Nguồn: Stephen S. Roach, “Rethinking the Next China”, Project Syndicate, 25/05/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng Thư | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong 7 năm qua, tôi đã dạy một khóa được nhiều người theo học ở Yale có tên là “Tương lai Trung Quốc”. Ngay từ ban đầu, tôi tập trung vào những mệnh lệnh chuyển đổi trong nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc, cụ thể là tiến trình chuyển đổi từ mô hình nhà sản xuất thành công lâu nay sang mô hình ngày càng được thúc đẩy bởi tiêu dùng của hộ gia đình. Tôi dành nhiều sự lưu tâm cho những rủi ro và cơ hội của sự tái cân bằng này cũng như những hệ quả liên quan đối với sự phát triển bền vững của Trung Quốc và nền kinh tế thế giới nói chung.
Trong khi nhiều “viên gạch” chủ chốt của tiến trình chuyển đổi của Trung Quốc đã được đặt vào đúng vị trí, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bực của ngành dịch vụ và tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, thì rõ ràng đang xảy ra một chiều hướng chuyển đổi vừa mới mẻ vừa quan trọng khác: Trung Quốc đang chuyển đổi từ một kẻ tìm cách thích nghi với tiến trình toàn cầu hóa thành kẻ lèo lái tiến trình đó. Trên thực tế, Trung Quốc của tương lai đang đặt cược nhiều hơn vào mối liên kết của mình với một thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, và theo đó tạo ra một loạt những rủi ro và cơ hội mới.
Rõ ràng là có điều gì đó không ổn đã xuất hiện trong những năm qua. Chiến lược chuyển đổi này phản ánh rất nhiều dấu ấn lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, cụ thể là sự chú trọng của ông vào “Giấc mơ Trung Hoa”. Ban đầu, giấc mơ này là một thứ gì đó như một khẩu hiệu của chủ nghĩa dân tộc, được định hình như một tiến trình phục hưng giúp Trung Quốc giành lại vị trí nổi trội trên thế giới trong quá khứ, tương ứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của nước này.
Nhưng hiện nay Giấc mơ Trung Hoa đang được định hình thành một kế hoạch hành động cụ thể, tập trung vào kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” (OBOR). Sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng liên khu vực đầy tham vọng này là một sự kết hợp giữa hỗ trợ kinh tế với khuếch trương quyền lực địa chiến lược, được hỗ trợ bởi những thiết chế tài chính mới do Trung Quốc dẫn dắt: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Mới (thuộc BRICS), và Quỹ Con đường Tơ lụa.
Đối với những ai đang nghiên cứu sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, thì tiến trình này khó có thể được xem là một diễn tiến tầm thường. Dù tiến trình chuyển đổi vẫn đang diễn ra, tôi xin mạn phép nhấn mạnh ba hàm ý có thể có.
Đầu tiên, Trung Quốc không thật sự thay đổi 180 độ. Là một nhà kinh tế học, tôi có xu hướng đặc biệt chú trọng vào các mô hình kinh tế và giả thuyết liên quan rằng các nhà lập chính sách có thể nhảy từ mô hình này sang mô hình khác. Tuy thế, nó không rõ ràng như vậy – đối với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.
Bất chấp những mục tiêu thực tiễn, giờ đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng chiến lược tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng khó thực hiện hơn suy nghĩ ban đầu. Tỷ lệ tiêu dùng trong GDP chỉ tăng 2,5% từ năm 2010 – quá ít so với mức tăng thu nhập cá nhân mà người ta mong đợi sẽ đến từ mức tăng 7,5% trong tỉ trọng ngành dịch vụ và mức tăng 7,3% tỉ trọng dân số đô thị có thu nhập cao trong cùng thời kỳ.
Sự cách biệt lớn trên thực tế này phản ánh một mạng lưới an sinh xã hội đầy những lỗ hổng vốn tiếp tục khuyến khích người dân tiết kiệm nhằm phòng ngừa rủi ro. Điều này đang ngăn cản tăng trưởng tiêu dùng theo ý muốn của nước này. Dù vẫn thực hiện cam kết đô thị hóa và phát triển các ngành dịch vụ, nhưng Trung Quốc đã chọn dựa vào một nguồn tăng trưởng mới ở bên ngoài nhằm bù đắp cho mức cầu thấp ở trong nước.
Thứ hai, lần vươn ra toàn cầu này mang nhiều dáng dấp của mô hình nhà sản xuất cũ. Nó cho phép đưa năng lực sản xuất dư thừa trong nước đang tăng lên một cách đáng lo ngại sang đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng của dự án OBOR. Và nó dựa vào các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) để thúc đẩy đầu tư, qua đó ngăn chặn những cải tổ vốn cần thiết bao lâu nay trong lãnh vực công nghiệp khổng lồ này của Trung Quốc.
Mặt bất lợi của sự ủng hộ mới xuất hiện gần đây dành cho mô hình nhà sản xuất là nó làm giảm ưu tiên dành cho mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Trong báo cáo công tác thường niên của Thủ tướng Lý Khắc Cường – một dạng tuyên bố chính thức về chính sách kinh tế – sự nhấn mạnh vào chuyển đổi cơ cấu sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng đã giảm rõ rệt trong hai năm qua (chỉ xếp thứ 3 trong cả hai năm 2016 và 2017, trong khi các sáng kiến bên cung được ưu tiên cao hơn).
Thứ ba, cách tiếp cận toàn cầu của Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi trong nền quản trị của nước này. Sự củng cố quyền lực trong nước của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ là một phần của câu chuyện. Sự dịch chuyển quyền ra quyết định kinh tế từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Quốc Vụ Viện sang các tiểu nhóm lãnh đạo trực thuộc Đảng là đặc biệt quan trọng, tương tự như chiến dịch chống tham nhũng, tăng cường kiểm duyệt Internet, và các quy định mới đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Trớ trêu là quá trình tập trung quyền lực này quá rõ ràng. Sau tất cả, thì Tập Cận Bình đã sớm đưa ra lời hứa về việc phá bỏ những khối quyền lực thâm căn cố đế, và các cải cách đề ra tại Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11 năm 2013 đã nhấn mạnh việc khuyến khích nhiều hơn vai trò quyết định của thị trường.
Nhưng lần vươn ra toàn cầu mới của Trung Quốc có một sự phi lý còn lớn hơn. Nó đi ngược lại phản ứng dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy chống toàn cầu hóa đang nổi dậy ở nhiều nước phát triển. Là một nền kinh tế tập trung vào ngành sản xuất, Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ tiến trình toàn cầu hóa, cả về tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và giảm nghèo đói nhờ số lượng người lao động dư thừa tìm được việc làm. Hướng tiếp cận đó hiện nay đã bị đình trệ bởi những mất cân bằng trong nước của Trung Quốc, sự suy giảm thương mại toàn cầu sau khủng hoảng 2008, và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ chống lại Trung Quốc. Và kết quả là các nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm tận dụng hơn nữa quá trình toàn cầu hóa đã đã vấp phải những thách thức trầm trọng từ chính mình.
Một Trung Quốc toàn cầu hóa hơn cũng đem lại những hệ quả quan trọng cho chính sách đối ngoại của nước này. Những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đặc biệt nổi bật, nhưng những “dấu chân”của Trung Quốc ở châu Phi và Mỹ Latinh cũng thu hút sự chú ý sát sao hơn. Có lẽ chiến lược mới này làm nổi lên vấn đề lớn nhất trong tất cả: Liệu Trung Quốc có lấp đầy khoảng trống bá quyền được tạo ra bởi cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” theo khuynh hướng biệt lập của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không?
Tóm lại, tương lai của Trung Quốc đang được định hình sẽ hướng ra bên ngoài nhiều hơn, sẽ quyết đoán hơn và tập trung quyền lực nhiều hơn so với những gì tôi hình dung khi bắt đầu dạy khóa học “Tương lai Trung Quốc” vào năm 2010. Đồng thời Trung Quốc không còn giữ nhiều cam kết đối với việc thực hiện các chương trình cải cách dựa trên thị trường với những điểm nổi bật như tăng tiêu dùng cá nhân và tái cấu trúc các doanh nghiệp quốc doanh. Khó mà biết được liệu điều này có làm thay đổi đích đến cuối cùng của quá trình tái cân bằng của Trung Quốc hay không. Tôi hy vọng là không. Nhưng chính vì lẽ đó, nó khiến việc dạy một khóa học ứng dụng trở nên thú vị hơn, khi mà trọng tâm của khóa học là một mục tiêu không ngừng thay đổi.
Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Rethinking the Next China
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]