1967: Kỷ nguyên của các trận đánh lớn tại Việt Nam

Nguồn: Ron Milam, “1967: The Era of Big Battles in Vietnam”, The New York Times, 10/01/2017.

Biên dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tới đầu năm 1967, có khoảng 490.000 lính Mỹ tại miền nam Việt Nam, cùng khoảng 850.000 quân Việt Nam Cộng hòa, Hàn Quốc và các nước đồng minh khác. Và người dân cùng các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ bắt đầu ôm mộng lớn. Họ tin rằng, 1967 sẽ là năm tiêu diệt được cả những người miền Nam chiến đấu trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) và các đồng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của họ, những người đã thâm nhập vào miền Nam.

Mặc dù vậy, để làm được điều đó, cần một số lượng khổng lồ các chiến dịch đa sư đoàn có sự tham gia của tất cả các quân chủng trong quân đội. Ngay từ cuối năm 1966, họ đã bắt đầu lên kế hoạch cho “kỷ nguyên của các trận đánh lớn”, và nhất là cho các chiến dịch được phác thảo nhằm triệt nhổ gốc rễ quân địch ở xung quanh Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa – Sài Gòn. Trong những tháng kế tiếp, các kế hoạch đó đã kéo theo sự tham gia của hàng trăm nghìn binh lính, gây ra cái chết cho hàng ngàn người thuộc cả hai phe, đồng thời làm cho những hoài nghi đang âm ỉ về những nỗ lực chiến tranh ở trong nước trở nên sôi sục.

Vào tháng 12 năm 1966, các tin tình báo cho biết những đơn vị lớn của Việt Cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bố trí ở một khu vực cách Sài Gòn khoảng 12 dặm về phía Tây Bắc, được biết đến với cái tên “Tam giác Sắt”. Cạnh Tây Nam của tam giác này giáp với Sông Sài Gòn, phía Đông giáp với Sông Thị Tính, và phía Bắc giáp với đường phân giới giữa các ngôi làng ở Bến Súc và Bến Cát. Đại tướng Jonathan O. Seaman, viên chỉ huy Lực lượng Dã chiến II (gồm 100.000 quân), đã ví Tam giác Sắt như là một “con dao găm” nhắm vào Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa đang bị đặt trong tình thế nguy hiểm. Vì vậy, nếu như có thể tiêu diệt được Tam giác Sắt bằng một chiến dịch lớn, người Mỹ và các đồng minh có thể giành được thế tấn công chủ động và mở màn cho cuộc đẩy lui những người cộng sản ra khỏi đất nước.

Chiến dịch đó có tên là “Junction City” và được ấn định tiến hành vào đầu tháng 1 năm 1967. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân sự lại bày tỏ quan ngại đáng kể rằng một nỗ lực lớn như vậy cần phải bỏ nhiều công sức để lên kế hoạch hơn là có thể hoàn thành chỉ trong vài tuần. Họ cũng cho rằng còn có một lựa chọn tốt hơn. Theo đó, nên mở một chiến dịch cấp vùng trước, dù vẫn lớn về quy mô nhưng lại nhắm vào các trung đoàn cụ thể và dễ bị tổn thương cũng như các cơ quan đầu não thuộc Quân Khu IV của Việt Cộng, mà theo tin tình báo là nằm ở bên trong Tam giác Sắt.

Chiến dịch có quy mô nhỏ hơn và tập trung hơn này được gọi là Cedar Falls, bắt đầu mở vào ngày 8 tháng 1. Chiến dịch này nối tiếp một kế hoạch được gọi là “đe và búa” với nội dung như sau: Các đơn vị chiến đấu của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sẽ tiến vào phía Bắc tam giác giống như “những chiếc búa”, đẩy kẻ thù vào một “cái đe” được tạo nên bởi các đơn vị thuộc hai Sư đoàn Bộ binh số 1 và số 25.

Bản đồ chiến dịch Cedar Falls

Vào 8 giờ sáng ngày 8 tháng 1, 60 chiếc trực thăng UH-1 “Huey” đã bay theo đội hình hình chữ V, tiếp cận Bến Súc, một ngôi làng mà Việt Cộng kiểm soát. Đây chính là mục tiêu đầu tiên của “cái búa”. Các vũ khí hạng nhẹ đã khai hỏa nhằm vào các lính bộ binh đang đổ bộ vào. Nhưng chỉ trong vài giờ, Bến Súc đã rơi vào vòng kiểm soát của quân Mỹ, còn binh lính Việt Nam Cộng hòa cũng được đưa vào để tra khảo tất cả những người đàn ông trong độ tuổi từ 15 đến 45. Đến cuối ngày chiến đấu đầu tiên, 106 người đã bị thẩm tra, trong đó có 28 người được xác định là Việt Cộng. Binh lính cũng phát hiện ra một mạng lưới địa đạo của lực lượng Việt Cộng ở phía dưới ngôi làng.

Mặc dù vậy, thách thức lớn hơn được đặt ra là phải làm gì với những dân làng còn lại, bởi các viên chỉ huy của phía Mỹ đã quyết định san phẳng Bến Súc thay vì để nơi này rơi lại vào tay của kẻ thù (một nỗ lực mà về sau nhà báo Jonathan Schell đã mô tả trong cuốn sách “The Village of Ben Suc” của mình). Cuối cùng thì họ đã quyết định di dời 582 đàn ông, 1.651 phụ nữ, 3.754 trẻ em cùng với 247 con trâu, 225 con bò và 60 tấn gạo đi nơi khác. Khi tất cả đã được chuyển đi, các tướng lĩnh ra lệnh đào một hố lớn ở trung tâm Bến Súc, cho nổ 10.000 pound (4,5 tấn) thuốc nổ để phá hủy cả ngôi làng lẫn những đường hầm ở bên dưới.

Ngay lập tức, Bến Súc đã bị xóa sổ. Vào năm 1967, kiểu nhiệm vụ tìm-diệt và di dời những người không tham gia chiến đấu sau đó đã trở thành thông lệ, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa cố gắng kiểm soát các ấp và làng mạc tại miền Nam Việt Nam.

Chuỗi các chiến dịch nối tiếp 20 ngày sau đó đã thu được kết quả là 750 lính Việt Cộng thiệt mạng, cùng 280 tù nhân (trong tổng số 30.000 lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tham gia chiến dịch, 72 lính Mỹ, 11 lính Việt Nam Cộng hòa tử trận). Nhưng theo các nguồn tin quân sự, thành quả quan trọng nhất thu được chính là việc xác nhận có tồn tại một mê cung địa đạo khổng lồ nằm ở Tây Bắc Sài Gòn vốn sẽ là một mục tiêu khó tìm đối với các lực lượng đồng minh trong vòng 6 năm tiếp theo. Trong các chiến dịch kế tiếp, các nhánh của tổ hợp đường hầm này thậm chí còn được tìm thấy nằm ngay dưới căn cứ lớn tại Củ Chi của Sư đoàn Bộ binh số 25. Những đường hầm này cũng sẽ trở thành nơi đóng cơ quan đầu não cho việc phác thảo kế hoạch cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, được tiến hành vào tháng 01/1968, chỉ 12 tháng sau đó.

Tuy thế, những thành quả này, đặc biệt là số binh lính địch tử vong, vẫn là không đủ đối với các tướng chỉ huy của lực lượng đồng minh. Bởi họ hy vọng rằng những nhiệm vụ tìm diệt như nhiệm vụ ở Bến Súc sẽ có thể tiêu diệt và bắt giữ được một số lượng quân địch đủ lớn để làm suy yếu Tam giác Sắt. Vì thế, họ đã gần như ngay lập tức mở một chiến dịch khổng lồ khác sau đó. Chiến dịch này có tên nguyên thủy là Chiến dịch Junction City.

Nếu như chiến dịch Cedar Falls mang hình tượng đe và búa, trận đồ của Chiến dịch Junction City lại giống hình móng ngựa hơn. Hơn 25,000 lính Mỹ và đồng minh sẽ giao đấu với các lực lượng của địch bằng cách dàn trận thành một hình chữ U ngược cực lớn đặt ở vùng phía Bắc của Tam giác Sắt, được gọi là Chiến khu C. Trong đó đầu mở của móng ngựa hướng về phía Nam. Theo kế hoạch, quân thù sẽ bị đẩy lùi và kẹp giữa hai chân của móng ngựa theo chiến thuật tiêu hao sinh lực, tức là phá hủy các đơn vị của quân địch thay vì chỉ đẩy kẻ thù ra khỏi các ngôi làng. Các viên chỉ huy của lực lượng đồng minh tin rằng, Chiến dịch Cedar Falls đã bị biến thành quá nhiều các cuộc giao tranh do các đơn vị nhỏ tiến hành, gây ra thương vong quá ít cho kẻ thù. Vì thế, họ cho rằng nếu dùng đến các đơn vị quân Mỹ lớn hơn, thành quả thu về sẽ nhiều hơn.

Bản đồ chiến dịch Junction City

Trong ngày đầu tiên của chiến dịch, 845 lính của Lữ đoàn Không vận 173 đã nhảy dù xuống từ các phi cơ Hercules C-130. Những máy bay này cũng thả quân trang và thiết bị pháo binh xuống . Đây chính là cuộc tập kích bằng lính dù lớn đầu tiên và cũng là cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam. Nó được trù tính nhằm nhanh chóng đưa quân vào khoảng giữa hai chân của móng ngựa, từ đó truy lùng Trung ương Cục Miền Nam đang ẩn giấu ở đó. Đây là cơ quan đầu não trọng yếu của kẻ thù, được cho là nằm gần biên giới Campuchia.

Trận tập kích bằng đường không đó là cần thiết, nhưng cũng được tiến hành nhằm tạo ra ánh hào quang tại quê nhà: Hình ảnh lính dù Mỹ tham gia chiến đấu gợi nhắc người dân về các cuộc hành quân trong Thế chiến II tại châu Âu. Tổng thống Lyndon B. Johnson hy vọng rằng khi họ nhìn thấy những hình ảnh này trên các bản tin chủ yếu, những người Mỹ có thể tự tin rằng đất nước sẽ sớm tuyên bố chiến thắng.

Nhưng Chiến dịch Junction City đã không tìm ra và tiêu diệt được Trung ương Cục, bởi cơ quan đầu não đó vốn không tồn tại, chí ít là dưới dạng một đơn trị đóng chốt thường trực. Phía Việt Cộng hoạt động trên nền tảng các cơ sở di động do những trận oanh tạc trên không dai dẳng, sự truy lùng của bộ binh địch, và những lo ngại về hậu cần. Sự linh động này tạo điều kiện cho họ phối hợp hành động tốt hơn với các nhà hoạch định của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như rút lui qua biên giới về phía Campuchia khi cần thiết. Sau 82 ngày chiến đấu, Chiến dịch Junction City đã kết thúc với 282 lính Mỹ thiệt mạng, còn về phía Việt Cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì con số thương vong theo báo cáo là 2.728 người.

Về tổng thể, cả hai chiến dịch Cedar Falls và Junction City đã khiến phía Việt Cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổn thất xấp xỉ 3.500 người, còn phía Mỹ là 350. Tỷ lệ 10:1 này được duy trì trong hầu hết thời kỳ còn lại của cuộc chiến. Nhưng dù được thực hiện trên quy mô và cường độ lớn, kế hoạch “kỷ nguyên của các trận đánh lớn” đã không thể thay đổi được cục diện của cuộc chiến.

Nhờ tuân thủ nguyên tắc không bao giờ để cho các đơn vị lớn của mình giao tranh với các đơn vị lớn của Mỹ, Việt Cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bảo toàn được các đơn vị của mình về mặt tổ chức để chiến đấu các trận tiếp theo. “Kỷ nguyên của những trận đánh lớn” đã từng được kỳ vọng là sẽ giúp Mỹ giành được thế tấn công, nhưng 70% các cuộc chạm trán lại do phía Việt Cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở đầu. Những người cộng sản đã chiến đấu theo cách của riêng mình, lựa chọn đánh khi nào, ở đâu, trong bao lâu, nhờ đó mà giành được chiến thắng cuối cùng.

Ron Milam là Phó Giáo sư bộ môn Lịch sử tại Đại học Công nghệ Texas, tác giả của cuốn sách “Not a Gentleman’s War: An Inside View of Junior Officers in the Vietnam War,” đồng thời là một cựu binh tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam.

Hình: Những ngôi nhà của dân làng Bến Súc bị đốt cháy trong chiến dịch Cedar Falls. Nguồn: GettyImage.

Xem thêm: Các  bài khác trong chuỗi bài Vietnam 1967

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]