Nguồn: Polish Christians come to the aid of Polish Jews, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1942, ở Warsaw, một nhóm tín đồ Thiên Chúa giáo Ba Lan đã bất chấp mạng sống của mình khi thành lập Hội đồng Hỗ trợ người Do Thái (Council for the Assistance of the Jews). Đứng đầu tổ chức này là hai người phụ nữ, Zofia Kossak và Wanda Filipowicz.
Kể từ khi Đức xâm lược Ba Lan vào năm 1939, dân Do Thái hoặc là bị đẩy vào các khu ổ chuột (ghetto), hoặc bị đưa đến các trại lao động tập trung, hoặc bị sát hại. Nhà ở và cửa hiệu Do Thái bị tịch thu và các hội đường (synagogues) bị đốt trụi. Quyết định về số phận của người Do Thái cuối cùng cũng bị tiết lộ vào tháng 06/1942, khi một tờ báo ngầm của Warsaw, tờ Lữ đoàn Giải phóng (Liberty Brigade), công bố rằng hàng chục ngàn người Do Thái đã bị giết bằng khí độc tại Chelmno, một trại tử thần ở Ba Lan, gần bảy tháng sau khi việc thảm sát tù nhân bắt đầu.
Bất chấp việc “Giải pháp Cuối cùng cho Vấn đề Người Do Thái” ngày càng được phổ biến công khai, cùng với nạn thảm sát hàng loạt người Do Thái châu Âu và sự phát triển không ngừng của hệ thống trại tử thần ở Ba Lan, đã không có hành động nào nhằm ngăn chặn chúng. Bên ngoài Ba Lan, chỉ có những bài phát biểu đầy giận dữ từ các chính trị gia và những hứa hẹn về việc trả thù trong thời hậu chiến. Còn tại chính Ba Lan, ngay những người Ba Lan không phải gốc Do Thái cũng thường là những đối tượng bị bức hại và bị buộc lao động cưỡng bách dưới quyền phát xít Đức đang chiếm đóng; là người Slavơ, họ cũng bị coi là “thua kém” nhóm người Đức Aryan.
Nhưng điều này đã không ngăn cản được Zofia Kossak và Wanda Filipowicz, hai tín hữu Thiên Chúa giáo Ba Lan đã quyết tâm làm tất cả những gì họ có thể để bảo vệ các đồng bào Do Thái của mình. Người ta không biết chắc về kết cục của Kossak và Filipowicz nên cũng chẳng thể biết được liệu sứ mệnh của họ có thành công hay không, nhưng việc họ dám thành lập Hội đồng là bằng chứng cho thấy vẫn có những con người dũng cảm, sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để giúp đỡ những người Do Thái bị bách hại. Kossak và Filipowicz không đơn độc trong cuộc đấu tranh ấy. Chỉ hai ngày sau khi Hội đồng được thành lập, lực lượng cảnh sát khủng bố chính trị của Hitler, “SS” (Schutzstaffel), đã bắt giữ 23 người – đàn ông, phụ nữ và trẻ em – đưa một vài trong số ấy đến một túp lều, và số còn lại đến một nhà kho – và sau đó thiêu sống họ. Nhóm người này đã bị kết tội giúp đỡ người Do Thái.
Bất chấp sự dũng cảm của một số Kitô hữu Ba Lan, và của quân kháng chiến Do Thái trong các khu ổ chuột ở Warsaw, những người đã nổi dậy vào 1943 (một số trong nhóm này đã trú ẩn cùng những người hàng xóm Thiên Chúa giáo khi cố gắng trốn tránh SS), “cỗ máy giết chóc” của quân phát xít vẫn ở thế áp đảo. Ba Lan trở thành địa điểm giết chóc, không chỉ những người Ba Lan gốc Do Thái, mà còn cả phần lớn người Do Thái trên khắp châu Âu: Đã có khoảng 4,5 triệu người Do Thái đã thiệt mạng trong các trại lao động và trại tử thần ở Ba Lan vào thời điểm chiến tranh kết thúc.
16/05/1943: Cuộc nổi dậy của người Do Thái ở Warsaw kết thúc