Tác giả: Nguyễn Nhật Huy & Sơ Nguyên
Tháng 3 năm nay, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop tuyên bố “ASEAN là trái tim của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Sự đề cập nhiều lần khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cùng với những động thái chủ động tiếp cận ASEAN và các nước ASEAN cho thấy Canberra đang nỗ lực đẩy mạnh gia tăng cam kết của mình lên phía Bắc và nhằm biến tầm nhìn chiến lược này thành hiện thực.
Trong một diễn biến khác cũng trong tháng 3/2018, Tổng thống Indonesia khơi dậy những tranh luận lớn khi cho rằng “sẽ là điều tốt nếu Australia gia nhập ASEAN”.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bắt đầu được chú ý đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald J. Trump mở đầu bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) Đà Nẵng tháng 11/2017 bằng việc bày tỏ sự vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam – trái tim của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.” Trong suốt chuyến công du Châu Á dài gần hai tuần của mình, Tổng thống Trump đã liên tục sử dụng thuật ngữ này như có hàm ý về chiến lược mới của Mỹ ở khu vực vẫn thường được biết đến là Châu Á – Thái Bình Dương (Asia – Pacific).
Vài ngày sau bài phát biểu ở Việt Nam, Tổng thống Trump đến Philippines và giữa lúc ông gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, các quan chức của “bộ tứ” Ấn Độ – Nhật Bản – Australia – Mỹ đã có cuộc gặp đầu tiên.
Cuối tháng 3/2018, Economics Times đưa tin cuộc gặp tiếp theo đang được lên kế hoạch, trong bối cảnh Trung Quốc vừa sửa hiến pháp, mở đường cho ông Tập tiếp tục nắm quyền sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ và Bắc Kinh có thêm động lực để đẩy mạnh định hình tình hình khu vực. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lẫn cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives cũng sẽ có trong chương trình nghị sự.
“Chúng tôi (bộ tứ) đang trông chờ cuộc gặp tiếp theo. Tình hình hiện tại ở Maldives rõ ràng là thứ chúng tôi có thể thảo luận”, một quan chức chính quyền Mỹ nói gần đây ở Washington D.C. Trung Quốc bị cáo buộc muốn can thiệp nội bộ chính trị Maldives để giữ cho Tổng thống Abdulla Yameen tiếp tục nắm quyền, mở đường xây dựng một căn cứ hải quân ở “sân sau” của Ấn Độ.
Sau chuyến công du Châu Á đó của Tổng thống Trump, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã công bố lần lượt “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” và “Chiến Lược Quốc Phòng” trong đó khẳng định sự ưu tiên của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Những người thân cận với vấn đề cho biết cuộc gặp thứ hai sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng sau cuộc gặp đầu tiên, đã diễn ra hồi tháng 11/2017.
Vậy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là gì? Tại sao Mỹ lại đặc biệt chú ý và thậm chí đặt ưu tiên cho khu vực này trên cả Châu Âu và Trung Đông? Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ có ý nghĩa thế nào với hoà bình và an ninh trên thế giới và trong khu vực?
CHÍNH TRỊ HÓA KHÁI NIỆM
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không phải là một thuật ngữ mới, mà được vay mượn từ lĩnh vực địa – sinh học chỉ vùng nước nhiệt đới trải từ bờ tây Ấn Độ Dương tới tây và trung tây Thái Bình Dương. Người được ghi nhận là học giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ này với hàm ý về địa chính trị là tiến sĩ Gurpreet S. Khurana, giám đốc Quỹ Hàng Hải Quốc Gia tại New Delhi, Ấn Độ. Trong bài luận năm 2007 tựa đề “An ninh hàng hải: Triển vọng hợp tác Ấn Độ – Nhật Bản,” tiến sĩ Khurana đã lập luận rằng các lợi ích chung và cốt lõi của Ấn Độ và Nhật Bản về hàng hải sẽ khó có thể được bảo đảm nếu Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bị chia rẽ trong nhận thức chiến lược. Do đó thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã ra đời như là một tầm nhìn chiến lược mới trong khu vực.
Cùng năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong nhiệm kỳ đầu của mình đã có bài phát biểu trước Nghị Viện Ấn Độ về “sự hợp lưu của hai đại dương” như là “sự kết nối năng động của hai vùng biển tự do và thịnh vượng” ở Châu Á. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau đó đã được giới chức và học giả Ấn Độ và Nhật Bản ủng hộ, coi là nền tảng của hợp tác toàn diện vì lợi ích chung của hai nước trong thế kỷ XXI. Thuật ngữ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần đầu tiên được một quan chức cấp cao Mỹ sử dụng khi ngoại trưởng Hillary Clinton bài phát biểu năm 2011 tại Honolulu “chúng ta [Mỹ] hiểu tầm quan trọng của lưu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với giao thương toàn cầu.”
Nếu như Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước đầu tiên nói đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thì Australia lại là nước phổ biến thuật ngữ này, bởi cả giới học thuật lẫn chính quyền. Stephen Smith, cựu Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc Phòng Australia là một trong những người nhận ra và ủng hộ tích cực chiến lược này trong thời gian dài. Việc Sách Trắng Quốc Phòng Australia 2013 đề cập tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như là một khu vực quan trọng trong chiến lược an ninh của nước này khẳng định triển vọng và tính đúng đắn của tư duy mới.
Việc “nâng tầm” đã được giới học giả về chiến lược và quan hệ quốc tế đón nhận một cách sôi nổi với hàng loạt trao đổi và toạ đàm. Và tới cuối năm 2017 khi Mỹ chính thức công nhận thì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã vượt qua một ngưỡng mới và trở thành thuật ngữ và bản đồ chiến lược mới của thế kỷ XXI. Với Mỹ, việc mở rộng khái niệm này nhằm gắn kết sự tham gia của Ấn Độ, đồng thời phần nào thể hiện sự khác biệt so với chính quyền cũ với khái niệm “Tái cân bằng”.
TẠI SAO ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG?
Tuy đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết so với trước, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn là một ý tưởng đang hình thành. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần phải làm rõ như những nước nào được coi là thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và những bước phát triển tiếp theo là gì? Nhưng dù quy mô của khu vực này tới đâu thì có một điều không thể phủ nhận: Ấn Độ Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ XXI bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế.
Tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt, và hàng hoá trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trung bình mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua Eo biển Hormuz và 15.2 triệu thùng qua Eo biển Mallacca. Mặt khác, đây cũng là vùng biển nổi tiếng bất ổn định với nạn cướp biển và khủng bố. Trong khi đó năng lực hàng hải của các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đảm bảo an ninh cho tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới được các quốc gia đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh các yếu tố về chống cướp biển, khủng bố, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn thì còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong những năm trở lại đây, với Sáng Kiến Vành Đai & Con Đường (BRI), Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á, và Châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Nhiều dự án làm dấy lên hoài nghi và sự lo ngại ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ. BRI bị phương Tây chỉ trích là thiếu minh bạch, chất lượng thấp, xâm phạm lãnh thổ và làm nhiều nước nghèo ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, sự tham gia ở mức độ khác nhau của đông đảo các nước trong khu vực vào sáng kiến này cho thấy sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc.
Không những chỉ tăng cường mở rộng ảnh hưởng bằng kinh tế, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương với căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti phía đông Châu Phi và đang xúc tiến mở thêm các căn cứ không-hải quân khác. Trước nguy cơ lợi ích địa chính trị, kinh tế và các giá trị cốt lõi của mình trong khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các cường quốc có liên quan đã nhận thấy cần phải có chiến lược để đối trọng với Trung Quốc. Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã thể hiện rõ tầm nhìn đó.
NHỮNG NHÂN VẬT CHÍNH
Bốn nước và cũng là các cường quốc về kinh tế, quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Đây là những nước thành viên của nhóm “Đối thoại an ninh bốn bên” (gọi tắt là nhóm “Bộ tứ,” hay “Tứ giác kim cương”) được hình thành từ năm 2007 do sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Quan điểm của chính quyền bốn nước về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mặc dù rất gần với nhau nhưng cũng không hoàn toàn trùng khớp. Trong khi Mỹ cho rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực trải từ bờ tây nước này tới bờ tây Ấn Độ thì tầm nhìn của Nhật Bản lại tham vọng hơn khi mở rộng tới tận bờ đông của Châu Phi. Tuy chưa có định nghĩa chính thức của mình nhưng Ấn Độ có quan điểm tương tự Nhật Bản; còn cách nhìn của Australia về cơ bản giống Washington. Một điểm chung nổi bật đó là: dù còn khác biệt về quan điểm nhưng cả bốn nước đều ủng hộ và nhấn mạnh vai trò trung tâm của Ấn Độ với chiến lược mới. Ấn Độ có tiềm năng và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm an ninh khu vực.
ẤN ĐỘ
Ngày càng có nhiều nhận định từ giới quan sát quốc tế về Ấn Độ như là một siêu cường tương lai. Nước này đã vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế chủ đạo có mức độ tăng trưởng cao nhất thế giới (7.1% năm 2016 so với 6.7% của Trung Quốc). Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Về quân sự, Ấn Độ là một trong chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội đông thứ hai thế giới. Không như Trung Quốc, sự trỗi dậy của Ấn Độ lại được các nước Phương Tây đón nhận một cách tích cực, vì cho rằng một nước dân chủ Ấn Độ chính là minh chứng rõ nhất rằng chế độ chuyên quyền không phải là hình thức duy nhất có thể quản trị hơn một tỉ người cùng lúc đem lại thịnh vượng và phát triển.
Mặc dù là nước có diện tích lớn nhất ở Nam Á, Ấn Độ khá biệt lập trong giao thương đường bộ do vùng biên giới phía bắc địa hình hiểm trở. Chính vì vậy không quá bất ngờ khi 95% khối lượng, 68% giá trị thương mại của Ấn Độ đến từ Ấn Độ Dương. Do tranh chấp biên giới với hai nước láng giềng là Pakistan và Trung Quốc, Ấn Độ đã tích cực tìm kiếm đối tác an ninh và thương mại ở khu vực Đông Á mà tiêu biểu là Nhật Bản ở phía Bắc và khối ASEAN ở phía Nam. Nhật Bản và Ấn Độ đã âm thầm phát triển mối quan hệ đối tác quân sự gần gũi gần hai thập kỷ với những thoả thuận cụ thể về chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ và duy trì các cuộc tập trận chung quy mô lớn.
Với khối ASEAN, thương mại hai chiều Ấn Độ – ASEAN đã tăng từ 12 tỉ USD năm 2001 lên 70 tỉ năm 2017. Khối ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ. Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối nước này với Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Nam Á lục địa. Các dự án như Đường cao tốc Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan cùng với Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hành lang kinh tế phía Nam sẽ kết nối Đà Nẵng, TP.HCM, Phnom Penh, Bangkok với Yangon và New Delhi thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, văn hoá và quốc phòng trong khu vực. Việc lãnh đạo của cả mười nước ASEAN đều có mặt tại Ấn Độ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hoà 26/01/2018 là sự kiện chưa từng có và đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác xuyên Á và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
NHẬT BẢN
Là một quốc đảo khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, sự phụ thuộc của Nhật Bản vào các tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương là không cần bàn cãi. Chia sẻ sự lo ngại về Trung Quốc với Ấn Độ, trong nhóm “Bộ tứ” Nhật Bản là nước đầu tư mạnh mẽ và toàn diện nhất cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao phủ hai châu lục (Châu Á & Châu Phi) và hai đại dương (Ấn Độ Dương & Thái Bình Dương). Hai trụ cột cho “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Nhật Bản là duy trì an ninh và tự do hàng hải và cải thiện sự gắn kết khu vực.
Các hoạt động hợp tác quân sự đa phương được đẩy mạnh đặc biệt giữa Nhật Bản với Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam. Trong chuyến thăm vào tháng 1/2017 tới Hà Nội, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam. Trước đó, Phillipines cũng đã nhận được 10 tàu tuần tra từ Nhật Bản vào năm 2016.
Thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nước này đã hỗ trợ tài chính cho hàng loạt các quốc gia trong khu vực để cải thiện cơ sở hạ tầng đường biển như Mozambique, Kenya, Madagascar, Oman, Ấn Độ, Myanmar. Tháng 5/2015, Nhật Bản công bố kế hoạch sử dụng 110 tỉ USD cho “Hành lang tăng trưởng Á – Phi” trong 5 năm để đầu tư vào các dự án hạ tầng kết nối kinh tế giữa hai lục địa. Với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình, Nhật Bản đang nỗ lực cung cấp một phương án hợp tác kinh tế – quân sự khác cho các nước trong khu vực để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
AUSTRALIA
Mặc dù là nước ủng hộ và phổ biến khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ sớm và là nơi giới học giả có những trao đổi sôi nổi với tần suất cao, Australia dường như vẫn chưa hình thành một chiến lược cụ thể cả về kinh tế và quân sự cho khu vực này. Có bờ biển giáp cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, lại được dự báo sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí ga hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vào năm 2020, Australia có những lợi ích và tiềm năng rõ ràng với khu vực này. Thủ tướng Turnbull đã có những động thái khuyến khích Mỹ quay trở lại tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cổ vũ giới doanh nghiệp Mỹ – Australia đầu tư nhiều hơn và cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên trong khoảng thời gian trước mắt, đóng góp lớn nhất của Australia vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ chỉ dừng lại ở hợp tác quân sự như các cuộc tập trận chung và các chiến dịch “Tự do hàng hải” tiến hành cùng các đồng minh.
MỸ
Mỹ sẽ gần như không thể cạnh tranh Trung Quốc về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh chính trị trong nước khi gói đầu tư cơ sở hạ tầng nội địa vẫn bế tắc và bức tường biên giới “to với một cánh cửa đẹp” của Tổng thống Trump vẫn chỉ đang dừng lại ở mức hàng rào. Tuy nhiên đóng góp quan trọng nhất của Mỹ sẽ ở khía cạnh hợp tác quân sự.
Đầu tháng 2/2018, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý định sẽ đề cử Thống đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương làm Đại sứ Mỹ tại Australia. Harris là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngay sau chuyến đi tới Châu Á của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Đại sứ Tina Kaidanow, người đứng đầu Vụ các vấn đề Chính trị – Quân sự cũng đã có hai chuyến đi riêng rẽ tới Việt Nam để thảo luận về mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước. Một trong những kết quả rõ rệt nhất là chuyến thăm khiến Trung Quốc nhíu mày của tàu sân bay USS Carl Vinson tới cảng Tiên Sa, Đà Nẵng đầu tháng tháng 3/2018.
Với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình, chính quyền Trump đã đề xuất ngân sách quốc phòng 2019 ở mức 716 tỉ USD, tăng 7% so với đề xuất cho năm 2018 và 13% so với chi tiêu quốc phòng 2017. Ở thời điểm hiện tại, tiềm lực quân sự của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn có ưu thế lấn át. Việc đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng của nước này có lẽ sẽ tạo điều kiện cho mở rộng hợp tác quân sự và hỗ trợ nhiều hơn cho các đồng minh và đối tác trong khu vực.
CÁC NƯỚC ASEAN
Mặc dù không được biết đến như một người luôn nói thật nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không “ngoa” khi gọi Việt Nam là “trái tim của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” khi tham dự APEC 2017. ASEAN chính là minh hoạ chân thực nhất khi Thủ tướng Nhật Bản nhắc tới “sự hợp lưu của hai đại dương.” Đây có thể được coi là khu vực đa dạng nhất về văn hoá, chính trị, tôn giáo và hình thái xã hội với ảnh hưởng sâu rộng từ Ấn Độ, Trung Quốc và phương Tây.
Về kinh tế, ASEAN là một trong những khu vực năng động phát triển năng động nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao. Nhiều nhà quan sát cho rằng trọng tâm động lực của kinh tế thế giới không chỉ đang dịch chuyển từ Tây sang Đông (Mỹ & châu Âu sang châu Á) mà còn từ Bắc xuống Nam (Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á). Số liệu cho thấy từ năm 2013 – 2016 khu vực ASEAN thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn Trung Quốc.
Ngoài những tiềm năng về kinh tế, quan trọng hơn, ASEAN còn nắm giữ vị trí địa chính trị quan trọng hàng đầu. Eo biển Malacca kết nối Ấn Độ Dương vào Biển Đông là cửa ngõ để hàng hoá và năng lượng từ Trung Đông, Ấn Độ đi tới Đông Bắc Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giống như bản chất của chính ASEAN, quan điểm của các nước trong khu vực cũng rất đa dạng. Trong khi Việt Nam, Singapore, Indonesia và Thái Lan ngày càng thể hiện rõ sự ủng hộ chiến lược mới thì những nước nằm trong tầm ảnh hưởng lớn của Trung Quốc như Philipines, Malaysia, Campuchia lại giữ im lặng.
NHỮNG ẨN SỐ VỚI CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Để chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đạt được kết quả và dấu ấn, sẽ còn nhiều ẩn số phải giải đáp. Trước hết, cần lưu ý rằng ý tưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên bốn trụ cột là Mỹ, Nhật, Ấn, Australia và trùm lên đó là tấm màn tầm nhìn về một khu vực tự do, rộng mở. Bốn nước dường như ở những vai tương đối ngang nhau.
Còn tấm màn tầm nhìn đó lại không phải là một cơ chế ràng buộc thiết thực gì trong thời điểm hiện tại, và nó đặc biệt mơ hồ chưa rõ rằng mục đích chính đằng sau là đem lại lợi ích cho khu vực, cho bốn nước nói riêng hay để kiềm tỏa Trung Quốc. Trong thời kỳ hiện đại, nhìn chung các tập hợp lực lượng của phương Tây đều có một cường quốc dẫn dắt, đó là Mỹ. Bối cảnh nội bộ nước này hiện nay liệu có cho phép chính quyền Tổng thống Trump thực hiện những toan tính đối ngoại của mình hay không là một câu hỏi sẽ còn bỏ ngỏ trong thời gian tới.
Bốn nước trụ cột của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đều là cường quốc, phân bổ ở 4 vị trí địa lý khá xa nhau. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi nước có một đặc điểm tình hình, lợi ích và tầm nhìn khu vực riêng. Việc điều phối, phân vai của nhóm sẽ không đơn giản. Sự khác biệt của nhóm “Bộ tứ” này với NATO, SEATO hay đơn thuần là liên minh Mỹ – Nhật – Hàn đó là khoảng cách địa lý. Muốn phối hợp tốt, ít nhất về mặt quân sự hay đảm bảo an ninh biển sẽ đòi hỏi phải có kinh phí, năng lực quản trị và sự hiểu biết lẫn nhau tương đối sâu sắc. Đây là điều còn thiếu.
Quan trọng hơn nữa, sự hình dung ra một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn mơ hồ và chưa nhận định được vai trò của các nước khác trong khu vực, trong đó bao gồm các nước ASEAN, Hàn Quốc, và cả Pakistan cũng như các nước Châu Phi. Không thể không tính đến vai trò của các nước “ngoài Bộ tứ” này. Họ có thể không tham gia, nhưng nếu một vài nước này không ủng hộ thì sẽ rất khó để tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành hiện thực, bởi lẽ: biển không phải của riêng ai.
Điều đáng lo ngại cũng nằm ở tính khả thi. Tầm nhìn ý tưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được phác họa đẹp đẽ, nhưng chưa nêu rõ rằng liệu các nước sẽ phải phân bổ nguồn lực kinh tế, chính trị, quân sự như thế nào. Dường như hiện nay mới chỉ nêu nhiều về giá trị, và một vài hướng giải pháp về quân sự, nhưng nội hàm về kinh tế chưa có gì. Việc Mỹ rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc quốc gia này rút một chân kinh tế và đẩy mạnh một chân quân sự tại khu vực. Với tình hình thế giới nhìn chung vẫn ưa chuộng hòa bình và hợp tác như hiện nay, thiếu vắng một trụ cột về kinh tế sẽ khiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở nên kém hấp dẫn, nhất là khi BRI đang được đẩy mạnh.
Ẩn số cuối cùng cần phải nói đến đó là phản ứng và đối sách của Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc vẫn giữ thái độ tương đối kín tiếng về ý tưởng này, trong khi họ tập trung vào củng cố nội bộ và phát triển các ý tưởng và con đường đi ra ngoài của riêng mình. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ làm gì là một điều còn bỏ ngỏ.
Nguồn: Zing News