Cuộc tranh luận không dứt về trận Khe Sanh

Nguồn: Gregg Jones, “The Enduring Debate over Khe Sanh“, The New York Times, 19/01/2018.

Biên dịch: Phan Nguyên

Vào đầu năm 1968, cuộc bao vây căn cứ thủy quân lục chiến hẻo lánh tại Khe Sanh đã tràn ngập trên các kênh tin tức của Hoa Kỳ về cuộc chiến ở Việt Nam. Tướng William Westmoreland, chỉ huy tối cao của quân đội Hoa Kỳ tại Sài Gòn, gọi hành động của quân đội Bắc Việt tại Khe Sanh là một “sự kiện chính yếu” của cuộc tấn công từ phe cộng sản.

Các bản tin đồng loạt so sánh cuộc tấn công với trận Điện Biên Phủ, một cứ điểm quân sự xa xôi của người Pháp bị bao vây và buộc phải đầu hàng trước lực lượng Cộng sản Việt Nam năm 1954. Vào ngày 18/02, ngay cả khi cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân đang diễn ra trên khắp cả nước, tờ New York Times đã gọi cuộc đụng độ đang diễn ra tại Khe Sanh là một trận đánh lớn của Chiến tranh Việt Nam.

Trận đánh diễn ra hơn 77 ngày với các diễn biến chính đầy căng thẳng được phát hàng đêm trên các kênh truyền hình. Bốn tuần sau khi cuộc bao vây diễn ra, Tổng thống Lyndon B. Johnson và các chỉ huy quân đội của ông đã cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để giải cứu Khe Sanh.

Lính Mỹ đã phải gánh chịu các cuộc pháo kích, đạn bắn tỉa, các cuộc tấn công thăm dò và tấn công trên mặt đất. Tuy nhiên, cuối cùng Khe Sanh đã không trở thành một thảm kịch kiểu Alamo như người ta e ngại lúc đầu.[1]

Qua thời gian, các sự kiện diễn ra tại Khe Sanh năm 1968 không còn thu hút được nhiều sự chú ý bằng việc diễn giải những gì đã diễn ra. Một quan điểm lịch sử xét lại đã đã trở nên thịnh hành trong những năm 1980 và Khe Sanh trở thành phép ẩn dụ cho sự quản lý cuộc chiến yếu kém của tướng Westmoreland. Gần đây hơn, cuộc bao vây đã được coi như là một phương pháp xuất sắc của Bắc Việt nhằm đánh lạc hướng cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân sắp sửa diễn ra. Cách diễn giải này đã tràn ngập trong các sách lịch sử hiện thời cũng như trong bộ phim tài liệu mới đây của Ken Burns và Lynn Novick về Chiến tranh Việt Nam. Trong thực tế, có rất ít chứng cứ về các ý định của Bắc Việt tại Khe Sanh và cuộc tranh luận còn lâu mới kết thúc.

Khi năm 1968 bắt đầu, cả Hoa Kỳ và Bắc Việt đều khát khao giành chiến thắng trong năm đó. Khe Sanh đã nổi bật trong kế hoạch của cả hai bên. Mỏ neo của Mỹ tại Khe Sanh là một căn cứ thủy quân lục chiến đóng tại một vùng đồi núi nằm giữa một cung đường cũ của người Pháp,  Đường 9, và sông Rào Quán, cách biên giới với Lào khoảng 7 dặm và nằm cách Khu phi quân sự chia cắt Bắc và Nam Việt Nam 15 dặm. Một loạt các cứ điểm hình quạt, bao gồm một căn cứ lực lượng Biệt kích Lục quân Hoa Kỳ, đã giúp bảo vệ các cung đường tiếp cận tới căn cứ từ hướng Bắc và hướng Tây.

Vào tháng Giêng năm 1968, hai sư đoàn Bắc Việt gồm khoảng 20 nghìn lính đã tiếp cận Khe Sanh từ hướng Tây, một sư đoàn khác di chuyển tới một vị trí phía Đông Bắc Khe Sanh.

Giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch của Bắc Việt dành cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy là kêu gọi binh lính tiến hành một loạt các trận đánh ở bên trong nội địa nhằm kéo giãn lực lượng Mỹ ra khỏi các khu vực duyên hải đông dân cư. Một trong những trận đánh đó sẽ diễn ra tại Khe Sanh.

Nhưng Bộ Chính trị tại Hà Nội đã chia rẽ về giai đoạn tiếp theo. Một phe do Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu đã kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công ở đô thị nhằm kích động một cuộc nổi dậy của người dân. Phản đối cách tiếp cận liều lĩnh này là nhà lãnh đạo cách mạng cao niên của Bắc Việt Nam Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, kiến trúc sư của chiến thắng trước người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Cuối cùng, Lê Duẩn đã qua mặt các đối thủ của mình và cuộc tiến công đô thị đã được đưa vào kế hoạch. Các cuộc tấn công vào các đô thị miền Nam đã diễn ra khi Việt Nam đang chào mừng Tết Nguyên Đán vào cuối tháng Giêng năm 1968.

Tại Sài Gòn, tướng Westmoreland đã đợi sẵn cuộc tấn công của phe cộng sản tại Khe Sanh. Ông đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc pháo kích và không kích chưa từng có để làm tê liệt các đối thủ Bắc Việt của mình trong một cuộc đối đầu sử dụng vũ khí truyền thông hiếm có từ trước tới nay.

Vở bi kịch tại Khe Sanh đã diễn ra với một loạt các cuộc tấn công của quân đội Bắc Việt vào rạng sáng Chủ nhật ngày 21 tháng Giêng. Một cuộc tấn công của bộ binh Bắc Việt đã thâm nhập vào cứ điểm Thủy quân lục chiến tại đồi 861 trước khi thất bại. Pháo binh Cộng sản đã dội vào căn cứ tác chiến Khe Sanh, làm nổ một kho đạn lớn. Các nhóm lính Bắc Việt khác đã tấn công sở chỉ huy căn cứ tại làng Khe Sanh gần đó.

Trong vòng hai tuần tiếp theo, căn cứ Khe Sanh cũng như các tiền đồn của nó phải gánh chịu các đợt tấn công bằng pháo và súng bắn tỉa hàng ngày. Vào ban đêm, các binh lính của Bắc Việt cũng tìm cách thăm dò khả năng phòng thủ của Khe Sanh.

Các lo ngại về một cuộc tấn công bộ binh quy mô lớn vào Khe Sanh đã gia tăng sau khi các cuộc tấn công của lực lượng cộng sản vào các khu vực đô thị bắt đầu vào ngày 31 tháng Giêng. Ngày hôm sau, Tổng thống Johnson, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân, Tướng Earle Wheeler, đã hỏi Tướng Westmoreland liệu có cần sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm giải cứu Khe Sanh hay không. Westmoreland đã nói nước đôi về lựa chọn của mình. Ông nói trong một bức điện mật rằng trong trường hợp xấu nhất “tôi nghĩ cả vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hóa học có thể là những vũ khí được ưu tiên triển khai”.

Vào ngày mùng 5 tháng 2 khi giao tranh vẫn tiếp diễn tại Sài Gòn, Huế và các đô thị khác, lực lượng Bắc Việt Nam đã tấn công vào cứ điểm chính của Khe Sanh tại đồi 861A. Các lực lượng cộng sản đã xuyên thủng hàng rào phòng thủ của lực lượng thủy quân lục chiến, nhưng cuộc tấn công cuối cùng đã bị bẻ gãy bởi một cuộc phản kích lớn được hỗ trợ bởi các cảm biến điện tử và kết thúc với một cuộc phản công bằng bộ binh. Đêm hôm sau, doanh trại đơn vị Đặc nhiệm Mỹ nằm ở phía Tây Nam căn cứ đã bị san phẳng trong một cuộc tấn công bộ binh được hỗ trợ bởi 11 xe tăng hạng nhẹ PT-76 do Liên Xô sản xuất. Vào ngày mùng 8 tháng 2, các binh sĩ Bắc Việt đã tấn công vào một tiền đồn thủy quân lục chiến nhỏ nằm cách căn cứ chưa đầy một dặm về phía Tây Nam.

Lực lượng Bắc Việt tìm cách bao vây căn cứ với các đường hào và các vị trí pháo được ngụy trang cẩn thận, đe dọa con đường tiếp tế bằng đường không của căn cứ. Tại Washington, tướng về hưu Maxwell Taylor, một cựu binh Thế chiến II được kính trọng và là cựu đại sứ của Mỹ tại Nam Việt Nam, đã khuyên Tổng thống Johnson từ bỏ Khe Sanh. Binh lính Mỹ phải chia nhau từng khẩu phần nước và lương thực tại các cứ điểm và binh lính bị thương đôi khi tử vong trong lúc chờ các chuyến bay sơ tán bằng trực thăng. Cảm giác khủng hoảng càng gia tăng vào ngày 10 tháng 2 khi một máy bay vận tải C-130 của Thủy quân lục chiến bị trúng đạn của kẻ thù và buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Khe Sanh làm chết 8 lính Mỹ.

Cũng trong tuần đó, Tướng Westmoreland và lực lượng Thủy quân lục chiến không hề biết rằng các chỉ huy cộng sản đã điều chuyển 1/3 lực lượng bao vây từ Khe Sanh tới Huế nằm cách căn cứ khoảng 50 dặm về phía Đông Nam. Nhiều năm sau cuộc chiến, chỉ huy tình báo của Westmoreland, Trung tướng Phillip B. Davidson, vẫn còn bị bối rối trước quyết định này. Bắc Việt đã “giữ quá nhiều lính tại Khe Sanh nếu chỉ muốn đe dọa nó, nhưng quá ít để có thể giành được nó”. Đây vẫn là một trong những bí ẩn bao quanh trận Khe Sanh mà chưa được làm sáng tỏ.

Cuộc bao vây đạt tới đỉnh điểm vào tuần cuối cùng của tháng 2/1968, mặc dù mãi sau này điều đó mới trở nên rõ ràng.

Vào ngày 24/2, lực lượng Hoa Kỳ khởi động Chiến dịch Sierra, thường được gọi là Chiến dịch Super Gaggle, vì đã sử dụng một lượng lớn máy bay. Chiến dịch này liên quan tới việc tấn công các vị trí đặt pháo của Bắc Việt xung quanh Khe Sanh bằng khí ga, khói, đạn pháo công suất lớn và bom napalm, cho phép các máy bay trực thăng Sea Knight bay vào các cứ điểm ở trên đỉnh đồi và thả xuống các loại hàng tiếp viện. Cuộc khủng hoảng hàng tiếp viện đã được giải tỏa phần nào.

Ngày hôm sau, nỗi e sợ về một cuộc tấn công vào căn cứ sắp sửa diễn ra đã lên tới đỉnh điểm sau khi một đơn vị tuần tra Thủy quân lục chiến bị tiêu diệt và người ta phát hiện ra các đường hào mới của Bắc Việt xâm nhập vào chỉ cách hàng rào phía Đông Nam của căn cứ một vài mét. Vào đêm 29 tháng 2, Bắc Việt tiến hành 3 đợt tấn công vào ngoại vi phía Đông của Căn cứ tác chiến Khe Sanh. Lực lượng Mỹ khởi động một kế hoạch chi tiết nhằm bẫy và tiêu diệt lực lượng cộng sản với các cuộc ném bom B52 có phối hợp cùng với các chiến dịch không kích và pháo kích đi kèm. Một số binh sĩ Bắc Việt đã tiến vào được khu vực hàng rào ngoại vi trước khi cuộc tấn công cuối cùng thất bại.

Áp lực của Bắc Việt lên Khe Sanh đã giảm xuống vào tháng 3 khi thời tiết cải thiện đã giúp Mỹ tiến hành các đợt không kích là pháo kích mạnh mẽ hơn. Với sự xuất hiện của lực lượng tiếp viện hỗn hợp Lục quân và Thủy quân lục chiến, các chỉ huy Mỹ tuyên bố cuộc bao vây đã kết thúc vào ngày mùng 8 tháng 4.

Trong những tuần sau đó, lực lượng Lục quân rời khỏi căn cứ và các tiểu đoàn Thủy quân lục chiến mới đã được đưa đến và gặp phải các trận đánh còn đẫm máu hơn so với trong thời kỳ diễn ra cuộc bao vây. Nhưng cho đến lúc đó, các phóng viên đã rời đi và tướng Westmoreland cũng bị thay thế bởi Tướng Creighton Abrams. Vào đầu tháng 7, Căn cứ Tác chiến Khe Sanh bị phá hủy, và trong một cảnh tượng báo trước các sự kiện vào tháng Tư năm 1975, những lính Mỹ cuối cùng đã rời đi vội vã bằng máy bay trực thăng. Radio Bắc Việt tuyên bố chiến thắng tại Khe Sanh.

Gần 1.000 lính Mỹ đã tử trận trong cuộc giao tranh năm 1968 xung quanh Khe Sanh, cao hơn nhiều so với con số chính thức. Các ước tính cho thấy lực lượng cộng sản mất khoảng 2.500 tới 15.000 người.

Ý định cuối cùng của Bắc Việt tại Khe Sanh vẫn chưa rõ ràng. Trong nhiều thập niên, quan điểm chính thức tại Hà Nội cho rằng Khe Sanh chỉ là một biện pháp đánh lạc hướng các cuộc tấn công đô thị Tết Mậu Thân, một lập luận có chủ đích của những nhà tuyên truyền muốn coi lịch sử như là một công cụ của cách mạng hơn là một sứ mệnh tìm kiếm sự thật khách quan. Tuyên bố đó đã được khuếch tán bởi các phóng viên chiến trường được kính trọng như Neil Sheehan và Stanley Karnow. Người ta hầu như không để ý tới các phân tích cho rằng Bắc Việt có ý định kết thúc cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 bằng một “phát súng ân huệ” cuối cùng dành cho người Mỹ tại Khe Sanh. Cho tới khi Chính phủ Việt Nam công khai các kho dữ liệu thời chiến của mình, chúng ta vẫn sẽ chưa biết chắc chắn những gì thực sự diễn ra đằng sau trận Khe Sanh.

Gregg Jones là tác giả của các cuốn sách “Last Stand at Khe Sanh” và “Honor in the Dust: Theodore Roosevelt, War in the Philippines, and Rise and Fall of America’s Imperial Dream”.

——————

[1] Alamo là một nhà thờ được xây dựng sau năm 1744 bởi một đoàn truyền giáo Tây Ban Nha tại San Antonio, Texas, sau đó được chuyển thành một pháo đài vào đầu những năm 1800. Trong Cách mạng Texas chống lại chính quyền Mexico, nó đã bị bao vây (từ 23/2 đến 6/3/1836) bởi quân đội Mexico, những người đã giết chết toàn bộ các thành viên trại lính Texas bên trong pháo đài.