Nguồn: South Vietnamese forces retake Quang Tri City, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1972, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đã tái chiếm thành cổ Quảng Trị sau bốn ngày chiến đấu dữ dội, đồng thời tuyên bố rằng hơn 8.135 lính Bắc Việt đã bị tiêu diệt trong trận đánh.
Lực lượng Bắc Việt đã phát động một cuộc tấn công ồ ạt, được gọi là Chiến dịch Nguyễn Huệ hay “Chiến dịch Phục sinh” vào ngày 31/03, với ba mục tiêu chính là Quảng Trị nằm về phía nam khu vực phi quân sự, Kontum ở Tây Nguyên, và An Lộc, chỉ cách Sài Gòn 60 dặm về phía Bắc.
Cuộc tấn công này sử dụng 14 sư đoàn và 26 trung đoàn riêng biệt, tổng lực lượng hơn 120.000 quân, và được thiết kế nhằm đánh bại Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh và gây thất bại cho các lực lượng Mỹ còn sót lại (có ít hơn 70.000 quân Mỹ tại Việt Nam vào thời điểm này do chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon và kế hoạch rút quân của người Mỹ). Đợt tấn công của Bắc Việt được đặc trưng bằng những trận hợp đồng tác chiến giữa lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh, được hỗ trợ bởi pháo binh hạng nặng, dẫn đến một số những trận đánh được coi là dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam.
Lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và các cố vấn Mỹ của họ, được hỗ trợ bởi máy bay ném bom chiến thuật và máy bay ném bom B-52 của Mỹ, đã có thể cầm cự tại An Lộc và Kontum dù bị áp đảo về quân số. Tuy nhiên, lực lượng tại Quảng Trị đã lung lay dưới sự tấn công của lực lượng cộng sản và nhanh chóng bị áp đảo. Chỉ sau khi Tổng thống Thiệu sa thải chỉ huy của Quân Đoàn I và thay thế ông ta bằng Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng, người được cho là một trong những sĩ quan giỏi nhất trong quân đội Nam Việt Nam, thì quân đội Việt Nam Cộng hòa mới có thể ngăn chặn được lực lượng Bắc Việt.
Ông Trưởng đã có những biện pháp để ổn định tình hình và lực lượng Nam Việt Nam đã bắt đầu chiến đấu đáp trả. Sau trận đánh đẫm máu kéo dài bốn tháng rưỡi, trong đó có 977 lính Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, Trưởng và quân đội của ông đã lấy lại Quảng Trị từ tay Bắc Việt, và giành được một chiến thắng quan trọng. Tổng thống Nixon đã sử dụng điều này làm bằng chứng khẳng định rằng chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của ông là có hiệu quả và quân đội Nam Việt Nam đã sẵn sàng để đảm trách cuộc chiến.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]