Trung Quốc đang gặm nhấm châu Âu ra sao? (P4)

Biên dịch: Việt Xuân

TIỀN TRUNG QUỐC LẠI TRỞ VỀ TÚI NGƯỜI TRUNG QUỐC

Nếu ước muốn của giới lãnh đạo Trung Quốc trở thành hiện thực thì chẳng mấy chốc 300 triệu người Trung Quốc sẽ trượt tuyết hoặc trượt băng. Cả Thụy Sĩ và Lapland của Phần Lan đều muốn họ đến với mình. Nhưng, lợi nhuận thu được sẽ rơi vào túi người dân địa phương hay người Trung Quốc?

Jungfrau. Nhân viên soát vé Stefan Ritschard bắt đầu gắn những tấm biển nam châm vào thành các toa tàu để đánh dấu chỗ ngồi, mặc dù tàu đang chạy chậm lại.

Từ ga tàu Lauterbrunnen dưới chân núi Jungfrau có tàu chạy thẳng đến sông băng nổi tiếng của Thụy Sĩ, dọc theo con đường ngầm được đào sâu trong lòng núi. Chuyến tàu tiếp theo sẽ có một nhóm người Trung Quốc và một nhóm người Hàn Quốc.

Vậy nên cần phải có một tấm bảng nữa. Miếng gỗ đỏ sẽ tách các nhóm du khách riêng ra.

”Đây là ý muốn của người Trung Quốc,” Ritschard cho biết. Họ không muốn ngồi lẫn vào các nhóm du khách châu Á khác, nhất là người Nhật. Lý do được đưa ra là những bài học lịch sử và sự căng thẳng giữa hai nước hiện nay.

Con tàu chuyển tiếp đang đến đường ray bên cạnh và Ritschard bắt đầu hướng dẫn các nhóm khách vào chỗ của mình. Trước hết là nhóm người Hàn Quốc, sau đó là nhóm Trung Quốc. Jun Cui, hướng dẫn viên của nhóm người Trung Quốc đang lách qua những chiếc va li.

“Đây là tầng lớp trung lưu bậc trên và tầng lớp đại gia từ Thượng Hải,” Jun thì thào nói về nhóm khách 20 người của anh ta. Điều đó có nghĩa là phải cẩn thận khi chụp ảnh và hỏi chuyện họ.

Nhóm này bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh châu Âu từ Roma. Trong vòng 13 ngày, họ có ý định đi qua 13 địa điểm khác nhau mà điểm cuối cùng là Paris.

Những người Trung Quốc này đến Thụy Sĩ chỉ vì núi Jungfrau. Trên đỉnh núi có sông băng và tuyết vĩnh cửu, nhưng đó không phải thắng cảnh chính với tất cả mọi người.

Giữa dòng sông băng trên độ cao 3.571m có một cửa hàng. Ở đó có bán những loại đồng hồ Thụy Sĩ rất nổi tiếng.

Nhóm của Jun Cui gồm những du khách Trung Quốc điển hình theo nhiều cách hiểu. Họ đến từ một thành phố lớn đang phát triển rất nhanh, đi trong một đoàn lớn và muốn được đến thăm những thắng cảnh nổi tiếng nhất của châu Âu.

Năm 2016 người Trung Quốc ngủ qua đêm ở lãnh thổ châu Âu 25 triệu lần, gấp ba lần so với mười năm trước.

Con số này dù sao cũng rất nhỏ so với số dân 1,4 tỉ người của Trung Quốc. Hiện nay EU bắt đầu một chiến dịch mời gọi du khách Trung Quốc đến đây. Ủy Ban châu Âu đã lấy năm 2018 làm năm du lịch Trung Quốc và EU.

Khả năng tăng trưởng du lịch là có vì mức sống của người dân Trung Quốc đã nâng cao và việc du lịch đến châu Âu là nằm trong khả năng của ngày càng nhiều người.

Nhưng không phải tất cả khách du lịch Trung Quốc đi theo nhóm lớn mà số lượng người tự đi ngày càng tăng. Thụy Sĩ, quốc gia không thuộc EU, đã có năm du lịch của riêng mình với Trung Quốc vào năm ngoái. Ở Thụy Sĩ năm du lịch này không chỉ là hoạt động ngoại giao cơ bản của các nhân viên ngoại giao mà ngay chính chủ tịch Trung Quốc đã đến tận nơi để khai trương.

Điều đó đã lập tức có tác dụng. Lượng khách từ Trung Quốc đến Thụy Sĩ tăng 12%. Nhiều tuyến bay đã được mở ra và các trung tâm trượt tuyết của Thụy Sĩ đã nhận nhiều hướng dẫn viên trượt tuyết người Trung Quốc.

Song, lượng khách Trung Quốc tăng nhanh như vậy không làm tất cả hài lòng.

***

Trước đây cánh cửa luôn rộng mở. Còn bây giờ dưới sảnh có một camera ghi hình.

Hãng tàu hỏa Jungfraubahn đưa khách du lịch lên đỉnh núi của Thụy Sĩ buộc phải lắp camera và cửa an toàn sau khi Urs Kessler, giám đốc điều hành của công ty, nhận được lời đe dọa tới tính mạng.

Nguyên nhân dẫn đến lời đe dọa này là những dự định lớn của Kessler dành cho người Trung Quốc đến vùng Jungfrau.

“Bây giờ việc phản đối sự thay đổi đang là mốt,” Kessler nói về động cơ của những người đe dọa.

Lời đe dọa đó đến từ người dân địa phương. Họ phản đối ý định xây thêm một tuyến cáp treo mới phục vụ cho khách du lịch của công ty mà Kessler làm giám đốc.

Tuyến cáp treo này sẽ giúp giảm thời gian lên đỉnh Jungfrau khoảng 47 phút. Bởi vì đối với những du khách Trung Quốc chỉ thăm châu Âu trong vòng mấy ngày thì thời gian rút ngắn đó cũng đáng kể.

“Tương lai là phải nhanh và hiệu quả. Người Trung Quốc muốn xem được nhiều trong khoảng thời gian ngắn,” Kessler nêu lý do vì sao công ty ông đưa ra ý định đó.

Kessler biết rõ khách du lịch Trung Quốc muốn gì. Ông ta đã bắt đầu thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc từ năm 1996, khi việc đi du lịch của người Trung Quốc còn khó khăn hơn bây giờ rất nhiều.

Chỉ một con sông băng thì không đủ, cần có các cửa hàng bán đồng hồ và các mặt hàng có thương hiệu. Người Trung Quốc có lẽ rất hà tiện trong ăn ở, nhưng họ sẵn sàng mở hầu bao cho những thứ hàng hiệu đắt tiền.

Người Trung Quốc chỉ chiếm 15% du khách của Jungfraubah, nhưng họ mang lại cho vùng này tới 50% thu nhập,” Kessler cho biết.

Điểm đến của chuyến đi bằng cách nào đó phải rất nổi tiếng để thu hút được người Trung Quốc. Chúng ta cần đến cảnh đẹp nơi người ta muốn chụp ảnh và gửi ảnh về Trung Quốc qua WeChat hay Weibo.

“Thương hiệu là tất cả,” Kessler nói.

Chính vì vậy mà hàng năm ông ta đều tổ chức những sự kiện lớn trên sông băng và được giới truyền thông quan tâm, kể cả ở Trung Quốc. Càng khuếch trương càng tốt. Truyền thông Trung Quốc cũng được mời đến dự.

Trên tường trong phòng làm việc của Kessler có một bức ảnh trong đó siêu sao tennis người Thụy Sĩ rất được yêu thích ở Trung Quốc là Roger Federer đang chơi tennis với ngôi sao trượt tuyết Lindsey Vonn. Họ chơi trên sân làm trên sông băng. Trận đấu được tổ chức để chào mừng sự kiện khai trương đài phun sô cô la mới trong cửa hàng sô cô la trên đỉnh núi.

Trong bức ảnh thứ hai là ngôi sao Trung Quốc, Deng Ziqi, đang biểu diễn ở giữa sông băng Jungfrau.

Năm nay sẽ có một sự kiện golf. Ai thành công trong một cú đánh hole in one thì sẽ được thưởng một chiếc đồng hồ Omega.

“Ngôi sao chính vẫn còn là điều bí mật,” Kessler mỉm cười bí hiểm.

Con tàu giật mình chuyển bánh rời ga Lauterbrunne và bắt đầu bám vào đường ray răng cưa leo lên đỉnh núi. Sau 15 phút một nửa hành khách Trung Quốc gật gà ngủ. Chuyến đi vòng quanh châu Âu đã khiến họ bắt đầu thấy mệt mỏi.

Những người còn thức thì dán mắt vào điện thoại của mình. Từ cửa sổ có thể nhìn thấy những con thác tràn nước xuống khi ánh nắng mùa xuân làm tuyết trên núi tan ra. Cảnh quan quốc gia của Thụy Sĩ đã bắt đầu hiện ra dọc đường tàu: những đỉnh núi đầy tuyết trắng, những đồng cỏ xanh ngắt của dãy Alps cùng với những ngôi nhà truyền thống.

Ngay sau vệt tuyết con tàu đỏ vàng chui vào đường ngầm trong núi Jungfrau. Khi tàu đến đỉnh núi, có thể cảm nhận được bầu không khí loãng trên đỉnh núi khi hít thở.

Từ sông băng này có thể nhìn thấy phong cảnh cách xa hàng ki lô mét, nhưng lúc này trời đầy mây và chỉ có thể nhìn xa được vài mét.

Điều đó có vẻ như không ảnh hưởng tới cặp vợ chồng Duan và Liyu trong nhóm của Jun Cui, vì bên trong ga tàu của sông băng có nhiều thứ khác để trải nghiệm.

Những gian hàng bán đồ lưu niệm Thụy Sĩ và dao nhíp. Một thế giới băng và một quả cầu thủy tinh khổng lồ đang phản chiếu ánh sáng.

Cặp vợ chồng thích thú ngắm chú sóc bông, con vật nổi tiếng trong bộ phim Ice Age, được đặt vào hốc băng, Rất nhiều ảnh được chụp phía trước nó.

Cảnh quan quốc gia bắt đầu lùi xa tít tắp. Quang cảnh trước mắt gợi nhớ đến Disney Land nhiều hơn.

Cầu thang máy ở phía đầu kia của đường ngầm đã đưa du khách lên cửa hàng bán đồng hồ. Trong gian hàng nhỏ hẹp này có tới 6 người bán hàng mà 4 trong số đó là người Trung Quốc. Còn khách hàng tất cả đều là người châu Á.

Những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ lấp lánh xếp hàng trong các ngăn tủ. Trung bình mỗi lần mua là từ 4.000-6.000 euro.

Thụy Sĩ và đồng hồ nằm ngay bên đường mà những người Trung Quốc tiến đến Tây và Nam Âu. Nhiều người muốn đến đây bởi vì họ nghe danh tiếng của những nhân vật xuất chúng của Pháp và Italia thời kỳ Phục hưng.

Du khách Trung Quốc không biết nhiều về văn hóa của người Phần Lan, hướng dẫn viên du lịch có tên Juna, người đã từng hướng dẫn khách du lịch trong nhiều năm qua đã nói như vậy.

Nhưng giờ đây điều này đã thay đổi.

***

Một người đàn ông trong trang phục sẫm màu đang đi đi lại lại trên sân khấu. Khán giả đung đưa những biển quảng cáo sáng lóa. Trên video có thể thấy được ông già Noel đang ngồi trên xe trượt do tuần lộc kéo tiến vào như thế nào.

Người đàn ông là Chris Tang, giám đốc tiếp thị của Alibaba, hãng bán hàng online lớn nhất của Trung Quốc và thế giới. Đó là năm 2016 và đây là sự kiện tiếp thị tại Rovaniemi (Phần Lan – ND) được truyền đến hàng trăm triệu gia đình Trung Quốc.

Trong sự kiện đó Tang đã hứa sẽ đưa đến Lapland mỗi năm 50.000 du khách từ Trung Quốc. Trong thực tế con số nhỏ hơn nhiều, song nó đang tăng lên đáng kể.

“Lapland là điểm đến số 1 ở Phần Lan của du khách Trung Quốc. Vùng đất này đang thách thức những điểm đến truyền thống ở châu Âu,” Antti Honkanen, nhà nghiên cứu du lịch từ đại học Lapland đồng thời là giám đốc viện nghiên cứu và đào tạo du lịch, nói như vậy.

Rovaniemi thu hút du khách vì đường giao thông đến đó rất thuận tiện. Du khách Trung Quốc vẫn còn chưa muốn đi xa hơn để thám phá thiên nhiên.

Theo ông Antti Honkanen, môn trượt tuyết được ưa thích nhất của người Trung Quốc là: leo lên ván trượt tuyết, ngã, cười khoái chí, chụp vài kiểu ảnh.

Cách hiểu về Phần Lan có tác động đến người Trung Quốc khác hẳn với cách hiểu về chính mình của người Phần Lan. Đối với du khách Trung Quốc điểm hấp dẫn lớn là làng sản xuất đồ lưu niệm của Ông già Noel ở Vòng cung Bắc Cực.

Theo Honkanen, ở Lapland hiện nay người ta cũng đang trăn trở với những vấn đề như một số nơi khác ở châu Âu. Khi nào thì cảnh quan quốc gia trở thành phông nền làm vừa lòng khách du lịch?

“Tất nhiên có thể nói rằng làng của ông già Noel ở Vòng cung Bắc Cực đã khác xa với bản gốc của nó,” Honkanen nói.

Ông cũng nhắc lại rằng đây là nghịch lý cổ điển của ngành du lịch: người ta đến để chiêm ngưỡng cái có thật, nhưng ngành du lịch lại làm giảm tính chân thực đó đi.

Có lẽ không lâu nữa đất Lapland băng giá sẽ là một địa điểm khác hẳn với du khách Trung Quốc.

Năm 2022 Olympic mùa đông sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh. Người Trung Quốc đã đầu tư vào các môn thể thao mùa đông rất nhiều tiền, bởi vì họ muốn gặt hái nhiều thành công trên sân nhà. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố là muốn có được 300 triệu người Trung Quốc chơi các môn thể thao mùa đông.

“Cho dù con số ấy không đúng trên thực tế thì chỉ cần 100 triệu người Trung Quốc quan tâm đến các môn thể thao mùa đông cũng đã tạo ra một thị trường rất lớn,”Urs Kessler, Giám đốc điều hành công ty vận chuyển hành khách ở Thụy Sĩ, nói như vậy.

Những người Trung Quốc trượt tuyết trong tương lai là một lý do khiến Kessler muốn xây cáp treo mới dẫn lên núi. Nó sẽ giúp giảm lượng người xếp hàng lên đỉnh núi vào mùa đông. Người Trung Quốc không thích xếp hàng.

Theo ông Antti Honkanen, ở Lapland người ta cũng đã lưu ý đến mong muốn của lãnh đạo Trung Quốc về hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ làm bạn với các môn thể thao mùa đông. Đã có những dự định liên quan đến điều đó, song “chưa tiết lộ được.”

***

Những cuộc cạnh tranh đã xuất hiện không chỉ giữa các điểm đến vào mùa đông mà giữa nguồn đầu tư rót vào các điểm đó.

Tiền Trung Quốc thường tìm được đường trở về túi người Trung Quốc, Urs Kessler nói.

Du khách Trung Quốc thích tìm đến những nhà hàng và khách sạn do người Trung Quốc sở hữu hơn, ngay cả ở châu Âu cũng thế.

“Điều đó rất khó ngăn cản,” Kessler chia sẻ.

Ngay cả ở Lapland người ta cũng đang lo sợ ngày càng nhiều tiền do du khách Trung Quốc đem đến lại quay về túi người Trung Quốc.

Ví dụ: khách sạn Nova Skyland ở Lapland là do người Trung Quốc làm chủ. Theo Honkanen trong khu vực này cũng có những lời đồn đại về các điểm đầu tư khác của người Trung Quốc.

Viễn cảnh đáng sợ của các doanh nhân làm du lịch hiện nay ở Phần Lan là trong tương lai các công ty Trung Quốc sẽ đưa du khách Trung Quốc đến thẳng những khách sạn do người Trung Quốc sở hữu và nơi người làm việc chủ yếu là người Trung Quốc. Như thế tiền người Trung Quốc mang đến lại quay về túi của người Trung Quốc.

“Đây là mối đe dọa thực sự và nên được quan ngại đúng mức,” Honkanen cảnh báo. Ngay bây giờ du khách Trung Quốc đã mua những đồ lưu niệm “made in China’ rồi.

Doanh nhân Kessler của Thụy Sĩ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thương hiệu hóa các điểm du lịch. Chắc chắn một đầu bếp Trung Quốc sẽ xào mỳ ngon hơn, nhưng ga trải giường và dọn dẹp trong khách sạn thì ai cũng làm được.

Thế nhưng du khách Trung Quốc chỉ mua đồng hồ Thụy Sĩ từ cửa hàng của Thụy Sĩ.

***

Du lịch cũng là chính trị. Việc chiếm Crimea năm 2014 dạy cho người Phần Lan điều đó. Khi đó sự trừng phạt của phương tây đối với nước Nga đã xua đuổi người Nga ra khỏi bán đảo, khiến các doanh nghiệp du lịch khốn đốn.

Trung Quốc cũng là quốc gia độc tài như Nga. Antti Honkanen nói rằng lượng khách Trung Quốc đến một lúc nào đó cũng sẽ chững lại. Nếu nguyên nhân không phải là một vấn đề chính trị thì nền kinh tế Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ chững lại.

Theo Honkanen thì chính vì điều đó nên việc hoạch định du lịch Lapland không chỉ dựa vào du khách Trung Quốc.

Thụy Sĩ đã từng nhận sự tức giận của Trung Quốc vào năm 1999.

Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã bất ngờ từ chối bắt tay Tổng thống Thụy Sĩ giữa chuyến thăm cấp nhà nước và nói Thụy Sĩ đã đánh mất một người bạn tốt. Nguyên nhân của việc này là một tấm biển “Free Tibet” (Tả tự do cho Tây Tạng) đặt ở một chỗ rất dễ nhìn thấy ở thủ đô Bern.

Sau đó là một thời kỳ đóng băng dài.

Phải đến năm 2017, mới có cuộc viếng thăm chính thức tiếp theo của lãnh đạo nhà nước Trung Quốc đến Thụy Sĩ, trong chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình, người ta đã hạn chế các cuộc biểu tình mà vì thế năm Du lịch mới được khai trương. Khi đó không ai nói gì về nhân quyền ở Trung Quốc, và các nhà lãnh đạo chỉ cùng đứng chụp ảnh với một con gấu trúc bằng băng đang cầm ván trượt tuyết.

Khi lượng du khách Trung Quốc ở châu Âu ngày càng tăng thì các công ty của châu Âu càng dễ chịu sức ép của các cấp lãnh đạo Trung Quốc.

Vào tháng Năm người ta đưa tin rằng Trung Quốc yêu cầu các hãng hàng không của nước ngoài coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ đã từ chối, nhưng nhiều hãng của châu Âu buộc phải phục tùng. Hãng Swiss của Thụy Sĩ và Finnair của Phần Lan bây giờ coi Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc.

***

Wang Yueyue, 21 tuổi, sinh viên Trung Quốc, hiếm khi được thấy mình tự do như thế này. Mặt sáng bừng vì sung sướng. Cô ta vừa nhảy dù xuống Interlaken. Phía sau cô là phong cảnh hướng lên núi Jungfrau.

“Đầu tiên tôi cũng hơi sợ một chút, nhưng rồi cảm giác mạnh nhất là tự do,” Wang giải thích. Phía sau cô liên tục có các du khách Trung Quốc tiếp đất. Bên cạnh cô, những người khác đang chụp ảnh cảnh tiếp đất.

Cô là sinh viên sang trao đổi ở Pháp một năm. Cuộc sống của Wang ở Trung Quốc chỉ học và học. Ở châu Âu thì cô còn kịp hưởng thụ cuộc sống nữa.

Thế nhưng chân kia của Wang gắn chặt ở Trung Quốc. Dây dù quấn xung quanh, đầu vẫn đội mũ nhưng cô đã gửi những bức ảnh đầu tiên lên WeChat. Cô rất thích khi thấy có nhiều du khách đồng hương ở Thụy Sĩ. Ở trên dãy Alps cô ăn đồ ăn Trung Quốc vì pho mát Fondue không hợp với cô.

Đối với Wang, chính trị có tầm quan trọng. Theo cô sẽ thú vị hơn nếu đến một đất nước thân thiện với mình. Cô thích Thụy Sĩ vì đất nước này trung lập và không phải là thành viên của EU.

“EU và Trung Quốc có quá nhiều bất đồng. Nhưng hai bên nên thảo luận để làm cho thế giới này được tốt hơn,” Wang nói.

Chiếc đồng hồ mới lấp lánh trên cổ tay cô.

Nguyên bản tiếng Phần Lan: “Kansallis­maisema vai kiinalaisten kulissi” do Suvi Turtiainen, Stina Tuominen, Eemeli Martti và Maria Tolsa thực hiện.