Nguồn: Elizabeth D. Herman, “The Women Who Fought for Hanoi”, The New York Times, 06/06/2017.
Biên dịch: Minh Châu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ba mươi sáu năm sau lần cuối cùng nhắm bắn với khẩu AK-47, điện thoại của bà Ngô Thị Thương đổ chuông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh quân đội Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh, đã tìm kiếm người phụ nữ Việt Nam đã bắn hạ một máy bay ném bom của Mỹ vào tháng 6 năm 1968. Gần bốn thập niên trôi qua, người phụ nữ ấy đã trải qua biết bao công việc và nuôi ba đứa con khôn lớn. Chỉ có một số người bên ngoài gia đình từng được nghe những câu chuyện thời chiến của bà.
Những nữ anh hùng hay những nữ chiến binh không phải là mới ở Việt Nam – họ đã là những nhân vật quan trọng của lịch sử Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Vào thế kỷ I sau Công nguyên, Hai Bà Trưng, thường được coi là những nhà yêu nước đầu tiên của Việt Nam, đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy kéo dài ba năm nhằm chống lại nhà Hán của Trung Quốc vốn đang trị vì đất nước của họ. Di sản của các vị nữ anh hùng vẫn còn tồn tại đến tận kỉ nguyên hiện đại; trong tất cả những cuộc xung đột hiện đại của Việt Nam, phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng. Họ chiến đấu bên cạnh những người đàn ông và vận chuyển hàng tiếp tế dọc đường mòn Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, như nhà sử học Karen G. Turner viết trong cuốn “Even the Women Must Fight”: “Những chiến binh nữ là cốt lõi đối với lịch sử lâu dài của Việt Nam và là phần quan trọng trong cuộc chiến tranh được ghi lại bằng hình ảnh nhiều nhất trong lịch sử, nhưng họ vẫn vô hình.”
Dưới đây là câu chuyện của những người phụ nữ từng là những người lính chiến đấu cho Quân đội Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Hầu hết trong số họ còn rất trẻ khi tham gia quân ngũ – chỉ ở độ tuổi thanh thiếu niên hay vừa ra trường, hoặc quá nghèo không thể đi học. Một vài người đã chứng kiến chiến tranh nhưng không hề tưởng tượng được trải nghiệm thực tế lần này sẽ như thế nào. Vài người đã là mẹ của những đứa trẻ trước khi chiến đấu, trong khi nhiều người khác đến tận khi về nhà sau chiến tranh mới lập gia đình.
Những trải nghiệm của họ đã định hình nên phần còn lại của cuộc đời họ và con cháu họ – những đứa trẻ được chăm sóc và nuôi dưỡng trở thành thế hệ người Việt Nam kế tiếp, những người giúp tạo nên bộ mặt đất nước những năm sau chiến tranh. Chính qua những câu chuyện của những người phụ nữ này, chúng ta có thể hiểu được làm thế nào một quốc gia bị tàn phá vì xung đột trong nhiều thập niên đã xây dựng lại chính mình, hay một cái nhìn thoáng qua về những kí ức của những người đã từng cống hiến để nuôi dưỡng đất nước này – và bản thân họ – để cố gắng được trở nên trọn vẹn một lần nữa.
Lê Thị Mỹ Lệ
Tôi được sinh ra năm 1946, bên dòng sông Nhật Lệ, cách Huế 150km. Đó là lí do vì sao tôi tên là Mỹ Lệ. Nó có nghĩa là “Xinh đẹp”.
Tháng 7 năm 1965, tôi nghe theo lời kêu gọi của Chính phủ cần thêm thanh niên xung phong vì chiến tranh ngày càng khốc liệt. Tôi rất muốn làm thanh niên xung phong nên đăng ký. Họ đã nhận dù tôi còn trẻ.
Đại đội thanh niên xung phong của tôi có khoảng 200 người, 2/3 trong số đó là nữ. Tôi phụ trách một đơn vị 10 người, chỉ có tôi là nữ. Khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc năm 1968, tôi đã lập gia đình. Sau đó, tôi quay lại chiến trường.
Tôi sinh con gái đầu lòng năm 1971. Có con thời chiến rất vất vả – cảm xúc của tôi sau khi có con cũng có nhiều thay đổi. Trước khi làm mẹ, tôi không sợ gì nhưng khi có con, tôi sợ chết. Tôi có thêm hai cháu: một cháu trai năm 1973 và một cháu nữa năm 1975. Khi sinh đứa út, tôi nói với chồng, “Chiến tranh giờ đã kết thúc rồi, mình ạ, nên anh sẽ không phải hi sinh nữa”, và tôi đặt tên con là Đại Thắng. Chồng tôi là sĩ quan chuyên nghiệp nên đóng quân ở đảo Cồn Cỏ sau chiến tranh và sống xa nhà đến khi nghỉ hưu vào năm 1988.
Nuôi con một mình thực sự rất cực và tôi không thể diễn tả thành lời rằng việc đó khó như thế nào. Khi ra trận, ai cũng gặp nguy hiểm và có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Nhưng nuôi con một mình còn khó hơn. Đôi khi tôi chỉ biết ngồi khóc. Thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ về chiến tranh. Tôi mơ thấy bom nổ và ra lệnh cho đồng đội nằm xuống. Tôi mơ thấy nhiều thứ, thấy 8/10 người trong đơn vị bị thương hoặc chết ngay lập tức. Chiến tranh thật tàn nhẫn. Khi có chiến tranh, mọi người và gia đình bị ly tán – giữa chồng và vợ, giữa bố mẹ và con cái. Tôi ước sao không có chiến tranh trên thế giới, chúng ta có thể giúp nhau thay vì đánh nhau. Đó là thông điệp của tôi. Tôi muốn hòa bình.
Nguyễn Thị Hoa
Chiến tranh thật khủng khiếp – đặc biệt là bởi sự tàn ác của lính Mỹ. Chẳng hạn, một lần lính Mỹ vào làng và thấy một phụ nữ có bầu mà họ cho rằng có quan hệ với bộ đội, chúng đổ xà phòng và tương ớt vào miệng cô ấy, rồi đứng lên bụng cô ấy cho đến khi đứa bé tuột ra.
Khi đó tôi mới 15 tuổi. Tôi biết người phụ nữ và đứa bé trong bụng cô ấy chẳng liên quan gì đến chiến tranh. Khi tôi nghe chuyện và tận mắt chứng kiến sự tàn ác của lính Mỹ, tôi căm thù chúng. Vì tôi độc thân và mới 15 tuổi, tôi nghĩ: “Nếu tôi hi sinh, nếu tôi chết, thì điều đó còn dễ dàng hơn so với việc kết hôn và có con”. Vì vậy, tôi vào bộ đội.
Sự hi sinh của một người phụ nữ chỉ giống như một hạt cát. Nhưng nhiều phụ nữ, nhiều hạt cát, có thể góp rất nhiều và những đóng góp đó có thể giúp Tổ quốc. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, phụ nữ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Thậm chí, sau khi kết hôn, dù nhà chồng nói gì họ cũng phải nghe theo, mặc dù đôi khi họ bị đối xử tàn tệ và bị đánh. Là phụ nữ, nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào những người khác.
Từ khi còn trẻ, tôi đã biết mình phải tìm cách thoát khỏi sự đè nén đó. Và cách duy nhất chính là đi theo Cách mạng. Chiến tranh đã thay đổi vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, đất nước đã cố gắng xây dựng những chuẩn mực mới cho phụ nữ. Chúng tôi gọi đó là Phụ nữ Thời đại mới; họ thủy chung với gia đình, nhưng cũng có cơ hội học tập và thành công. Bây giờ, chúng tôi vừa có thể góp sức xây dựng xã hội và vừa có thể chăm sóc con cái. Chiến tranh đã làm tôi trở thành một người mẹ tốt hơn, chiến tranh đã dạy tôi cách nuôi con – như một phụ nữ được giải phóng.
Ngô Thị Thương
Tôi là một du kích ở miền Bắc Việt Nam, đó là công việc rất quan trọng. Chúng tôi tải gạo, vũ khí và đạn dược cho bộ đội miền Nam. Vào một ngày tháng 6 năm 1968, khi đang tải hàng, ba máy bay Mỹ phát hiện ra chúng tôi và bắt đầu bắn. Chúng tôi lấy súng và bắn trả. Phát thứ nhất không trúng máy bay. Vì vậy, tôi nằm xuống, gác súng lên cây và ngắm bắn. Tôi bắn phát thứ hai trúng thùng xăng, cả máy bay phát nổ và đâm xuống ngọn đồi cạnh đó.
Khi thấy có gì đó từ trên trời rơi xuống, tôi nghĩ đó là bom nhưng thực ra là phi công nhảy dù. Thế là tôi chạy theo dù. Khi phi công tiếp đất, anh ta chưa tháo hết một bên dù, tôi đã áp sát và đặt súng lên bên phải cổ anh ta và nói: “Đứng yên”. Anh ta giơ tay lên, tôi bảo đồng đội cắt dây dù để có dây trói anh ta.
Ba mươi sáu năm sau, một cán bộ Trung ương gọi cho tôi: “Chị làm gì trong chiến tranh, có đạt thành tích nào không?” Sau khi nghe tôi kể chuyện, ông ấy nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tìm tôi ba mươi sáu năm qua. Khi tôi gặp Đại tướng, ông hỏi: “Sao cô giỏi vậy?” và tôi trả lời: “Đó là may mắn, cháu chỉ theo hướng dẫn đã được dạy thôi”.
Dĩ nhiên không ai muốn chiến tranh cả. Sinh mệnh con người là thiêng liêng. Không ai muốn chiến tranh, không ai muốn chiến đấu nhưng khi quân thù đến, không có sự lựa chọn nào khác cả. Chúng tôi phải bảo vệ Tổ quốc, phải bảo vệ cuộc sống của đồng bào.
Hoàng Thị Nở
Tôi sinh năm 1949 ở ngoại thành Huế, nơi tôi sống cùng với ba mẹ. Tôi tham gia chiến tranh khi mới khoảng 15 tuổi. Ở tuổi đó, tôi có thể hiểu, có thể thấy người Mỹ đến và cố gắng kiểm soát và xâm chiếm đất nước tôi. Lúc đó, nam hay nữ đều tham gia chiến đấu, vì vậy, tôi cũng muốn tham gia.
Ban đầu, tôi gia nhập nhóm thu thập tin tức. Chúng tôi đi lòng vòng, xem người Mỹ làm gì rồi gửi tin cho lãnh đạo. Một thời gian ngắn sau đó, tôi tham gia đội vận động các phụ nữ khác tham gia kháng chiến. Ở thời điểm đó, chúng tôi còn rất trẻ và không thực sự hiểu chiến tranh là gì và những kế hoạch về nó. Chúng tôi chỉ tin vào Chính phủ, tin rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Nếu chúng tôi có bất kì vấn đề gì, dù chúng tôi không biết kế hoạch tổng thể hay các bước kế tiếp, chúng tôi vẫn luôn hạnh phúc vì được chiến đấu cho Tổ quốc. Chúng tôi sẵn sàng hi sinh.
Đã có rất nhiều khó khăn. Mọi người đều nghèo nhưng yêu thương và tin tưởng nhau. Bây giờ chúng tôi có tự do, cuộc sống cũng dễ dàng hơn nhưng tiền lại kiểm soát nhiều thứ. Vì vậy, khi tôi nói với các con gái về chiến tranh, tôi kể cho các cháu thế nào là tình yêu và lòng tin vào người khác. Tôi kể về việc mọi người tuân theo luật pháp và các qui định của Chính phủ như thế nào.
Nguyễn Thị Hiệp
Tôi lớn lên ở Huế. Bố mẹ tôi qua đời khi tôi 3 tuổi, và tôi sống cùng ông bà. Lúc đó, gia đình tôi ở nông thôn và rất nghèo. Bố mẹ tôi ốm nặng mà không có thuốc chữa.
Năm 1946, khi chiến tranh với thực dân Pháp nổ ra, tôi sống ở một ngôi làng nhỏ. Nhiều người trong làng muốn đi bộ đội, vì vậy, tôi cũng đi. Tôi 14 tuổi. Tôi không đến trường nhưng khi tôi vào bộ đội, họ dạy tôi học buổi tối. Cuộc sống rất khó khăn khi thực dân Pháp còn ở đó và chính quyền Việt Nam lúc ấy rất tệ, mọi người đều rất nghèo. Có nhiều người mất con và vì tôi cũng mất bố mẹ từ năm lên 3 nên tôi cũng muốn tham gia kháng chiến.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi chế tạo mìn và đặt mìn. Sau này, tôi vận động những người phụ nữ khác tham gia kháng chiến. Phụ nữ có sự căm thù, có niềm tự hào tổ quốc, có sức khỏe, nên họ muốn đứng vào hàng ngũ bộ đội để chiến đấu.
Khi tôi 19 tuổi, tôi kết hôn và có một con trai. Chồng tôi mất khi khi tôi mới 20 tuổi và con trai tôi mới 6 tháng tuổi. Khi con trai tôi được 15 tuổi, cháu tham gia chiến tranh chống Mỹ cùng tôi. Một ngày, khi bộ đội mang súng đi đánh ở Huế, lính Mỹ bao vây con tôi và bắn cháu. Tôi mất con trai mình. Chồng tôi cũng đã qua đời. Những người tôi yêu đều đã ra đi.
Nhiều người tham gia kháng chiến không bao giờ có thể tha thứ cho nước Mỹ. Nhưng khi vào trận, tôi biết mọi thứ đều có hai mặt của nó. Bên nào cũng tổn thương như nhau. Ở Việt Nam, có thể chúng tôi mất nước, mất nhà và có nhiều người chết; thì ở Mỹ, mọi thứ cũng tương tự. Những người lính là con của bố mẹ họ và cũng có những người làm cha làm mẹ mất con. Mọi thứ đều giống nhau, đều đau đớn cả.
Loạt phỏng vấn này là một phần của dự án A Woman’s War (Chiến tranh của Phụ nữ), một dự ghi lại câu chuyện của những phụ nữ phục vụ trong các cuộc xung đột gần đây. Những cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào tháng 7 năm 2010 tại Huế, Việt Nam thông qua một phiên dịch và đã được biên tập cho rõ ràng mạch lạc.
Elizabeth D. Herman là một nhiếp ảnh gia tự do và là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Đại học California, Berkeley.
Hình: Bà Nguyễn Thị Hoa. Tác giả: Elizabeth D. Herman.
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài Vietnam 1967
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]