Nguồn: United States will not “cringe” before Soviet weapons, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1953, trong một bài phát biểu có tính đối đầu và mỉa mai, Ngoại trưởng John Foster Dulles tuyên bố rằng Mỹ sẽ không “hoảng sợ hay hãi hùng” khi đối mặt với vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Bài phát biểu của Dulles chỉ ra rằng mặc dù Chiến tranh Triều Tiên cuối cùng đã có thể kết thúc một cách hòa bình, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chính sách ngăn chặn sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ngoại trưởng Dulles bắt đầu bài phát biểu của mình trước Liên đoàn Lao động Mỹ bằng cách cho biết ông tin rằng hoà bình thế giới đang ở trong tầm tay họ, nhưng nó đang bị đe doạ bởi “các lãnh đạo cộng sản công khai bác bỏ những giới hạn của đạo đức.” Ông tuyên bố, “nước Mỹ không tin rằng sự cứu rỗi có thể đơn giản đạt được bằng cách nhượng bộ, và từ đó gia tăng quyền lực cũng như tính kiêu ngạo của những người vốn dĩ đã mở rộng sự cai trị của mình lên một phần ba nhân loại.”
Dù thừa nhận về việc Liên Xô hiện sở hữu một kho vũ khí hạt nhân, nhưng Dulles đã phản bác rằng Mỹ sẽ không “hãi hùng hay hoảng sợ”. Chuyển sang vấn đề lao động, Dulles sau đó đã trình bày về cái mà ông ta gọi là “sự lừa đảo” của cộng sản. Vị Ngoại trưởng đã lên tiếng nhạo báng “trò lừa bịp” của chính phủ Nga đối với công nhân nước này. “Công nhân Nga,” Dulles nói, “là những người bị trả lương thấp nhất, và làm việc quá sức nhất trong bất kỳ quốc gia công nghiệp hiện đại nào. Họ bị quản lý, kiểm tra, giám sát và là người công nhân không được đại diện nhất trên thế giới hiện nay.”
Bài phát biểu của Dulles cho thấy rằng mặc dù chính quyền mới của Tổng thống Dwight D. Eisenhower gần đây đã hoàn thành đàm phán hiệp định đình chiến tại Triều Tiên, Mỹ vẫn sẽ không từ bỏ cam kết của mình trong Chiến tranh Lạnh, nhằm kiềm chế chủ nghĩa cộng sản. Phát biểu cũng gợi ý về hai điểm có thể trở thành trụ cột chính yếu trong ngoại giao Chiến tranh Lạnh của tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Thứ nhất là ý tưởng rằng Mỹ sẽ không chịu nhượng bộ Liên Xô chỉ đơn giản bởi vì mối đe dọa từ chiến tranh hạt nhân. Ý tưởng này cuối cùng đã trở thành cái được gọi là “chính sách bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) – khái niệm cho rằng Liên Xô, nếu bị đẩy đến “miệng hố” của chiến tranh hạt nhân, thì sẽ từ từ nhượng bộ. Thứ hai là lời khẳng định mà Dulles thường xuyên lặp đi lặp lại, rằng người dân sinh sống trong các nước cộng sản đều chủ yếu là “tù binh” của các chế độ cộng sản áp bức. Trong những năm tiếp theo, Dulles sẽ mở rộng cả hai ý tưởng này một cách cụ thể hơn.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]