Nguồn: Joseph S. Nye, “Understanding the North Korea Threat”, Project Syndicate, 06/12/2017.
Biên dịch: Lê Thành Đạt | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Mới đây, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, bay trong suốt 53 phút và đạt đến độ cao 4.475 km. Với quỹ đạo song song hơn so với mặt đất, tên lửa Hwasong-15 có thể mang lại cho chế dộ Kim Jong-un khả năng tấn công bờ Đông nước Mỹ. Mặc dù Bình Nhưỡng vẫn chưa chứng minh được khả năng tên lửa sống sót qua ma sát không khí khi rơi xuống lại khí quyển, nhưng Triều Tiên vẫn tuyên bố nước này đã làm chủ khả năng tấn công hạt nhân và trở thành một nước sở hữu vũ khí hạt nhân đầy đủ. Giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng tình trạng này là không thể chấp nhận được. Vậy giờ điều gì sẽ xảy ra?
Trước khi nghĩ đến các chính sách, điều quan trọng là phải loại bỏ một số hiểu lầm cản trở các phân tích rõ ràng. Thứ nhất, Kim Jong-un có thể là một nhà độc tài nguy hiểm nhưng ông ta không bị điên hoặc muốn tự sát. Cho đến lúc này, Kim Jong-un đã vượt trội hơn Mỹ trong cuộc chơi rủi ro cao này, nhưng ông ta vẫn hiểu rằng một cuộc giao tranh hạt nhân với Mỹ cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt chế độ mà Kim đang muốn duy trì.
Thứ hai, Mỹ đã bị rơi vào cái bẫy phóng đại của Kim Jong-un về sức mạnh tên lửa của Triều Tiên. Rốt cuộc, Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân hơn một thập niên nay; chúng có thể được đưa tới các cảng biển ở Mỹ, cả bờ Đông lẫn bờ Tây, bằng các phương tiện khác, ví dụ như trong khoang chứa của tàu hàng.
Thứ ba, trong ván bài đe dọa cân não lẫn nhau này, rõ ràng Triều Tiên có lợi thế lớn về mặt địa lý, điều cho phép nước này chiếm lợi thế tuyệt đối trong leo thang cục bộ. Với hàng ngàn khẩu pháo được ngụy trang che giấu dưới những chiến hào dọc biên giới, Triều Tiên có thể đe dọa tàn phá Seoul, thủ đô nằm gần đó của Hàn Quốc, bằng các loại vũ khí thông thường. Mỹ đã nhận thấy vấn đề này vào năm 1994 – rất lâu trước khi Triều Tiên sỡ hữu vũ khí hạt nhân – khi nước này có kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm xóa sổ nhà máy tái chế plutonium tại Yongbyon của Triều Tiên, nhưng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản e ngại trước nguy cơ bị tấn công trả đũa bằng vũ khí thông thường.
Về mặt chính sách, Trung Quốc đã đề xuất giải pháp “đóng băng đổi lấy đóng băng” như là một cách để kiểm soát các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên sẽ dừng tất cả các vụ thử tên lửa và hạt nhân (điều dễ dàng kiểm chứng được). Dù điều này không làm đảo ngược tình trạng hạt nhân của Triều Tiên, nó sẽ làm chậm tiến trình phát triển kho vũ khí hạt nhân của nước này. Đổi lại, Mỹ sẽ ngừng các cuộc diễn tập quân sự thường niên với Hàn Quốc. Mỹ vẫn giữ quyền tiến hành lại các cuộc tập trận quân sự nếu Triều Tiên vi phạm các cam kết cấm thử vũ khí hạt nhân, hoặc xuất khẩu các nguyên liệu hạt nhân.
Đối với một số bên, đây được coi như một thỏa thuận tốt, nhưng nó còn tùy thuộc vào cách mà mỗi bên đánh giá các mục tiêu của Kim Jong-un. Nếu ông Kim chủ yếu muốn duy trì an ninh, các nước có thể để ông Kim đạt được mục tiêu đó, có thể bằng việc ký một hiệp ước hòa bình, nới lỏng các lệnh trừng phạt, và để tăng trưởng kinh tế từng bước thay đổi chế độ qua thời gian, như đã xảy ra ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Triều Tiên dưới triều đại họ Kim không phải là một quốc gia muốn duy trì nguyên trạng. Từ năm 1945, Triều Tiên đã trở thành một quốc gia cá biệt: chế độc độc tài cộng sản theo kiểu cha truyền con nối mà tính chính danh của nó phụ thuộc vào những tuyên bố về vai trò tiên phong của chế độ trong việc thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên. Do vậy, Triều Tiên đã bị tụt hậu về kinh tế so với Hàn Quốc, nhưng vẫn hy vọng năng lực hạt nhân của mình có thể làm thay đổi cán cân tại bán đảo này.
Như Sung-Yoon Lee từ Đại học Tufts mới đây cảnh báo, “đối với Triều Tiên, đe dọa Mỹ là biện pháp không thể đưa ra thương lượng nhằm cô lập và duy trì sự chế ngự đối với Hàn Quốc. Đây là giải pháp mà chế độ Kim Jong-un tìm kiếm để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của mình”.
Nếu chiến lược chính của Triều Tiên là làm suy yếu quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn Quốc, thì đề xuất “đóng băng đối lấy đóng băng” của Trung Quốc đang rơi vào bẫy của Triều Tiên. Hơn nữa, thay vì giảm thiểu các rủi ro, đề xuất này có thể tiếp tục khuyến khích Triều Tiên trở lại thực hiện chính sách duy trì áp lực bằng các loại vũ khí thông thường liều lĩnh lên Hàn Quốc, giống như hồi năm 2010, khi Triều Tiên đánh chìm một tàu hộ tống nhỏ của Hàn Quốc, giết chết 46 thủy thủ và nã pháo vào các hòn đảo của Hàn Quốc.
Các lựa chọn chính sách của Mỹ là có giới hạn. Một là sử dụng vũ lực hạn chế. Tướng McMaster – Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Trump – đã đôi lần nói rằng một cuộc chiến tranh phòng ngừa có thể sẽ là cần thiết nếu các giải pháp ngoại giao thất bại. Tuy nhiên, dù được thiết kế là một cuộc tấn công hạn chế, nhưng những nỗ lực nhằm loại bỏ lãnh tụ chế độ hoặc bắn hạ tên lửa có còn được coi là hạn chế hay không? Nếu không, số người thương vong ước tính sẽ lên tới hàng chục ngàn hoặc có thể cao hơn.
Các biện pháp trừng phạt tiếp tục là một lựa chọn, tuy nhiên chúng không gây đủ áp lực để làm cho chế độ Kim Jong-un từ bỏ những tài sản chiến lược cốt lõi của mình. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt là cần thiết, nhưng cho tới nay Trung Quốc đang gây cản trở các biện pháp trừng phạt này. Trung Quốc đã không thực hiện cam kết cắt nguồn cung lương thực và xăng dầu cho Triều Tiên. Dù Trung Quốc không ưa gì Kim Jong-un, nhưng Trung Quốc cũng không muốn sự hỗn loạn – hoặc sự hiện diện của Mỹ – tại khu vực biên giới của mình.
Một giải pháp trọn gói cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể là giảm dần căng thẳng quốc tế như trong thời Chiến tranh Lạnh: Mỹ trấn an Trung Quốc về các mục tiêu hạn chế của mình và đồng ý phối hợp hành động với Trung Quốc. Không có hành động tương tự như tiến quân đến sát sông Áp Lục vốn châm ngòi cho sự can thiệp của Trung Quốc vào Chiến tranh Triều Tiên. Đổi lại, Trung Quốc phải gây áp lực đủ mạnh về kinh tế và ngoại giao để chấm dứt ngay lập tức mối đe dọa từ các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tuy nhiên không đòi Mỹ phải “đóng băng” các lực lượng quân sự của nước này.
Khả năng thu nhỏ quy mô các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ trong tương lai có thể phụ thuộc vào hành vi của Triều Tiên đối với Hàn Quốc. Mỹ sẽ đề nghị đàm phán một hiệp ước hòa bình sau khi Triều Tiên chấp nhận tình trạng hòa dịu với Hàn Quốc. Mỹ và Trung Quốc sẽ chấp nhận địa vị quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế của Triều Tiên, mà sẽ tái khẳng định mục tiêu dài hạn là tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên sẽ chấp nhận ngừng các vụ thử hạt nhân và tất cả các hoạt động xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân. Trung Quốc sẽ cần tiếp tục duy trì đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt về lương thực và xăng dầu trong trường hợp Triều Tiên trở mặt hoặc tự ý phá vỡ thỏa thuận.
Triển vọng của gói giải pháp lấy Trung Quốc làm trọng tâm có vẻ không sáng sủa, tuy nhiên nếu giải pháp này thất bại, Mỹ cũng không nên hoảng sợ. Nếu Mỹ đủ khả năng để răn đe một Liên Xô hùng mạnh hơn nhiều (so với Triều Tiên) chiếm đoạt một Tây Berlin bị cô lập trong vòng 3 thập niên, thì Mỹ đủ sức để răn đe Triều Tiên. Mỹ cần củng cố lại sức mạnh răn đe và năng lực quốc phòng thông qua các liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự hiện diện của gần 50.000 binh sỹ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và khoảng 28.000 quân ở Hàn Quốc sẽ khiến khả năng “răn đe mở rộng” của Mỹ trở nên khả tín hơn. Chế độ Kim Jong-un không thể tấn công người Hàn Quốc hay người Nhật Bản nếu không tấn công người Mỹ, điều mà Kim jong-un biết chắc chắn sẽ đồng nghĩa với sự chấm dứt chế độ của mình.
Joseph S.Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, hiện là Giáo sư Đại học Havard. Ông là tác giả của cuốn Is the American Century Over?