Nguồn: Helmut Kohl, The Fall of the Wall Revisited, Project Syndicate, 11/04/1999.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tôi hay tin về sự sụp đổ của Bức Tường Berlin trong chuyến thăm chính thức Ba Lan cách đây mười năm. Tối ngày 09/11/1989, đoàn của tôi được Thủ tướng Tadeusz Mazowiecki mời tới bữa tiệc tại cung điện trước đây của Hoàng tử Radziwill. Trước khi tới bữa tiệc, Thư ký Văn phòng Thủ tướng, Rudolf Seiters, đã gọi từ Bonn. Ông nói với tôi rằng vị chủ tịch của chính quyền cộng sản Đông Berlin đã bất ngờ công bố các quy định tạm thời cho phép các cá nhân công dân được đi lại. Giấy phép thăm Tây Berlin sẽ được cấp cho tất cả các những người nộp đơn ngay cả khi xin gấp.
Chỉ bằng quyết định đơn giản đó, tôi biết rằng lịch sử nước Đức rồi sẽ sớm thay đổi, vì di chuyển dễ dàng tức là ai cũng có thể vượt qua Bức tường Berlin. Dù vậy thì ban đầu tôi cũng không nhìn thấy trước được những buổi lễ ăn mừng hoành tráng và vui vẻ sắp diễn ra ở Berlin.
Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi luôn tin rằng: vào một ngày nào đó trong tương lai nước Đức rồi sẽ lại thống nhất. Nhưng tôi chưa bao giờ dám mơ rằng cuộc hội ngộ của Đông và Tây Berlin lại xảy ra trong thời gian tôi làm Thủ tướng. Nhưng Mikhail Gorbachev, cùng chính sách cải tổ (perestroika) và công khai hóa (glasnost) của ông, đã làm cho thống nhất trở thành một khả năng thực sự. Nếu không có Gorbachev và lòng dũng cảm của ông ấy, chuỗi sự kiện trên khắp châu Âu vào mùa thu năm 1989 sẽ không bao giờ có thể xảy ra.
Vì khi Gorbachev lên nắm quyền, ngày càng có nhiều người ở Đông Đức trở nên lạc quan hơn và không còn quá sợ hãi chế độ đàn áp của mình. Họ nhận ra rằng, sau cùng thì, tình trạng hiện tại của Đông Đức không phải là mãi mãi, và rằng có thể đạt được sự thay đổi, thứ mà nhiều nhà bất đồng chính kiến dũng cảm và những người ủng hộ quyền dân sự bị mắc kẹt đằng sau Bức tường kia đã đòi hỏi từ rất lâu. Đối với tôi, cam kết của họ chống lại sự bất công của chế độ cộng sản là một trong những chương hay nhất trong lịch sử nước Đức.
Việc mở cửa biên giới Hungary vào mùa thu năm đó và việc công dân Đông Đức xin tị nạn tại các đại sứ quán Tây Đức ở Prague và Warsaw đã làm rúng động bộ máy cai trị cộng sản và Bộ An ninh Quốc gia (Stasi).[1] Nhưng vào đêm ngày 09/11, khi Bức tường Berlin và những vòng dây thép gai quấn quanh nó – vốn dĩ đã thất bại trong việc chia rẽ người Đức suốt nhiều thập niên – bắt đầu sụp đổ, thì sự sụp đổ của chính chế độ cộng sản cũng trở nên không thể đảo ngược. Chúng tôi đã bước vào một kỷ nguyên mới. Từ ngày đó, bánh xe của lịch sử đã quay nhanh hơn.
Khi tôi trở về từ bữa tiệc tối để xem tin tức từ Berlin trên truyền hình, tôi đã quyết định cắt ngắn chuyến thăm Warsaw của mình. Thật không dễ dàng để thuyết phục những vị chủ nhà của tôi rằng, tại thời điểm lịch sử đó, vị trí của Thủ tướng Đức chỉ có thể là ở thủ đô cũ của chúng tôi, giữa đám đông đang ăn mừng. Bản năng kêu gọi tôi về nhà càng được kích động bởi những hình ảnh vào đêm hôm sau, ngày 10/11, trong một cuộc biểu tình ở phía trước Tòa thị chính Berlin.
Một đám đông những người cánh tả cực đoan đã thành công khi ngăn cản những bản thánh ca Đức được hát bởi những người đang kỷ niệm sự sụp đổ của Bức tường. Tôi đã quyết tâm chỉ ra rằng những kẻ cực đoan không phải là đại diện của người dân Berlin! Ngược lại: hầu hết mọi người chỉ đơn giản đang muốn thể hiện niềm vui hân hoan. Họ khao khát thống nhất, công lý và tự do cho quê hương mình.
Vậy nên tôi đã bay về Berlin, nhưng trước khi phát biểu với đám đông từ lan can Tòa Thị chính Schoeneberg, tôi đã nhận được một cuộc gọi từ Mikhail Gorbachev. Nhà lãnh đạo Liên Xô yêu cầu tôi kiểm soát sự nhiệt tình của công chúng để ngăn ngừa hỗn loạn và đổ máu. Ông đã nhận được báo cáo rằng tình hình đang ngày càng mất kiểm soát. Ông muốn biết liệu có đúng là đám đông giận dữ đã tấn công các căn cứ quân sự của Liên Xô hay không.
Một nhân viên đã chuyển câu trả lời của tôi cho Gorbachev. Tôi đảm bảo rằng thông tin ông có là sai, và ông đã tin tôi. Cũng may là chúng tôi đã có dịp hiểu con người của nhau và đã tin tưởng lẫn nhau khi Gorbachev đến thăm Đức vào tháng 06/1989. Dù có những quan ngại khác nhau, ví dụ như về “vấn đề nước Đức,” nhưng đối với cả hai chúng tôi, “hòa bình” không chỉ là một từ mà là một nhu cầu cơ bản cần thiết.
Sau đó, Gorbachev nói với tôi rằng ông đã nhận được thông tin sai lệch một cách có chủ ý, bởi những người phản đối cải cách, những người muốn quân đội Liên Xô ở Đông Đức can thiệp. Cho đến hôm nay, tôi vẫn cảm ơn Gorbachev vì đã chọn không nghe theo những lời kích động ấy, mà lắng nghe các lập luận của tôi. Khi phải lựa chọn hoặc để yên những xe tăng trong doanh trại hoặc đưa chúng ra đường phố, ông đã chọn hòa bình, và sau đó, với rất nhiều can đảm, chấp nhận thực tế mới mà người dân ở Đông Đức đã tạo ra. Vì tầm nhìn và lòng dũng cảm của mình, người ta có thể đặt tin tưởng vào Gorbachev.
Sau ngày 09/11, quá trình ngày càng trở nên mạnh mẽ. Trong thời gian ngắn không thể tin được, chỉ có mười một tháng, nước Đức thống nhất đã trở thành thực tế. Đối với tôi, đó là một giấc mơ có thật. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được hai nghĩa vụ mạnh mẽ cho tương lai. Nghĩa vụ thứ nhất là một cam kết có thể được mô tả đơn giản bằng hình ảnh nước Đức và châu Âu như hai mặt của cùng một đồng xu. Cái này sẽ không thể tồn tại nếu không có cái kia. Tôi cũng đã trình bày nghĩa vụ còn lại bằng cách nói về sự cần thiết của việc tạo ra “những phong cảnh nở rộ”[2] ở miền Đông nước Đức.
Cả hai đều là những nhiệm vụ khổng lồ và khó khăn. Trong mười năm kể từ khi Bức tường sụp đổ, tôi tin rằng cả hai mục tiêu, dù không hoàn toàn, nhưng đều đã đạt được một cách căn bản. Nước Đức thống nhất có một cam kết mạnh mẽ đối với cả châu Âu và Liên minh Xuyên Đại Tây Dương. Đối với các bang mới của Đức, cả quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và một xã hội tự do, lẫn những thay đổi cơ cấu đối với nền kinh tế cộng sản cũ, đều đã thành công, mặc dù những nhiệm vụ này chắc chắn đòi hỏi năng lượng và công lao của nhiều thế hệ trước khi chúng hoàn toàn hoàn thành. Quan trọng nhất, người Đức ngày nay đã một lần nữa coi mình là người dân cùng một nước. Với sự trợ giúp của các chính sách lành mạnh, chúng tôi đã sẵn sàng trên tư cách một xã hội hiện đại để vươn lên trong tương lai.
Helmut Kohl là Thủ tướng Đức từ 1982 đến 1998. Ông vừa qua đời ngày 16/06/2017.
—————–
[1] Bộ An ninh Quốc gia (Ministerium für Staatssicherheit, MfS), thường được biết đến là Stasi (viết tắt tiếng Đức: Staatssicherheit, nghĩa là An ninh Quốc gia), là cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của Cộng hoà Dân chủ Đức (hay còn gọi là Đông Đức). Nguồn: Wikipedia
[2] Vào ngày nước Đức thống nhất, Thủ tướng Helmut Kohl đã kêu gọi các công dân Cộng hoà liên bang thể hiện tình đoàn kết với đồng bào phương Đông, đồng thời cam kết sẽ tạo ra “những phong cảnh nở rộ” (blooming landscape) – ý chỉ một nền kinh tế thịnh vượng – nhằm cải thiện nhanh chóng điều kiện sống ở Đông Đức. Nguồn: German History
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]