Tác giả: Kenton Clymer | Biên dịch: Đinh Nho Minh
A Great Place to Have a War: America in Laos and the Birth of the Military CIA. Tác giả: Joshua Kurlantzick. New York: Simon and Schuster, 2017. Bìa cứng: 323 trang.
Cuốn Một nơi tuyệt vời để tiến hành chiến tranh: Người Mỹ ở Lào và sự khai sinh quân đội CIA có tiêu đề hợp lý nhưng châm biếm này kể lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Lào từ đầu những năm 1950 cho đến cuộc chiến bí mật những năm 1960 và sau đó. Giống như nhiều tác phẩm mang tính báo chí, cuốn sách dựa chủ yếu vào phỏng vấn với những người Mỹ có liên quan và lãnh đạo quân đội Hmong Vang Pao. Nhưng ngoài ra, cuốn sách cũng trích từ các nghiên cứu gần đây và các nguồn tài liệu khác nhau. Cuốn sách tập trung vào các sự kiện ở Lào, nhưng cũng không bỏ qua chính sách từ Washington. Joshua Kurlantzick lập luận rằng, mặc dù có nhiều tổn thất và thương vong nặng nề ở Lào và bên cộng sản chiến thắng, nhưng Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) coi Lào, cuộc chiến đầu tiên mà CIA điều khiển, là một chiến thắng lớn. Lào là một hình mẫu cho việc quân sự hóa CIA và các cuộc chiến tương lai của Cục. Tuy nhiên, bản thân tác giả không cho rằng cuộc chiến có kết cục tốt cho Lào, CIA, hoặc Hoa Kỳ.
Mặc dù cuốn sách là một câu chuyện tổng quát, nó vẫn dành sự tập trung nhất định vào bốn nhân vật chính: Vang Pao; Bill Lair, một điệp viên CIA ở Lào từ đầu cuộc chiến và trở nên thân thiết với Vang Pao; Tony Poe, một điệp viên CIA khác tìm cách xây dựng một đội quân bản địa từ những người không có gốc Hmong; và Bill Sullivan, nhà ngoại giao điều hành cuộc chiến bí mật trong giai đoạn mở rộng từ năm 1965. Trong những người này, rõ ràng Kurlantzick thích Lair nhất. Là một cựu binh Thế chiến II, Lair đã ở lại Đông Nam Á qua những năm 1950, chủ yếu ở Thái Lan, cũng như ở Lào sau Hiệp định Geneva năm 1954 với vai trò điệp viên bí mật của CIA. Ông hiểu rõ khu vực, ngôn ngữ, tập quán và văn hóa nơi đây hơn phần lớn người Mỹ. Và vào năm 1961, ông chịu trách nhiệm thực hiện Chiến dịch Momentum để ngăn chặn chiến thắng của phong trào cộng sản Pathet Lào và đồng minh Bắc Việt của họ.
Kế hoạch của Lair là Hoa Kỳ sẽ chỉ can thiệp bí mật quy mô nhỏ ở Lào. Ông sẽ làm việc với một Vang Pao đầy tài năng để huấn luyện các chiến binh Hmong thành du kích. Họ, cùng với những du kích người Thái khác mà Lair đã huấn luyện, sẽ đánh kiểu du kích chống lại cộng sản. Kế hoạch này sẽ phục vụ lợi ích của cả người Hmong và người Mỹ. Lair không muốn có sự hiện diện lớn của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và nghĩ rằng mục tiêu của Hoa Kỳ có thể đạt được nếu để người Châu Á tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. CIA lúc đó vẫn nhỏ, không có mục đích tiến hành nhiều cuộc chiến, và Lair thích giữ mọi thứ như vậy.
Lair rất hài lòng với diễn biến trong vài năm đầu. Tổng thống John F. Kennedy không muốn đưa lính Mỹ vào Lào. Vang Pao là một nhà tuyển quân và chiến binh hiệu quả. Lair đánh giá Chiến dịch Momentum là một thành công cho tới năm 1963. Kennedy đã đồng ý mở rộng Chiến dịch Momentum, nhưng người kế nhiệm, Lyndon Johnson, thậm chí còn mở rộng chiến dịch nhiều hơn nữa, khiến can thiệp của Hoa Kỳ ở Lào khác hẳn so với lúc đầu. Lúc này thì Bill Sullivan chịu trách nhiệm điều hành chiến dịch. Ông cũng không muốn có lính Mỹ ở Lào, nhưng ông muốn CIA tiến hành một cuộc chiến lớn. Những nhân viên CIA mới đến Lào không hiểu rõ về Lào và không tôn trọng người Hmong bằng Lair. Ngoài ra, CIA ngày càng phụ thuộc nhiều vào lính đánh thuê, một chiến thuật mà Lair cho rằng rất nguy hiểm. Sau đó Hoa Kỳ còn mở các chiến dịch ném bom lớn, điều mà Vang Pao muốn. Lair không muốn ném bom, nhưng cấp trên của ông vẫn ra lệnh, bất chấp nghi ngờ của Johnson về hiệu quả của chiến thuật này. Trưởng trạm CIA mới Ted Shackley, đến vào năm 1968, muốn một cuộc chiến rộng hơn và được CIA chấp thuận.
Lực lượng của Vang Pao đã chiến đấu vất vả và đạt được một vài chiến thắng lớn trước quân Bắc Việt. Tuy nhiên cái giá phải trả là rất đắt, và kế hoạch không kích, tuy có ích trong vài trường hợp, nhưng lại được tiến hành bừa bãi trong khu vực Cánh đồng Chum chiến lược. Đây là một trong những nơi bị đánh bom nặng nề nhất trong lịch sử. Nhiều dân thường bị giết, và nhiều người khác phải di cư. Thất vọng bởi những sự kiện này, cuối cùng Lair rời khỏi Lào. Ông không trở thành “người thổi còi” (chỉ trích CIA), cũng không tìm cách kiếm tiền bằng việc kể lại trải nghiệm ở Đông Nam Á như một số cựu nhân viên CIA khác. Công việc cuối cùng của ông là lái xe tải đường dài ở Texas.
Cuốn sách viết khá tiêu cực về Sullivan. Việc mở rộng chiến tranh của ông đã làm hại Lào. Sau đó ông trở thành người của Henry Kissinger để thông báo với người Lào rằng họ phải tự lực cánh sinh sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973. Nói cách khác, Hòa Kỳ đã bỏ rơi người Hmong, những người đã chịu đựng rất nhiều, trong khi Sullivan được thăng quan tiến chức. Khi Pathet Lào cận kề chiến thắng vào năm 1975, Hoa Kỳ di tản Vang Pao và người của ông ra khỏi Lào. Các nhân viên CIA và lính đánh thuê cũng sơ tán thêm 2.500 người khác mà không có sự cho phép của cấp trên. Một số đông hơn nữa chạy trốn sang các trại tị nạn ở Thái Lan. Tất cả họ đều muốn đến Hoa Kỳ, một nước không muốn nhận họ – mặc dù ngày nay có trên 260 nghìn người Hmong sinh sống ở Hoa Kỳ.
Bất chấp kết quả bi quan trong cuộc chiến ở Lào, CIA vẫn coi đây là một thành công vì Bắc Việt buộc phải gửi hàng nghìn quân qua Lào thay vì đánh nhau với lính Mỹ ở Việt Nam. CIA không bận tâm về những tổn thất mà Lào phải chịu đựng, và tiếp tục sử dụng Lào như hình mẫu cho các cuộc chiến tương lai của CIA.
Trừ phần bình luận về ảnh hưởng của cuộc chiến ở Lào tới đường hướng tương lai của CIA, các đánh giá của tác giả về kết quả cuộc chiến chủ yếu nói về số phận của bốn nhân vật phản diện chính: Lair, Poe, Vang Pao và Sullivan. Ông cũng lưu ý là một vài chiến binh Hmong tiếp tục hoạt động trong thế kỉ 21. Có một ít bình luận về tình trạng hiện giờ của quan hệ Mỹ-Lào, hiện khá gần gũi. Mối quan hệ này khá bất thường về mặt lịch sử vì đây là quan hệ song phương duy nhất của Hoa Kỳ với một nước Đông Dương mà không bị gián đoạn.
Có thể có người sẽ bất đồng với một số nhận định hoặc kết luận của cuốn sách (ví dụ, tôi nghĩ Kurlantzick đã đánh giá quá thấp tầm quan trọng và sự dũng cảm của Đại sứ Horace Smith và Winthrop Brown, những người đã gần như bất tuân để chống lại các chính sách sai lầm từ Washington). Cuốn sách lẽ ra có thể điều tra kỹ hơn về các quyết định chính sách. Cuốn sách cũng không có nhiều góc nhìn từ phía cộng sản trong cuộc chiến. Nhưng nhìn chung, Kurlantzick đã làm rất tốt việc kể lại quá trình can thiệp vào Lào của Hoa Kỳ với các nhận định thuyết phục về cách tiến hành chiến tranh và ảnh hưởng của nó đối với Lào, cũng như ảnh hưởng đối với tương lai của CIA.
Kenton Clymer là Giáo sư Nghiên cứu Lịch sử ở Đại học Northern Illinois.