Nguồn: Viet Thanh Nguyen & Richard Hughes, “The Forgotten Victims of Agent Orange”, The New York Times, 15/09/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Phan Thanh Hung Duc, 20 tuổi, nằm đó bất động và lặng im, thân mình được che phủ bởi một chiếc áo thun trắng in hình một ngôi đền Campuchia trang trí công phu. Miệng anh há hốc, ngực nhô lên khó nhọc, tay chân thì dị dạng. Anh trông như thể đang bị đóng băng trong đau đớn cực hình. Duc là một trong hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Pham Thi Phuong Khanh, 21 tuổi, là một nạn nhân khác. Cô lặng lẽ kéo chiếc khăn che lại khuôn mặt mình khi một người khách đến thăm Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu chụp ảnh chiếc đầu to lớn của cô. Giống như Hung Duc, Khanh là nạn nhân của Chiến dịch Ranch Hand (Operation Ranch Hand) – một nỗ lực của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhằm tiêu diệt nơi trú ẩn cũng như nguồn cung thực phẩm của kẻ thù bằng cách phun thuốc diệt cỏ.
Có lẽ Khanh chẳng muốn người lạ nhìn chằm chằm vào mình. Có lẽ cô cảm thấy xấu hổ. Nhưng nếu cô thực sự thấy xấu hổ, thì tại sao kẻ khác đáng ra phải thấy xấu hổ lại không thấy thế?
Lịch sử của chất độc da cam và tác động của nó đối với người Việt Nam, cũng như đối với lính Mỹ, nên khiến người Mỹ phải xấu hổ. Năm mươi năm trước, vào năm 1967, Mỹ đã cho rải 5,1 triệu gallon thuốc diệt cỏ chứa chất hóa học độc hại – dioxin – trên khắp Việt Nam, và đó chỉ là con số của một năm trong chiến dịch kéo dài một thập niên nhằm làm cây cỏ ở vùng nông thôn trụi lá. Một chiến dịch đã được thực hiện mà chẳng mảy may cân nhắc đến tác động của dioxin đối với con người, cũng như khả năng duy trì tính độc hại lâu dài của nó. Chất độc da cam chỉ là một trong nhiều chất diệt cỏ được sử dụng trong chiến dịch, nhưng nó đã trở nên “khét tiếng” nhất.
Các công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam đã lựa chọn lợi nhuận tối đa, bất chấp việc các nghiên cứu nội bộ cho thấy họ có thể sản xuất một sản phẩm an toàn hơn, với lợi nhuận giảm đi chút ít. Và chính binh lính Mỹ đã trở thành một trong số những nạn nhân không mong muốn của quyết định này: Vì không được cảnh báo, họ đã sử dụng các bình hóa chất rỗng loại 55 gallon để làm thùng chứa nước tắm.
Suốt những năm qua, đã có nhiều nguyên đơn, cả người Mỹ lẫn người Việt Nam, nộp đơn kiện trong các vụ kiện liên quan đến chất độc da cam ở Mỹ. Nhưng có lẽ điều duy nhất có thể được xem là chiến thắng cho các nguyên đơn lại là một thỏa thuận ngoài tòa trị giá 180 triệu USD trong thập niên 1980 dành cho khoảng 50.000 cựu chiến binh Mỹ. Trong khi rất nhiều người khác chẳng bao giờ được bồi thường vì triệu chứng bệnh của họ đã không xuất hiện mãi cho tới nhiều năm sau.
Những cựu chiến binh Mỹ này đã đấu tranh suốt nhiều thập niên để được điều trị y tế và được bồi thường cho các dị tật bẩm sinh và bệnh lý được tin là có liên quan đến chất độc da cam. Hồ sơ ghi chép từ các vụ kiện chất độc da cam cho thấy cả quân đội Mỹ và các công ty hóa chất đều nhận thức rõ ràng, ngay từ đầu, về sự nguy hiểm của dioxin, đến mức chính phủ Mỹ quyết định chấm dứt chương trình ba năm trước khi cuộc chiến kết thúc.
Chính phủ Mỹ đã thừa nhận một số trách nhiệm đối với các cựu chiến binh. Năm 2010, Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến binh, Eric K. Shinseki, bổ sung ba bệnh liên quan đến chất độc da cam vào danh sách đền bù của bộ, và Quốc Hội đã cấp 13,3 tỷ USD để trang trải chi phí bồi thường. Trong khi đó, Thượng viện chỉ bỏ ra 12 triệu USD để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, chỉ một phần nhỏ trong số đó là cho chăm sóc sức khỏe. Sự khác biệt trong ngân sách hỗ trợ là điều không thể chấp nhận được, tương tự là hành động phi lý của chính phủ Mỹ khi từ chối thừa nhận rằng chất độc da cam đã gây ra thiệt hại cho người Việt Nam giống như với người Mỹ.
Pham Van Truc là một nạn nhân da cam khác của Việt Nam. Chân tay bại liệt co quắp, da đóng vảy từng mảng, dường như phước lành duy nhất của anh chính là hai bậc sinh thành đặc biệt tận tâm chăm sóc anh, cả ngày lẫn đêm, suốt 20 năm cuộc đời anh, để rồi sau đó trở nên tuyệt vọng khi anh qua đời hồi tháng 3. Mẹ anh, bà Nguyen Thi May, 66 tuổi, chỉ cầu xin con bà được cứu chữa khỏi dù chỉ một trong những căn bệnh anh mắc phải, chẳng hạn như chứng tinh hoàn ẩn, hay những cơn đau không dứt vì thuốc không có tác dụng.
Đối với những trường hợp này, chính phủ của chúng ta (Mỹ) chỉ thừa nhận trách nhiệm ở một điểm duy nhất: xử lý ô nhiễm môi trường. Hơn 100 triệu USD đã được chi trả để làm sạch sân bay Đà Nẵng, một trong 28 “điểm nóng” về ô nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam.
Ngược lại, chỉ có 20 triệu USD được dùng để hỗ trợ các nạn nhân.
Lý do phổ biến nhất mà các cơ quan Mỹ đưa ra để lý giải sự chênh lệch này là vẫn chưa tìm thấy một liên hệ rõ ràng giữa chất độc da cam và tình trạng bệnh tật. Nhưng các bằng chứng đã xuất hiện áp đảo: những người lính Việt Nam, từ cả hai phía, đã có những đứa con khỏe mạnh hoàn toàn trước khi họ ra chiến trường, nhưng khi họ trở về nhà, thì những đứa trẻ sinh ra sau đó lại phải chịu các dị tật và các chứng bệnh khủng khiếp; các thôn làng bị phun rải chất độc nhiều lần có tỷ lệ dị tật bẩm sinh đặc biệt cao; và chính Bộ Cựu Chiến binh của Mỹ hiện cũng đã liệt kê 14 căn bệnh được cho là có liên quan đến chất độc da cam.
Lý do khiến cho người Mỹ thờ ơ thật ra không nằm ở việc thiếu bằng chứng khoa học. Vấn đề là ở khoảng cách giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ và người dân Việt Nam. Các nạn nhân Việt Nam đã không còn được công chúng Mỹ để tâm, và họ cũng chính là hiện thân gợi nhớ đến một cuộc chiến chẳng mấy vẻ vang. Các nạn nhân chất độc da cam cũng là một trong những hậu quả trực quan khó chịu nhất của Chiến tranh Việt Nam. Rất ít người từng đọc cuốn sách ảnh đầy ám ảnh của nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths, Agent Orange: ‘Collateral Damage’ in Vietnam, đủ can đảm để xem lại nó lần thứ hai. Sẽ dễ dàng hơi nếu ta cứ tiếp tục lờ đi, tiếp tục xa cách, đừng nhìn gì cả.
Lý do khiến cho người Mỹ thờ ơ – không nhìn, không hành động – thậm chí còn chẳng phải là vì vấn đề tiền bạc như người ta vẫn ngờ. Một giải pháp hỗ trợ cho người Việt Nam chỉ tiêu tốn những gì mà một trợ lý Quốc Hội gọi là “bụi thập phân” (decimal dust), hoặc theo một ước tính, là vào khoảng 35 triệu USD/năm trong vòng 10 năm. Nếu theo thông kê của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với khoảng ba triệu nạn nhân, số tiền viện trợ sẽ chỉ tầm 12 USD/năm/nạn nhân và kéo dài trong một thập niên – chưa tới 1/5 số thời gian đã trôi qua kể từ cao điểm Chiến dịch Ranch Hand vào năm 1967. Nguồn vốn hỗ trợ này sẽ giúp chi trả cho: tay chân giả, xe lăn và phẫu thuật chỉnh hình; trị liệu ngôn ngữ và phục hồi chức năng; các thiết bị hỗ trợ nhu cầu cơ bản: ăn, tắm và ngủ; hệ thống quản lý hồ sơ tiên tiến và đào tạo cán bộ y tế; cũng như phụ cấp cho các gia đình để chăm sóc con cái toàn thời gian.
350 triệu USD này là một số tiền chẳng thấm vào đâu so với các chi phí để sản xuất, vận chuyển và phun rải các loại thuốc diệt cỏ. Nhưng “di sản” mà chất độc da cam để lại không nằm ở phương diện khoa học hay kinh tế. Nó nằm ở lòng tử tế của con người.
Người Mỹ tạo ra chất độc da cam ở ngay tại đây, trong một phòng thí nghiệm, rồi vận chuyển nó ra nước ngoài và rải nó khắp nơi mà chẳng buồn quan tâm, cứ thế để nó tiếp tục hủy hoại hàng ngàn cuộc đời. Chối bỏ sự thật ấy sẽ chỉ gây thêm tổn hại cho nước Mỹ mà thôi.
Viet Thanh Nguyen là tác giả các sách: Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War, The Sympathizer, The Refugees.
Richard Hughes là người điều hành các nhà tình thương cho trẻ em đường phố ở Việt Nam trong giai đoạn 1968 – 1976, đồng thời là một diễn viên và nhà sáng lập Loose Cannons, một tổ chức phi lợi nhuận.