Nguồn: Stamp Act imposed on American colonies, History.com
Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1765, trong một nỗ lực nhằm thu ngân sách để trả nợ và bảo vệ các lãnh thổ rộng lớn tại Mỹ mới giành được từ tay Pháp trong Chiến tranh Bảy năm (1756-1763), chính phủ Anh đã thông qua Đạo luật Tem thuế (Stamp Act). Đạo luật này đã đánh thuế thuế trực tiếp trên tất cả các loại tài liệu được in cho mục đích thương mại và pháp lý tại các thuộc địa, từ báo và tờ rơi cho đến thẻ bài và xúc xắc.
Mặc dù Đạo luật Tem thuế đã sử dụng một chiến lược được xem là một biện pháp thu ngân sách phổ biến ở Anh, nhưng nó đã gây ra một làn sóng phản đối ở các thuộc địa. Người dân các thuộc địa trước đó đã bị tác động bởi ba loại thuế lớn: Đạo luật Đường (1764), đánh thuế mới đối với hàng nhập khẩu dệt may, rượu vang, cà phê và đường; Đạo luật Tiền tệ (1764), gây ra sự sụt giảm lớn về giá trị của tiền giấy được sử dụng bởi người dân thuộc địa; và Đạo luật Đóng quân (1765), yêu cầu người dân thuộc địa phải cung cấp thức ăn và chỗ ở cho quân đội Anh.
Với việc thông qua Đạo luật Tem thuế, sự bất mãn của người dân thuộc địa cuối cùng đã dẫn tới sự phản kháng rõ ràng đối với điều mà họ cho là nỗ lực của Anh trong việc làm suy yếu sức mạnh và sự độc lập kinh tế của họ. Họ nêu vấn đề phải đóng thuế mà không có đại diện trong Quốc hội Anh, và thành lập các cộng đồng trên khắp các thuộc địa để biểu tình chống lại chính phủ Anh và giới quý tộc, những người tìm cách khai thác các thuộc địa như một nguồn thu ngân sách và nguyên liệu thô. Đến tháng 10 năm đó, chín trong số 13 thuộc địa đã cử đại diện tham dự Đại hội Đạo luật tem thuế, tại đó người dân thuộc địa đã soạn thảo “Tuyên ngôn về các Quyền và Khiếu nại”, một tài liệu chống lại các chính sách độc đoán của Đế quốc Anh.
Nhận thấy rằng việc tìm cách thực thi Đạo luật Tem thuế tại các thuộc địa sẽ tốn kém hơn so với việc bãi bỏ nó, chính phủ Anh đã bãi bỏ sắc thuế này vào năm sau đó. Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận về Đạo luật Tem thuế đã giúp gieo mầm cho một phong trào lớn hơn nhiều chống lại chính phủ Anh và cuối cùng là cuộc chiến giành độc lập. Hạt giống quan trọng nhất trong số này là sự hình thành tổ chức “Những đứa con của Tự do” (Sons of Liberty) – một nhóm thương nhân đã lãnh đạo các cuộc biểu tình chống Anh ở Boston và các thành phố ven biển khác – và các nhóm khác bao gồm các địa chủ giàu có đã tập hợp lại từ khắp các thuộc địa.
Ngay sau khi Đạo luật Tem thuế bị bãi bỏ, các cộng đồng này tiếp tục gặp gỡ để phản đối những gì họ coi là chính sách lạm dụng của Đế quốc Anh. Trong các cuộc họp của họ, một làn sóng chủ nghĩa dân tộc ngày càng phát triển mà sẽ lên đến đỉnh điểm trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ diễn ra một thập niên sau đó.