05/04/1972: Mặt trận thứ hai trong Chiến dịch Nguyễn Huệ

Nguồn: North Vietnamese launch second front of Nguyen Hue Offensive, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1972, quân đội Bắc Việt di chuyển từ miền đông Campuchia và mở ra mặt trận thứ hai trong cuộc tấn công của họ nhằm vào tỉnh Bình Long, tấn công Lộc Ninh, một quận lỵ biên giới cách Sài Gòn 75 dặm về phía bắc trên Quốc lộ 13. Đồng thời, một lực lượng bổ sung của quân Bắc Việt cắt đứt đường quốc lộ nối An Lộc, thủ phủ tỉnh Bình Long, với Sài Gòn ở phía nam, cách ly An Lộc khỏi sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Đây là mũi tiến công phía nam của cuộc tấn công ba gọng kìm trong Chiến dịch Nguyễn Huệ (còn được gọi là “Cuộc tấn công Phục sinh”), một chiến dịch lớn của Bắc Việt nhằm gây tổn thất lớn cho đối phương và giúp họ giành thắng lợi trong cuộc chiến.

Lực lượng tấn công bao gồm 14 sư đoàn bộ binh và 26 trung đoàn độc lập, với hơn 120.000 binh sĩ và khoảng 1.200 phương tiện thiết giáp và xe tăng. Các mục tiêu chính của Bắc Việt, ngoài An Lộc ở phía nam, là Quảng Trị ở phía bắc và Kontum ở Tây Nguyên. Ban đầu, lực lượng phòng thủ của Nam Việt trong từng khu vực gần như bị áp đảo, đặc biệt là ở các tỉnh cực bắc nơi các lực lượng Việt Nam Cộng hòa phải từ bỏ vị trí của họ ở Quảng Trị và tháo chạy về phía nam.

Tại Bình Long, các lực lượng Bắc Việt đã xâm nhập vào Nam Việt Nam từ Campuchia để tấn công trước hết tại Lộc Ninh, sau đó nhanh chóng bao vây An Lộc trong gần ba tháng nhằm chiếm được thị trấn này. Lực lượng phòng thủ [Nam Việt Nam] phải chịu đựng tổn thất nặng nề, bao gồm 2.300 người chết hoặc mất tích, nhưng với sự trợ giúp của các cố vấn và không quân Hoa Kỳ, họ đã vất vả để cố gắng giữ vững An Lộc cho đến khi cuộc bao vây được chấm dứt vào ngày 18 tháng 06.

Chiến sự tiếp tục trên khắp miền Nam Việt Nam vào những tháng mùa hè, nhưng cuối cùng, lực lượng miền Nam đã chiến thắng và họ chiếm lại Quảng Trị vào tháng Chín. Với việc cuộc tấn công của phe cộng sản bị dập tắt, Tổng thống Nixon tuyên bố rằng chiến thắng của Nam Việt Nam đã chứng minh khả năng đứng vững của chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, một chương trình mà ông đưa ra vào năm 1969 nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng hòa.