Nguồn: Pope Benedict XV named to papacy, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1914, chỉ một tháng sau khi Thế chiến I bùng nổ, Giacomo della Chiesa được bầu chọn làm Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã, trở thành Đức Giáo hoàng Benedict XV.
Là một người gốc quý tộc ở Genoa, Italy, và đã phục vụ trong vai trò một hồng y kể từ tháng 05 năm trước đó, Benedict đã kế nhiệm Đức giáo hoàng Pius X, người đã qua đời vào ngày 20 tháng 08 năm 1914. Ông được bầu bởi một hội đồng bao gồm các hồng y đến từ các quốc gia nằm về cả hai phía của chiến tuyến, bởi vì ông đã tuyên bố sự trung lập tuyệt đối trong cuộc xung đột.
Gọi cuộc Đại Chiến là “sự tự sát của châu Âu”, Benedict trở thành một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ hòa bình từ khi bắt đầu đầu triều đại của mình, mặc dù những lời kêu gọi của ông đã hoàn toàn bị phớt lờ bởi các cường quốc tham chiến.
Sau khi đề xuất ý tưởng về thỏa thuận ngừng bắn chung vào Giáng sinh năm 1914 mà không thành công – mặc dù một vài đợt ngừng bắn trong cuộc chiến đã xảy ra một cách ngẫu nhiên ở nhiều địa điểm dọc theo Mặt trận phía Tây vào dịp Giáng sinh năm đó, do các binh sĩ khởi xướng – Benedict bắt đầu mất ảnh hưởng ngay cả tại Italy khi chính quốc gia này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia nỗ lực chiến tranh.
Trong những tháng trước khi Italy tuyên chiến với Áo-Hung vào tháng 05 năm 1915, sự kêu gọi hòa bình kiên định của Benedict đã bị xem là can thiệp vào quyết tâm chiến đấu của quốc gia. Trong Hiệp ước London, bản hiệp ước thiết lập các điều kiện cho sự tham gia của Italy vào cuộc chiến, các nước Đồng minh đã đồng ý với Italy rằng bất kỳ sự can thiệp hòa bình nào từ Vatican vào các Cường quốc Trung tâm đều sẽ bị bỏ qua.
Vào ngày 01 tháng 08 năm 1917, Benedict đã ban hành một bản đề xuất hòa bình bao gồm bảy điểm để gửi tới “những người đứng đầu các dân tộc tham chiến”. Trong đó, ông bày tỏ sự cần thiết phải chấm dứt thù địch, cắt giảm vũ khí tổng thể, tự do biển cả và sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết bất kỳ câu hỏi nào về lãnh thổ giữa các quốc gia tham chiến. Đề xuất này đã bị từ chối rộng khắp bởi tất cả các cường quốc tham chiến, khi mà tại thời điểm đó các quốc gia này đã dốc toàn lực cho một chiến thắng tuyệt đối và sẽ không xem xét việc thỏa hiệp. Tệ hơn, cả hai bên nhìn nhận rằng Vatican ủng hộ phía bên kia và từ chối chấp nhận các điều khoản của Giáo hoàng.
Tình trạng này tiếp tục trong giai đoạn hậu đình chiến ngay sau đó, khi mà bất chấp những yêu cầu tham gia vào việc thiết lập hòa bình, tòa thánh Vatican của Đức Giáo hoàng Benedict vẫn bị loại khỏi Hội nghị Hòa bình Paris, được tổ chức tại Versailles vào năm 1919.