21/02/1916: Trận Verdun bắt đầu

Nguồn: Battle of Verdun begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào lúc 7:12 sáng ngày này năm 1916, một phát đạn từ khẩu súng nòng dài 38cm Krupp của Đức – một trong số hơn 1.200 khẩu như vậy được dùng để bắn phá lực lượng Pháp dọc theo mặt trận trải dài 20 km qua sông Meuse – đã trúng vào nhà thờ ở Verdun, Pháp, khởi đầu Trận Verdun, kéo dài trong 10 tháng và trở thành cuộc xung đột dài nhất trong Thế chiến I.

Đến đầu năm 1916, cuộc chiến ở Pháp, từ biên giới Thụy Sĩ đến Eo biển Manche, đã sa lầy thành chiến tranh chiến hào. Bất chấp các điều kiện khó khăn trong các chiến hào, tham mưu trưởng quân đội Đức Erich von Falkenhayn tin rằng chìa khóa để chiến thắng không phải là đối đầu với Nga ở phía đông mà là đánh bại Pháp trong một trận đánh lớn ở Mặt trận phía Tây. Tháng 12/1915, Falkenhayn đã thuyết phục được Hoàng đế Đức, bất chấp sự phản đối của các nhà lãnh đạo quân sự khác như Paul von Hindenburg, rằng nếu kết hợp với chiến tranh tàu ngầm không giới hạn trên biển, tổn thất lớn của Pháp trong trận chiến sẽ đẩy người Anh – mà Falkenhayn cho là đối thủ mạnh nhất trong phe Hiệp ước – ra khỏi cuộc chiến.

Vị trí được lựa chọn trong cuộc tấn công của Falkenhayn là thành phố pháo đài Verdun trên sông Meuse ở Pháp. Thành phố đã được chọn vì ngoài tầm quan trọng mang tính biểu tượng (đây là thành trì cuối cùng sụp đổ vào năm 1870 trong Chiến tranh Pháp-Phổ), người ta còn có thể tấn công thành phố từ ba phía, khiến nó trở thành mục tiêu chiến lược tốt.

Bỏ qua thông tin tình báo cảnh báo về việc Đức có thể tấn công vào khu vực, năm 1915, Bộ tư lệnh Pháp đã bắt đầu cắt giảm lực lượng pháo binh hạng nặng cần thiết cho chiến tranh phòng thủ ở Verdun, thay vào đó họ chọn tập trung vào một chiến lược tấn công do Tướng Ferdinand Foch, người đứng đầu Đại học Chiến tranh danh tiếng của quân đội, và được đặt tên là Kế hoạch XVII. Do đó, trước cuộc tấn công của Đức vào ngày 21/02, người Pháp tương đối không chuẩn bị.

Ngay từ đầu, Trận Verdun đã gây ra tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Falkenhayn thừa nhận rằng ông không nhắm vào mục đích chiếm thành phố một cách nhanh chóng và dứt khoát, mà là để làm người Pháp tiêu hao dần (“bleed the French white”), ngay cả khi điều đó có nghĩa là số thương vong của Đức tăng lên. Trong vòng bốn ngày kể từ khi bắt đầu bắn phá Meuse, các sư đoàn tiền tuyến của Pháp đã phải chịu hơn 60% thương vong; Đức cũng hứng chịu tổn thất tương tự.

Sau một vài lần Đức giành được lãnh thổ nhanh chóng, trận chiến đã đi vào bế tắc, vì thương vong từ cả hai phía. Chỉ huy người Pháp mới được thăng chức trong khu vực này, Henri-Philippe Petain, đã quyết tâm gây ra thiệt hại tối đa cho lực lượng Đức, nổi tiếng bằng lời cam kết với tổng tư lệnh của ông, Joseph Joffre, rằng, “Chúng sẽ không thể vượt qua” (They shall not pass).

Đến nửa cuối năm 1917, lực lượng của Đức đã bị kéo dãn khi phải đối đầu với một cuộc tấn công do Anh lãnh đạo trên sông Somme và một cuộc tấn công khác của Nga, Chiến dịch Brusilov, ở Mặt trận phía Đông. Tháng 07, Hoàng đế Đức thất vọng trước tình trạng của Verdun, đã chuyển Falkenhayn sang chỉ huy Quân đoàn 9 ở Transylvania và thay thế ông bằng Paul von Hindenburg. Petain cũng được thay thế vào tháng 4 bởi Robert Nivelle, người vào đầu tháng 12 đã lãnh đạo lực lượng của mình chiếm lại phần lớn lãnh thổ đã mất của họ. Từ ngày 15 đến 18/12, người Pháp bắt 11.000 tù nhân Đức; vào ngày 18/12, Hindenburg cuối cùng đã kêu gọi dừng các cuộc tấn công của Đức sau 10 tháng ròng. Với số người Đức thiệt mạng là 143.000 người (trong tổng số 337.000 người thương vong) và con số về phía Pháp là 162.440 (trong số 377.231), Verdun được xem là biểu tượng cho tính tàn bạo, đẫm máu ở Mặt trận phía Tây trong Thế Chiến I.