Nguồn: Daylight saving time instituted, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1942, Quốc Hội Mỹ đã quyết định tăng thêm thời gian chuẩn ban ngày thêm một giờ cho mỗi múi giờ, thực hiện thời gian tiết kiệm nhờ ánh sáng ban ngày (daylight saving time) – mà khi ấy còn gọi là “thời gian chiến tranh.”
Thời gian tiết kiệm nhờ ánh sáng ban ngày, được đề xuất bởi Tổng thống Roosevelt, được áp dụng nhằm tiết kiệm nhiên liệu và có nguồn gốc từ Thế chiến I, khi Quốc Hội Mỹ, đi theo mô hình ở châu Âu, đặt ra một mốc thời gian chuẩn nhằm cho phép nước này sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên.
Đạo luật Giờ chuẩn 1918 (1918 Standard Time Act) vốn dĩ chỉ có hiệu lực trong bảy tháng của năm 1918 và đã hết hiệu lực trên toàn quốc sau chiến tranh. Nhưng các bang riêng lẻ vẫn tiếp tục chỉnh đồng hồ sớm hơn một giờ vào mùa xuân và trễ hơn một giờ vào mùa thu.
Sau đó, cơ quan lập pháp trong Thế chiến II đã đặt ra thời gian tiết kiệm nhờ ánh sáng ban ngày trên khắp cả nước trong suốt một năm. Đạo luật được bãi bỏ vào ngày 30/09/1945, khi các bang một lần nữa áp đặt “thời gian tiêu chuẩn” của riêng họ. Mãi đến năm 1966, Quốc Hội mới thông qua thời gian tiêu chuẩn, vĩnh viễn thay đổi thói quen ở các địa phương.