17/05/1970: Hải trình chứng minh người châu Phi cổ đại từng tới châu Mỹ

Nguồn: Heyerdahl sails papyrus boat, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1970, nhà dân tộc học người Na Uy Thor Heyerdahl và một thủy thủ đoàn đa quốc gia đã xuất phát từ Morocco qua Đại Tây Dương trên Ra II, một chiếc thuyền buồm bằng giấy papyrus được làm theo mẫu thuyền cổ Ai Cập. Heyerdahl đã cố gắng chứng minh giả thuyết của mình rằng người dân ở các nền văn minh Địa Trung Hải đã đi thuyền đến châu Mỹ vào thời cổ đại và trao đổi văn hoá với người dân Trung và Nam Mỹ. Ra II đã đi qua 4.000 dặm hải trình đến Barbados trong vòng 57 ngày.

Sinh tại Larvik, Na Uy vào năm 1914, Heyerdahl ban đầu theo học ngành động vật học và địa lý tại Đại học Oslo. Năm 1936, ông cùng vợ đến Quần đảo Marquesas để nghiên cứu hệ thực vật và động vật ở quần đảo Thái Bình Dương xa xôi này. Ông bắt đầu bị cuốn hút bởi câu hỏi về việc làm thế nào mà người ta có thể đến sinh sống tại khu vực Polynesia.

Quan điểm phổ biến ở thời điểm đó (và cả ngày nay) là những người đi biển cổ đại vùng Đông Nam Á đã đến sống tại Polynesia. Tuy nhiên, vì hướng gió và các dòng hải lưu ở Thái Bình Dương thường đi từ đông sang tây, và vì các thực vật của Nam Mỹ như khoai lang cũng được tìm thấy ở Polynesia, Heyerdahl phỏng đoán rằng một số cư dân Polynesia có thể có xuất thân từ Nam Mỹ.

Để khám phá lý thuyết này, ông đã dựng bản sao của một chiếc thuyền kiểu Nam Mỹ thời tiền sử từ gỗ Balsa của Ecuador. Chiếc thuyền được đặt tên theo tên một vị thần Inca, Kon-Tiki. Heyerdahl và một thủy thủ đoàn nhỏ đã rời Callao, Peru, vào tháng 04/1947, đi qua hải trình dài 5.000 dặm, và đến Polynesia sau 101 ngày. Heyerdahl đã kể lại câu chuyện về hải trình vĩ đại này trong cuốn Kon-Tiki (1950) và trong bộ phim tài liệu cùng tên, vốn đã đoạt giải Oscar năm 1952 cho phim tài liệu hay nhất.

Heyerdahl sau đó còn quan tâm đến khả năng có tiếp xúc văn hoá giữa những cư dân thời kỳ đầu ở Châu Phi với Trung và Nam Mỹ. Một số điểm tương đồng về văn hoá, như tầm quan trọng chung của việc xây dựng kim tự tháp trong nền văn minh Ai Cập và Mexico cổ đại, có lẽ đã gợi ý về một mối dây liên kết. Để kiểm tra tính khả thi của việc du hành xuyên Đại Tây Dương, năm 1969, Heyerdahl tiếp tục dựng một bản sao của chiếc thuyền cổ làm bằng giấy papyrus của Ai Cập với sự trợ giúp của nhiều thợ đóng truyền thống từ Hồ Chad ở Trung Phi. Được tạo ra ngay dưới chân Kim tự tháp và được đặt tên theo tên Thần Mặt trời Ra, chiếc thuyền sau đó được vận chuyển tới Safi ở Morocco, điểm khởi hành để đến vùng Caribbean vào ngày 24/05/1969. Các khiếm khuyết trong thiết kế và các vấn đề khác đã khiến chiếc thuyền chìm vào tháng 07, cách đích đến chỉ 600 dặm. Đến lúc đó nó đã đi được 3.000 dặm.

Không chút nản lòng, Heyerdahl tiếp tục tạo chiếc thuyền giấy thứ hai mang tên Ra II, với sự trợ giúp của các thợ đóng thuyền người da đỏ Aymaro từ Hồ Titicaca ở Bolivia. Sau đó, với thủy thủ đoàn đa quốc gia gồm 7 người, Ra II đã khởi hành từ Safi vào ngày 17/05/1970. Sau chuyến đi dài 57 ngày và 4.000 dặm, tàu đến được Barbados. Câu chuyện về chuyến đi này cũng được ghi lại trong cuốn The Ra Expeditions (1971) và trong một bộ phim tài liệu.

Năm 1977, Heyerdahl dẫn đầu cuộc thám hiểm Tigris, trong đó ông chỉ huy con tàu làm bằng lau sậy từ sông Tigris ở Iraq tới Vịnh Ba Tư, qua Vịnh Ả Rập đến Pakistan và cuối cùng đến biển Đỏ. Mục đích của cuộc thám hiểm là để xác định khả năng có sự tiếp xúc giữa các nền văn hoá lớn của Lưỡng Hà, Thung lũng Indus, và Ai Cập qua đường biển. Heyerdahl sau đó đã tiến hành các cuộc thám hiểm nghiên cứu đến Đảo Phục Sinh và một khu khảo cổ học Tucume ở miền bắc Peru. Tuy nhiên, phần lớn những ý tưởng của Heyerdahl đã không được chấp nhận bởi các nhà nhân học chính thống.