Nguồn: 15th Amendment adopted, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1870, sau khi được ba phần tư số tiểu bang phê chuẩn, Tu chính án thứ 15, trao quyền bầu cử cho người Mỹ gốc Phi (nam giới) đã được chính thức thêm vào Hiến pháp Mỹ. Được Quốc Hội thông qua một năm trước, Tu chính án viết rằng, “quyền bỏ phiếu của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị bất kỳ chính quyền liên bang hay tiểu bang nào từ chối vì lý do chủng tộc, màu da, hoặc tình trạng nô lệ trước đó.” Một ngày sau khi Tu chính án thứ 15 được thông qua, Thomas Peterson-Mundy đến từ Perth Amboy, New Jersey, đã trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên bỏ phiếu theo quy định của tu chính án này.
Năm 1867, mặc cho sự phủ quyết của Tổng thống Andrew Johnson, Quốc Hội với Đảng Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua Đạo luật Tái thiết Lần thứ nhất (First Reconstruction Act), chia miền Nam thành 5 khu vực quân sự (military districts) và nêu rõ cách thức mà các chính phủ mới thiết lập quyền bầu cử phổ thông. Với Tu chính án thứ 15 được thông qua vào năm 1870, một cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã được tập hợp (vì lý do chính trị) cùng với người dân da trắng ở các bang miền Nam cùng đưa Đảng Cộng hòa lên nắm quyền, dẫn tới những thay đổi cấp tiến ở miền Nam. Vào cuối năm 1870, tất cả các bang thuộc phe Hợp bang trước đây đã được tái sáp nhập vào Liên minh miền Bắc, và hầu hết đều do Đảng Cộng hòa kiểm soát, nhờ sự ủng hộ của cử tri Mỹ gốc Phi.
Trong cùng năm đó, Hiram Rhoades Revels, một đảng viên Cộng hòa từ Natchez, Mississippi, đã trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành nghị sĩ Quốc Hội. Mặc dù các đảng viên Cộng hòa người Mỹ gốc Phi không bao giờ đạt được chức vụ chính trị tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu của họ, Revels và hàng chục người Mỹ gốc Phi khác đã phục vụ trong Quốc Hội suốt thời kỳ Tái thiết, hơn 600 người phục vụ khác trong các cơ quan lập pháp tiểu bang và trong nhiều văn phòng chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1870, Đảng Cộng hòa miền Nam đã biến mất với sự kết thúc của thời kỳ Tái thiết, và các chính quyền tiểu bang miền Nam đã bác bỏ các Tu chính án thứ 14 và 15, tước bỏ quyền của người Mỹ gốc Phi. Phải mất gần một thế kỷ nữa trước khi nước Mỹ một lần nữa cố gắng thiết lập quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi ở miền Nam.