22/08/1914: Thương vong nặng nề trong Trận chiến Biên giới

Nguồn: Heavy casualties suffered in the Battles of the Frontiers, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1914, khi các lực lượng Pháp và Đức đối đầu nhau trên Mặt trận phía Tây trong tháng mở màn Thế chiến I, những cuộc chạm trán riêng lẻ của ngày hôm trước biến thành một trận chiến toàn diện trong các khu rừng thuộc Ardennes và tại Charleroi, gần ngã ba sông Sambre và Meuse.

Cuốn nhật ký của một người lính Đức đã mô tả sự hỗn loạn khủng khiếp của ngày hôm đó trên các chiến tuyến ở Tintigny, gần Ardennes, nơi Tập đoàn quân số 4 và số 5 của Đức đang chiến đấu chống lại các Tập đoàn quân số 3 và số 4 của Pháp. “ Không thể tưởng tượng được điều gì khủng khiếp hơn…Chúng tôi tiến quân quá nhanh – một người dân đã bắn vào chúng tôi – anh ta bị bắn ngay lập tức – chúng tôi được lệnh tấn công cánh của đối phương trong một rừng sồi – chúng tôi đã mất phương hướng – đội quân rơi vào tình thế nguy hiểm – kẻ địch đã nổ súng – đạn rơi xuống đầu chúng tôi như mưa đá.”

Trận Ardennes là trận đánh thứ hai trong loạt trận mang tên Trận chiến Biên giới — bốn cuộc xung đột đẫm máu đã diễn ra trong suốt nhiều ngày giữa quân Đức, Pháp và Anh trên Mặt trận phía Tây ở Pháp. Sau khi quân Pháp bị tiêu diệt bởi cánh trái quân Đức đang tiến quân ở Lorraine vào ngày 20 tháng 08, hai hành động đồng thời được khởi xướng vào ngày 21 và 22 tháng 08, tại Ardennes và xa hơn về phía bắc, tại làng Charleroi. Trận Charleroi chứng kiến Tướng Charles Lanrezac và Tập đoàn quân số 5 của Pháp đối đầu với Tập đoàn quân số 2 của Tướng Karl von Bulow.

Trong vòng chỉ một ngày duy nhất, ngày 22 tháng 8, khoảng 27.000 binh lính Pháp đã chết tại Ardennes và Charleroi. Trong trận chiến thứ hai, những người lính của von Bulow gia nhập với Tập đoàn quân số 3 của Đức, do Tướng Max Klemens von Hausen dẫn đầu, Tập đoàn quân này vào đêm ngày 22 tháng 08 đã mang bốn quân đoàn và 340 khẩu súng mới vào gia nhập cuộc chiến. Trong khi đó, Tập đoàn quân số 5 của Pháp theo kế hoạch sẽ được hỗ trợ bởi Lực lượng Viễn chinh Anh (BEF) mới đến. Tuy nhiên, một sự trì hoãn từ phía Anh và mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Lanrezac và chỉ huy của BEF, Sir John French, có nghĩa là thay vì hỗ trợ quân Pháp ở Charleroi, người Anh buộc phải chiến đấu trong trận chiến của riêng mình, Trận Mons, bắt đầu vào ngày 23 tháng 08, khi những người lính của Lanrezac tiếp tục chiến đấu một mình.

Tại Charleroi, với những con đường đầy những người tị nạn Bỉ đang hướng đến tổng hành dinh quân Pháp, Lanrezac biết được vào ngày 23 tháng 08 rằng quân đội Pháp đã thất bại khắp trên dọc chiến tuyến, từ Lorraine đến Meuse. Với việc quân đội của mình bị đẩy đến giới hạn tại Charleroi, ông đã đưa ra quyết định, mà không cần tham vấn tổng hành dinh quân Pháp, để ra lệnh một cuộc rút lui tổng thể. Căn cứ theo tài liệu của ông, Lanrezac tin rằng sự hủy diệt của Tập đoàn quân số 5 đồng nghĩa với thảm họa cho nước Pháp, như ông đã nói với một trong các sĩ quan của mình. “Chúng ta đã bị đánh bại nhưng tai họa này có thể sửa chữa được. Miễn là Tập đoàn quân số 5 còn sống sót, nước Pháp sẽ không bị mất. ”

Mặc dù Joffre và GQG (tổng hành dinh quân đội Pháp) đã không truy cứu quyết định của Lanrezac vào thời điểm đó, theo đó ngầm chấp nhận nó, nhưng vị tướng của Tập đoàn quân số 5 sau đó trở thành một vật tế thần cho thất bại trong chiến lược Kế hoạch 17 của Pháp trong Trận chiến Biên giới. Đó là một thất bại nặng nề thực sự đối với Pháp: khoảng 70 sư đoàn, hay khoảng 1,25 triệu người, đã chiến đấu trong vòng bốn ngày, với tổng số thương vong là 140.000 (gấp đôi quân số của toàn bộ BEF tại Pháp lúc bấy giờ).

Tuy nhiên, Joffre sẽ không thừa nhận bất kỳ sai sót vốn có nào trong chủ trương tấn công đằng sau Kế hoạch 17 – thay vào đó, ông đổ lỗi thất bại này cho một “sự hiểu nhầm” đối với chủ trương đó. Trong một “Lời nhắn cho Toàn Quân” được ban hành vào ngày 24 tháng 08, ông quyết định rằng những khu vực do người Pháp chiếm được nên được ngay lập tức tổ chức phục vụ mục đích chiếm đóng và phòng thủ, và cần đào các chiến hào tại đó. Việc thiếu phối hợp giữa pháo binh và bộ binh phải được khắc phục, Joffre khẳng định, và Pháp “phải học theo kẻ thù bằng cách sử dụng máy bay để chuẩn bị cho các cuộc tấn công pháo binh.” Tổng thống Pháp, Raymond Poincare viết trong nhật ký của ông cùng ngày hôm đó: “Chúng ta phải đưa ra quyết định về cả việc rút lui và xâm nhập. Đã quá đủ ảo tưởng trong hai tuần qua. Bây giờ tương lai của nước Pháp phụ thuộc vào sức mạnh kháng chiến của chúng ta.”