurt đã gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng sau một cuộc đột kích, trong đó 27.000 tấn bom đã được thả xuống Đức chỉ trong vòng một tháng. Kết quả là, Old Town, một thị trấn có từ thời trung cổ của Frankfurt, đã bị thiêu rụi (nhưng nó đã được xây dựng lại trong giai đoạn hậu chiến, với nhiều tòa nhà văn phòng hiện đại).

Cuối tháng 12/1944, trong trận Bulge, Tướng Patton đã phá vỡ vòng vây của Đức tại thành phố Bastogne (Bỉ) và làm yếu đi hàng phòng vệ của người Đức. Patton sau đó tiếp tục đẩy lui quân Đức về phía đông. Mục tiêu của vị tướng là vượt qua sông Rhine, ngay cả khi không còn bất cứ cây cầu nào để làm điều đó.

Khi quân của Patton tiến đến bờ sông vào ngày 22/03/1945, ông đã tìm thấy một cây cầu chưa bị phá hủy —cầu Ludendorff, nằm ở thị trấn nhỏ Remagen. Quân Mỹ thật ra đã vượt qua cầu từ ngày 07/03 — một thời khắc huy hoàng trong chiến tranh và trong lịch sử, vì chưa từng có đoàn quân địch nào (của người Đức) vượt qua sông Rhine kể từ khi Napoleon làm điều này hồi năm 1805. Patton cùng lực lượng của mình vượt sông Rhine, sau đó thì vị tướng già và cánh quân thứ ba đã tiến sang phía đông và chiếm Frankfurt vào ngày 29.

Tiếp đó, Patton băng qua miền nam nước Đức mà tiến vào Tiệp Khắc, nhưng lại nhận lệnh không được chiếm thủ đô Prague (Praha) vì nó đã được giữ riêng cho Liên Xô. Điều ấy đã khiến vị tướng giận điên người!

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]